Chỉ cần đặt cọc từ 5 trăm đến 1 triệu đồng, kèm theo chứng minh nhân dân photo + bản gốc, “cò” sẽ đưa cho khách hàng 1 tờ giấy để khai tên, tuổi, quê quán, địa chỉ,… và hẹn bằng miệng ngày lấy. Đúng hẹn, cuốn sổ tạm trú đã xuất hiện trước mắt với không ít điểm khiến chúng tôi bất ngờ.
Vào nơi tập kết của… “cò”
Theo chân anh Q. (26 tuổi) đến khu vực bãi gửi xe ở trước toà nhà B4, PV chứng kiến cảnh tấp nập vào ra khi có nhiều người đến đây để làm sổ tạm trú (KT3). Thấy gương mặt dài thườn thượt vì ngán ngẩm, nôn nóng muốn có được sổ KT3 của tôi, Q. nói như thì thầm đủ cho hai người nghe thấy: “Vào Công an phường nộp hồ sơ thì đến bao giờ, ra bãi xe này thuê bọn “cò” làm cho đỡ mất công đi lại. Chỉ mất vài triệu là xong, từ A đến Z...”.
“Cò” tiếp nhận giấy tờ của khách hàng để làm sổ KT3 (Ảnh: T.A). |
Q. kéo dài câu cuối một cách tếu táo, nhưng điều đó không làm tôi bật cười, thay vào đó là thái độ ngạc nhiên đến... hoảng hốt: Giấy tờ Nhà nước cấp, mà cũng có “cò” làm hộ sao? Được biết, sổ tạm trú (KT3) là loại giấy tờ rất quan trọng đối với người dân, đặc biệt là với người ngoại thành lên Hà Nội làm việc và sinh sống. Đây là sổ rất cần thiết khi người ngoại thành muốn mua nhà, xin cho con được đi học tại các trường ở Hà Nội... Do đó, nó đòi hỏi độ chính xác, chuẩn chỉnh 100%, các thông tin trên tờ khai không được viết hộ, ký tên hộ.
Điều quan trọng, cuốn sổ KT3 cần phải có chữ ký tươi của trưởng hoặc phó công an xã, phường và dấu đỏ của công an nơi tạm trú đóng dấu tươi. Thế nhưng, không hiểu sao vẫn có người cung cấp dịch vụ - tạm gọi là “cò”, làm được cho chủ nhân của cuốn sổ KT3 khi cần gấp hay đơn giản là họ không muốn đến trụ sở công an tạm trú để khai báo vì sợ phải chờ lâu.
Để chứng minh lời nói của mình, Q. bất ngờ lôi xềnh xệch tôi đi vào gần bãi gửi xe. Trước đó, hắn bắt tôi phải cầm trên tay vài bản photo chứng minh nhân dân (CMND) và bản gốc. Theo Q., đó là “dấu hiệu” để thu hút “cò hộ chiếu”.
Vừa mới đứng ở khu vực vỉa hè sát bãi xe, tôi giật mình khi một gã trung niên lao đến như định đâm sầm người đối diện. Gã chúi mặt vào một bên vai tôi, khẽ khàng phả ra giọng nói ngai ngái thuốc lào: “Làm giấy tờ à, muốn lấy nhanh không?”.
Chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra, tôi lui lại vài bước, mồm lắp bắp, đầu lắc lắc và đưa mắt sang cầu cứu anh bạn đồng hành. Q. nhếch mép cười, mắt ra ám hiệu đã gặp đúng đối tượng rồi đây!
Tuy nhiên, gã trung niên lập tức bỏ đi trước thái độ lạ của tôi, không quên buông vài câu cằn nhằn. Liền sau đó, có thêm vài người xúm lại mời chào hai chúng tôi với nội dung tương tự. Cảnh tượng diễn ra không khác tại một khu chợ với người mua, kẻ bán, mời chào nhau... nhộn nhịp.
Theo ghi nhận, tại khu vực bãi gửi xe, “cò” ngang nhiên công khai mời chào những người ra vào. Nhìn thoáng qua có thể nhận thấy rất nhiều “cò” gồm cả đàn ông và phụ nữ. Không khó để nhận ra đâu là “cò” bởi họ thường đeo một chiếc túi nhỏ phía trước ngực hoặc bên hông. Họ cũng liên tục tìm kiếm những “con mồi” cho riêng mình...
Tiếp cận được khách hàng, “cò” lập tức hỏi: “Làm giấy tờ à, có muốn nhanh không?”.
Khi khách hàng cần làm sổ KT3 “cắn câu”, họ chỉ cần đặt cọc cho “cò” từ 5 trăm đến 1 triệu đồng, kèm theo CMND photo + bản gốc. “Cò” sẽ đưa cho khách hàng 1 tờ giấy để khai tên, tuổi, quê quán, địa chỉ,... và hẹn bằng miệng ngày lấy.
Dịch vụ “thần tốc”
Khảo sát giá cả tại khu chợ kỳ lạ này, đa phần “cò” giấy tờ đều đưa ra mức giá chung: 1,5 đến 2 triệu đồng đối với người muốn làm sổ KT3 với dịch vụ “thần tốc” sáng giao tiền, chiều cùng ngày có sổ. Khi giao dịch hoàn tất, “cò” sẽ gọi điện cho một người nào đó để hỏi ý kiến và chốt lịch ngày lấy sản phẩm.
“Cò” giao dịch với khách hàng (Ảnh: T.A). |
Với tâm lý “đi đường tắt nhanh hơn”, nhiều người đã tìm đến "cò" để làm thủ tục nhanh gọn, mặc dù chưa biết giấy tờ này có bị làm giả, hay đơn giản là bị lừa tiền? Rất nhiều người dân nhẹ dạ cả tin, không tuân thủ các bước nộp hồ sơ theo quy định của pháp luật mà tìm đến “cò”.
Sáng hôm sau, PV báo ĐS&PL cùng với Q. tiếp tục trong vai người đi làm sổ KT3 để ghi nhận. Hôm đó là ngày thứ Sáu. Chúng tôi đi vào khu vực bãi gửi xe, cầm trên tay vài bản photo CMND và bản gốc. Dừng chân ở vỉa hè, chưa kịp ngó nghiêng xung quanh thì lập tức một người đàn ông khoảng gần 40 tuổi mặc chiếc áo phông màu xanh, đầu đội mũ phớt, đeo trước ngực một chiếc túi nhỏ lao tới bắt chuyện và tự giới thiệu tên là T. (cò).
T. (cò) nhanh miệng hỏi: “Có cần dịch vụ không?”. Mất vài giây suy nghĩ, tôi đáp lời: “Em muốn làm sổ tạm trú ở Hà Nội, anh làm được không?”. T. trả lời: “Có, lần đầu làm à?”. Tôi nói: “Anh làm sổ tạm trú hết bao nhiêu tiền? Đến thứ Hai tuần sau có lấy được không? Hôm nay là thứ Sáu rồi, em cần gấp”.
T. nói: “Sổ tạm trú là 2 triệu đồng và phải đặt cọc một nửa”. Tôi băn khoăn muốn biết mình sẽ được tạm trú tại đâu, thì T. gằn giọng: “Không cần biết, miễn sao anh làm cho em là được. Làm ở đây thì cứ yên tâm đi, các em lấy số điện thoại của anh rồi cứ về suy nghĩ kỹ, nếu làm thì gọi lại cho anh”.
Do chưa biết đúng sai ra sao, một phần lo lắng khi giao thông tin cá nhân cho người lạ, chúng tôi đề nghị cần có thời gian suy nghĩ và không quên xin số điện thoại của T.. Khoảng 30 phút sau khi cân nhắc (liệu đây là giấy tờ giả, hay “cò” định lừa tiền rồi cao chạy xa bay...), tôi quyết định gọi điện cho T. đồng ý và đến đặt tiền, chốt ngày lấy sổ tạm trú. Tôi quay trở lại khu vực bãi gửi xe, thấy đi với T. là một thanh niên trẻ tuổi tên H. cao, béo, dáng vẻ bặm trợn cùng tiếp chuyện khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng.
Tôi đặt vấn đề: “Bây giờ em cần làm sổ tạm trú, đến thứ Hai tuần sau các anh có làm được không?” Thấy tôi nói vậy, T. và H. kéo nhau ra một chỗ cách chúng tôi khoảng 3 – 4m trao đổi riêng. H. lấy điện thoại gọi cho ai đó rồi cả hai cùng quay lại nhận lời làm sổ tạm trú cho tôi và không quên dặn đến thứ Hai lấy sổ. T. và H. yêu cầu tôi đặt cọc trước 1 triệu đồng + 2 ảnh + giấy CMND photo và dặn sáng thứ Hai đến làm tờ khai, chiều cùng ngày đến lấy.
Khi tôi yêu cầu viết phiếu thu, H. đáp: “Không cần giấy tờ gì cả, mình làm rất uy tín, kiếm cơm ở đây bao nhiêu năm nay rồi”.
Thấy vậy, anh bạn Q. nói nhỏ: “Thôi nộp đi cùng lắm mất 1 triệu đồng”. Tôi cố công kì kèo xin T. giảm giá, nhưng không được. Bất lực, tôi liền đóng trước 1 triệu đồng cùng những giấy tờ cần thiết rồi ra về trong ánh mắt hả hê của T. và H..
Nhận sổ tạm trú ở nơi chưa bao giờ cư trú Đến sáng thứ Hai theo lịch hẹn, tôi đến điểm hẹn khai báo những thông tin cá nhân cho T., đến gần 12h trưa, T. đã vội vàng gọi thông báo: “14h chiều nay đến chỗ cũ để lấy sổ tạm trú”. Như vậy, chưa đầy 5 giờ đồng hồ tôi đã lấy được sổ tạm trú. Tôi thật sự bất ngờ về tốc độ “thần tốc” này. Quyển sổ KT3 còn nguyên màu mực mới, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, quê quán. Kèm theo đó là dấu đỏ, chữ ký tươi của vị Phó công an xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội, nhưng ngày cấp lại được quay ngược thời gian (tức là ngày tháng ghi trên sổ trước thời điểm tôi gặp T. gần 1,5 tháng). Đây là một nơi rất xa lạ đối với tôi bởi chưa bao giờ tôi đặt chân đến vùng đất này, chưa bao giờ sống ở đây một ngày, tại sao “cò” có thể phù phép trong thời gian chưa đầy nửa ngày đã có sổ tạm trú vô thời hạn? |
Nhóm PV