+Aa-
    Zalo

    Điểm danh 5 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lực lượng đặc nhiệm ưu tú của quân đội một quốc gia là những đơn vị được đào tạo, huấn luyện khắc nghiệt nhất và thiện chiến nhất.

    Lực lượng đặc nhiệm ưu tú của quân đội một quốc gia là những đơn vị được đào tạo, huấn luyện khắc nghiệt nhất và thiện chiến nhất.

    Được mệnh danh là đơn vị “tốt nhất của tốt nhất”, những thành viên của các lực lượng đặc nhiệm đều phải trải qua đào tạo nghiêm ngặt và rất ít người đi được đến cuối cùng. Họ thực hiện các nhiệm vụ táo bạo và đưa ra các mục tiêu chiến lược, đi đến nơi mà đa số mọi người đều cảm thấy “không thể đến”.

    Mặc dù rất khó để xếp hạng lực lượng đặc nhiệm của các quốc gia khác nhau, nhưng dưới đây là danh sách 5 đơn vị được coi là tinh nhuệ nhất trên thế giới.

    Đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ

    Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters

    Đặc nhiệm SEAL, hay còn gọi là Nhóm triển khai chiến tranh đặc biệt Hải quân Mỹ, là tên của đội đột kích bậc nhất lịch sử thế giới hiện nay, nổi tiếng nhất với vụ tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama Bin Laden. Với việc được huấn luyện đặc biệt, gian nan và đầy huyền thoại, đây chính là đơn vị đột kích tinh nhuệ trong đội quân tinh nhuệ.

    Đặc nhiệm SEAL được thành lập từ năm 1962, là tên viết tắt từ chữ cái đầu của từ Biển (Sea) Không khí (Air) và Đất (Land), chúng tượng trưng cho những môi trường mà đội tinh nhuệ có thể hoạt động. Để hoạt động được trong những môi trường ấy, đội đột kích đã trải qua những cuộc huấn luyện vô cùng khắc nghiệt. Tổng cộng có 2.500 thành viên trong lực lượng SEAL. Các sứ mệnh của SEAL có thể đa dạng từ chiến đấu, thu thập dữ liệu, chống khủng bố đến giải cứu con tin.

    Để gia nhập SEAL, các ứng viên phải trải qua chương trình huấn luyện kéo dài hơn 1 năm với các giai đoạn gồm huấn luyện tân binh, khóa chuẩn bị huấn luyện tác chiến đặc biệt hải quân, chương trình Hủy diệt Dưới nước Cơ bản (BUDS), khóa học nhảy dù và huấn luyện tiêu chuẩn SEAL (SQT). Đến cuối cùng, chỉ có khoảng 25% số lượng thành viên ban đầu trụ được và trở thành thành viên chính thức.

    Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS)

    Đặc nhiệm SAS của quân đội Anh. Ảnh: Getty

    SAS là đơn vị lực lượng đặc biệt của quân đội Anh. SAS được thành lập vào năm 1941 với tư cách là một trung đoàn, và sau này được tái lập thành một quân đoàn vào năm 1950. Đơn vị thực hiện một số vai trò bao gồm trinh sát bí mật, chống khủng bố, hành động trực tiếp và giải cứu con tin. Phần lớn thông tin và hành động liên quan đến SAS được phân loại và không được chính phủ Anh hoặc Bộ Quốc phòng bình luận do tính nhạy cảm của các hoạt động của họ.

    Các ứng viên muốn tham gia SAS phải trải qua khâu tuyển chọn và kiểm tra cường độ cao trước khi tiếp tục tham gia khóa đào tạo chuyên sâu. Quá trình sàng lọc ứng viên được cho là một trong những khóa huấn luyện quân sự khắc nghiệt nhất thế giới, nơi tỷ lệ thất bại lên tới trên 90%.

    Những bài kiểm tra bao gồm rèn luyện thể lực, sức mạnh ý chí, sức chịu đựng bền bỉ ở núi Brecon Beacons và Thung lũng Ellan ở Wales, cũng như trong rừng Belize khoảng 6 tháng. Chương trình huấn luyện này diễn ra 2 lần trong một năm bất kể điều kiện môi trường và mỗi ứng viên chỉ được phép tham gia chương trình huấn luyện 2 lần.

    SAS được biết đến như một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới. Vào năm 1980, đơn vị này đã giải cứu thành công toàn bộ con tin khi Đại sứ quán Iran bị các tay súng bao vây.

    Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga

    Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Ảnh: Systemspetsnaz

    Lực lượng vì mục đích đặc biệt (Spetsnaz) là một trong những đội quân tinh nhuệ nhất của Nga góp mặt trong nhiều chiến dịch quan trọng. Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz đảm nhận nhiệm vụ chống khủng bố, truy quét tội phạm đặc biệt nguy hiểm có vũ trang, giải cứu con tin và các hoạt động nguy hiểm khác.

    Sau Thế chiến thứ II, vào năm 1950, Chính phủ Liên bang Xô viết yêu cầu thành lập một  lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có thể triển khai nhanh chóng và đáp ứng mọi nhiệm vụ. Các thành viên  ban đầu được chọn từ những đơn vị trinh sát. Có khoảng 46 binh đoàn và 120 người được chọn vào lực lượng ngày 1/5/1951. Spetsnaz hoạt động cả trong thời bình và thời chiến, tham gia một phần vào các tình huống quốc tế, những trường hợp khẩn cấp trong nước Nga và bên ngoài.

    Thông tin về Spetsnaz được giữ kín cho đến cuối thập niên 1980.

    Spetsnaz là lực lượng hàng đầu của Nga, với những kỹ năng và nhiệm vụ vượt trên năng lực của tất cả các đơn vị khác. Đặc điểm chính của lực lượng này là quy mô nhỏ, huấn luyện đặc biệt, kỹ năng vũ trang tuyệt vời, có khả năng sử dụng các loại vũ khí hạng nặng và những kỹ năng địa hình đặc biệt khác.

    Họ có thể chiến đấu tại bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Thêm vào đó, họ còn khiến thế giới ngạc nhiên về độ liều, tốc độ, sáng kiến và làm việc nhóm. Ngoài sử dụng vũ khí, họ còn được huấn luyện để chiến đấu trong những tình huống tay không, với các vũ khí thô sơ, được huấn luyện võ thuật và tay không gỡ mìn.

    Để gia nhập Spetsnaz, những người lính phải đạt đến tới hạn khả năng của con người. Ngoài những bài tập thể chất hạng nặng, họ còn phải đem theo đầy đủ trang thiết bị di chuyển trên một quãng đường dài. Hình thức huấn luyện của lực lượng này khắc nghiệt đến mức chúng bị coi là bất hợp pháp ở Mỹ.

    Đặc nhiệm Sayeret Maktal, quân đội Israel

    Đặc nhiệm Sayeret Matkal của Israel. Ảnh: Special ops

    Sayeret Matkal là lực lượng đặc nhiệm của Israel, tập trung vào các hoạt động trinh sát, chống khủng bố và giải cứu con tin bên ngoài đất nước. Đơn vị này được thành lập vào năm 1957 với các thành viên được lựa chọn kỹ lưỡng với đặc điểm thể chất cũng và trí tuệ xuất sắc. Các ứng viên này sẽ trải qua 18 tháng tập luyện bao gồm trường đào tạo bộ binh cơ bản, học nhảy dù, huấn luyện chống khủng bố và các hoạt động trinh sát liên quan.

    Là lực lượng tinh nhuệ nhất trong biên chế quân đội Israel, đặc nhiệm Sayeret Matkal là những chiến binh thiện chiến nhất, có khả năng thu thập thông tin tình báo hoàn hảo. Ngoài ra, lực lượng này thường xuyên tiến hành diễn tập chống khủng bố cũng như giải cứu con tin.

    Đặc nhiệm Sayeret Maktal đã hoàn thành tốt một loạt các nhiệm vụ quan trọng như Chiến dịch giải cứu 103 con tin Do thái ở Uganda, các chiến dịch ngăn chặn lượng lớn vũ khí sang Lebanon.

    Đặc nhiệm quân đội Pakistan (SSG)

    Đặc nhiệm SSG của Pakistan. Ảnh: Defense.pk

    Năm 1956, quân đội Pakistan thành lập lực lượng đặc nhiệm mang tên SSG theo mô hình của đặc nhiệm Anh và Mỹ. Việc tuyển lựa thành viên SSG rất khắt khe khi cứ 4 ứng viên là các sỹ quan ưu tú đang phục vụ trong quân đội Pakistan ứng tuyển thì chỉ chọn được 1 người để tiếp tục tham gia khóa đào tạo kéo dài 9 tháng.

    Các học viên phải trải qua hàng loạt bài học lý thuyết và thực hành về chiến thuật, kỹ năng chiến đấu tay không, sử dụng các loại vũ khí, nhảy dù, thể lực… tại đa dạng các địa hình từ sa mạc, rừng sâu, đầm lầy cho tới khu vực đô thị hoặc trên biển trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Bussiness Insider, Tribune, Thetoptens)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-danh-5-luc-luong-dac-nhiem-tinh-nhue-nhat-the-gioi-a236535.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan