Những biến động về điểm sàn, số lượng thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển… là nguyên nhâ khiến điểm chuẩn ĐH năm 2018 tăng, giảm bất ngờ, khó dự đoán.
Theo lịch dự kiến của Bộ GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm thực hiện quy trình xét tuyển đợt một từ ngày 3/8 đến 17h ngày 5/8. Trước 17h ngày 6/8, các trường sẽ phải công bố kết quả trúng tuyển.
Nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH biến động mạnh
Theo ghi nhận hết ngày 28/7, số nguyện vọng (NV) thí sinh (TS) đăng ký vào các trường ĐH có nhiều biến động. Đáng chú ý là hiện tượng TS rút hồ sơ từ những ngành có điểm “sàn” cao chuyển sang ngành có “sàn” thấp hơn.
Chẳng hạn, tổng số NV đăng ký bằng hình thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hơn 23.000, tăng hơn 5.000 so với đợt đăng ký tháng 4. Trong đó những ngành TS tập trung nhiều là công nghệ thực phẩm 2.034, công nghệ sinh học 520, công nghệ hóa học 560… Đặc biệt, nhóm ngành kinh tế có lượng TS đăng ký nhiều như: quản trị kinh doanh 2.011, quản trị nhà hàng 1.845, quản trị du lịch 703…
Sau khi kết thúc đợt thay đổi nguyện vọng, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường có nhiều biến động mạnh. Ảnh minh họa |
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tổng NV sau điều chỉnh lên tới 59.816 (tăng trên 6.500 so với trước đó). Trong đó, riêng NV1 có trên 15.300 (tăng trên 400). Ngành có số TS đăng ký nhiều nhất là công nghệ kỹ thuật ô tô hệ đại trà, chỉ riêng NV1 đã có trên 2.000 hồ sơ (dù đã giảm bớt 900 NV so với trước đó).
Tương tự như vậy, số NV đăng ký vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã tăng 1/4 so với trước đó. Cụ thể có gần 30.000 NV của gần 22.000 TS đăng ký vào trường. Tuy nhiên TS vẫn đăng ký tập trung vào một số ngành.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có khoảng 23.000 NV đăng ký vào 7 ngành (2.500 chỉ tiêu). Trong đó tài chính ngân hàng có nhiều TS đăng ký nhất với 5.300 NV.
Tuy nhiên, ở Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thì tổng số NV xét tuyển vào trường sau điều chỉnh lại giảm 8%. Nhưng nội bộ từng ngành có sự điều chỉnh khác nhau theo hướng giảm những ngành điểm “sàn” cao và tăng những ngành điểm nhận hồ sơ thấp hơn.
Điểm chuẩn ĐH tăng giảm tùy ngành, khó dự đoán
Dựa trên số lượng TS thay đổi NV cụ thể cũng như việc các trường tăng, hạ điểm sàn trước đó, một số trường ĐH đã đưa ra những dự báo điểm trúng tuyển các ngành.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết điểm chuẩn các ngành sẽ giảm từ 2 - 4 điểm so với năm ngoái. Trong đó ngành cao nhất sẽ không dưới 23 điểm và thấp nhất từ 17,5 trở lên.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trường phòng Đào tạo (ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho hay, điểm chuẩn Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến sẽ giảm từ 1 - 2 điểm so với năm ngoái tùy theo nhóm ngành. Phổ điểm chuẩn sẽ nằm trong khoảng từ 16 - 22 điểm (năm ngoái là 17 - 23,75). Tuy nhiên sẽ chỉ có vài ngành điểm chuẩn ở mức 16, các ngành thuộc 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận ở mức 15 điểm.
Trong khi đó, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, dự báo điểm chuẩn sẽ tăng, giảm tùy ngành. Một số ngành điểm chuẩn chắc chắn sẽ cao hơn năm ngoái như: kỹ thuật cơ khí, quản trị logistics và vận tải đa phương thức, các ngành kinh tế và công nghệ thông tin. Các chuyên ngành thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông điểm chuẩn sẽ giảm so với năm ngoái do năm nay tuyển sinh theo từng chuyên ngành.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng đưa ra dự đoán điểm trúng tuyển ngành công nghệ thực phẩm có thể dao động quanh 20; các ngành công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ thông tin điểm chuẩn sẽ khoảng từ 18 -19; các ngành thuộc khối kinh tế, quản trị điểm chuẩn ở mức từ 18 - 20.
Trong khi đó, các ngành ít hồ sơ đăng ký ở đợt đăng ký tháng 4 (như công nghệ vật liệu, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên môi trường, công nghệ chế biến thủy sản, an toàn thông tin) thì có lượng TS đăng ký nhiều hơn. Dự đoán điểm các ngành này sẽ cao hơn “sàn” từ 2 - 3 điểm (từ 17 điểm trở lên).
Riêng hình thức xét tuyển học bạ, các ngành “nóng” điểm chuẩn tăng hơn năm 2017 khoảng 2 - 3 điểm. Các ngành như thủy sản, môi trường, công nghệ vật liệu mức điểm trúng tuyển có thể là 18.
Điểm chuẩn vào các trường ĐH tăng, giảm theo từng ngành. Ảnh minh họa |
Ở miền Bắc, nhiều trường Y, Dược, kỹ thuật... đều đồng loạt dự đoán điểm chuẩn sẽ giảm mạnh. Trao đổi với báo Trí thức trực tuyến, ông Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Y Hà Nội, cho hay dựa vào dữ liệu được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để phân tích, điểm khối B Toán, Hóa, Sinh thấp hơn mặt bằng chung điểm của các khối khác.
Căn cứ kết quả thi của thí sinh, Hội đồng tuyển sinh của trường họp, đưa ra nhận định ban đầu là mức trúng tuyển năm nay có thể giảm so với năm 2017 từ 3-4 điểm. Điểm đầu vào đối với ngành Bác sĩ, ngưỡng điểm sàn là 20, những ngành cử nhân là 18.
ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết do số lượng thí sinh đạt điểm cao giảm (đặc biệt ở môn Toán, được xét là môn chính của nhiều ngành) cùng giảm điểm ưu tiên theo khu vực, dự kiến điểm trúng tuyển vào các ngành của trường sẽ giảm so với năm 2017 từ 3 đến 4 điểm.
Điểm xét tuyển cao nhất là ngành Công nghệ Thông tin, Khoa học Máy tính từ 25-26 điểm. Các ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, Công nghệ Thông tin ICT, Kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ Thông tin Việt - Nhật, Kỹ thuật Hàng không có điểm chuẩn từ 23-24.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương, cho hay thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường nên nhìn vào phổ điểm từ 7 trở lên. Đối với thí sinh xét khối A hay A1 vào ngành Kinh tế và Kinh doanh, mức điểm lý tưởng để các em nộp hồ sơ xét tuyển ở môn Vật lý từ 7,5-8,5.
Các ngành Ngôn ngữ, Thương mại do đặc thù nhân đôi hệ số điểm môn Tiếng Anh nên khi quy về điểm 30, điểm chuẩn sẽ thấp hơn so với khối ngành kinh tế, kinh doanh.
Với phổ điểm các môn tự nhiên tập trung từ 7,5-8,5, nhiều khả năng mức trúng tuyển năm 2018 sẽ tiến dần về mức điểm của năm 2014. Điều đó có nghĩa điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương dự kiến thấp hơn năm 2017. Nhà trường cũng hạ điểm sàn từ 21 xuống 20,5 điểm.
Nhìn chung, những thí sinh xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường nếu có điểm trung bình 3 môn xét tuyển từ 7,5-8,5, cơ hội vào ĐH Ngoại thương rất lớn.
Dự đoán điểm chuẩn vào các ngành Y, Dược, kỹ thuật đều giảm mạnh. Ảnh: Zing |
Từ 5/8, các trường ĐH bắt đầu công bố điểm chuẩn
Tại khu vực phía Nam, trả lời trên VietNamnet, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thành viên nhóm xét tuyển phía Nam cho biết, 9h ngày 3/8 nhóm sẽ chạy lọc ảo lần đầu tiên sau khi nhận dữ liệu từ Bộ GD-ĐT. Nhóm thực hiện lọc ảo 8 lần.
Đến khoảng 5h chiều ngày 5/8, Bộ GD-ĐT chạy lọc ảo lần cuối cùng nên sau đó các trường sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn. Tuy nhiên, do ngày 5/8 trùng với Chủ Nhật nên có thể các thành viên trong nhóm xét tuyển không công bố điểm chuẩn đồng loạt mà tùy vào thời gian do trường lựa chọn.
Tại khu vực miền Bắc, đại diện 54 trường đại học ở khu vực phía Bắc đã họp bàn để thống nhất một số vấn đề kỹ thuật khi cùng nhau xét tuyển trên cơ sở dữ liệu chung, theo đó, dự kiến ngày 5/8, các trường sẽ đồng loạt công bố điểm chuẩn.
Theo kế hoạch, chiều 2/8, nhóm xét tuyển miền Bắc bắt đầu nhận dữ liệu từ Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), tối cùng ngày sẽ cho chạy thử. Trong 3 ngày tiếp theo, dữ liệu sẽ chạy mỗi ngày 4 lần. Chiều tối 5/8 sẽ chạy lần cuối, để ngay trong đêm 5/8 các trường đã có thể công bố điểm chuẩn trường mình.
Được biết, các trường thành viên của nhóm xét tuyển sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc tuyển sinh bao gồm xác định tỷ lệ trúng tuyển, xác định điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành, nhóm ngành, chương trình...
Trong 2 lần lọc ảo nhóm cuối cùng của ngày 5/8, các trường thành viên có trách nhiệm giới hạn việc thay đổi tỷ lệ gọi trúng tuyển không quá 10% cho ngành, nhóm ngành, chương trình so với số lượng gọi trúng tuyển lần ngay trước.
Nguyễn Phượng(T/h)