+Aa-
    Zalo

    Dịch COVID-19 ngày 25/12: Số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng mạnh ở nhiều nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện đã có hơn 79,7 triệu ca nhiễm và gần 1,75 triệu người tử vong do virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

    Hiện đã có hơn 79,7 triệu ca nhiễm và gần 1,75 triệu người tử vong do virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

    Theo dữ liệu thời gian thực trên trang Worldometers, tính đến 9h ngày 25/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu là 79.714.317, tăng 665.189 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước. Trong đó, số ca tử vong là 1.748.451, tăng 11.718 ca.

    Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 19.111.326 ca nhiễm và 337.066 người tử vong do COVID-19, tăng lần lượt 193.030 và 2.835 ca sau 24 giờ.

    Theo CBS News, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2021 có thể sẽ làm lu mờ các chuyến đi lại vào dịp Lễ Tạ ơn vừa qua, khi có hơn 50 triệu du khách đã đi nghỉ qua các trạm kiểm soát của Cơ quan An ninh Vận tải (TSA), bất chấp cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

    Cảnh báo cập nhật được CDC đưa ra khi trong 7 ngày qua, hơn 1,5 triệu trường hợp mắc bệnh mới đã được xác nhận. Hơn 18,5 triệu trường hợp đã được báo cáo kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ và đã tăng 2% trong hai tuần qua. Tỉ lệ tử vong và nhập viện vì COVID-19 cũng tăng lần lượt là 15% và 13%.

    Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 718 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 189.982. Số người nhiễm bệnh ở nước này tăng 57.268 trong 24 giờ qua, lên 7.423.945.

    Vaccine ngừa COVID-19 CoronaVac đang là chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.

    Anh những ngày qua đang là tâm điểm chú ý khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa

    Tại Anh, nơi đang là tâm điểm của thế giới khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 70%. Hiện đã có hơn 40 quốc gia tạm thời đóng cửa biên giới với Anh để ngăn chặn sự lây lan của chủng biến thể mới.

    Bất chấp lo ngại của nhiều nước, các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra những nhận định lạc quan về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và gọi đây là "một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus".

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, nhiều khu vực thuộc miền nam nước này từ ngày 26/12 sẽ được áp mức phòng dịch cao nhất. “Trong bối cảnh số ca nhiễm, bệnh nhân nhập viện và ca tử vong ngày càng tăng, điều quan trọng là chúng ta phải hành động”, ông Matt nói.

    Anh báo cáo hơn 2.188.587 ca nhiễm và 69.625 trường hợp tử vong do COVID-19.

    Pháp, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 5 thế giới với 2.527.509 ca được ghi nhận, tăng 21.634 ca sau 24 giờ. Số người tử vong vì dịch bệnh ở Pháp là 62.268, tăng 290 ca.

    Phủ tổng thống Pháp hôm 24/12 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron, người được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 17/12, đã hết triệu chứng của bệnh và kết thúc thời gian cách ly 7 ngày.

    Cùng ngày, Cơ quan Y tế cấp cao của Pháp đã chính thức cho phép lưu thông loại vaccine COVID-19 của Pfizer và BioNTech trên thị trường nước này. Giáo sư Dominique Le Guludec, Giám đốc Cơ quan Y tế cấp cao cho biết: “Chúng tôi xác nhận loại vaccine này có thể được sử dụng đối với người từ 16 tuổi, bao gồm cả những người cao tuổi nhất.

    Đức báo cáo 26.418 ca nhiễm và 554 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.614.326 và 29.681.

    Đức hôm 24/12 thông báo ghi nhận ca biến thể COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Anh, là một phụ nữ đến từ London. Berlin thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đi lại từ Anh cho đến ngày 6/1/2021, bất chấp lời khuyên từ Ủy ban châu Âu (EC) rằng các nước thành viên trong khối nên hủy bỏ lệnh này.

    Israel có tỷ lệ nhiễm bệnh trên đầu người cao nhất thế giới. Ảnh: AFP

    Tại châu Á, Israel là một trong những quốc gia đầu tiên ghi nhận ca dương tính với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Thông báo được bộ Y tế Israel đưa ra hôm 24/12 cho biết đã có 4 người nhiễm biến thể mới này được xác nhận, 3 trong số đó vừa từ Anh về, người còn lại đang được điều tra nguồn lây nhiễm.

    Cùng ngày, Israel thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 27/12. Đây là lệnh phong tỏa thứ ba ở Israel nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

    Israel thông báo lệnh phong tỏa trên sau khi tỉ lệ lây nhiễm ở nước này tăng mạnh trở lại kể từ lệnh phong tỏa thứ hai hồi tháng 9, với tỉ lệ lây nhiễm tính theo đầu người nằm trong số cao nhất trên thế giới.

    Israel hiện ghi nhận 389.678 ca nhiễm và 3.171 trường hợp tử vong.

    Hàn Quốc báo cáo thêm 985 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 53.533, trong đó 756 trường hợp tử vong, tăng 17 ca so với một ngày trước. Số liệu này đánh dấu ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc xuống dưới 1.000, nhờ các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất cho đến nay.

    Dự kiến, số lượng vaccine BioNTech/Pfizer được nhập đủ để cung cấp cho hơn 10 triệu dân Hàn Quốc. Việc vận chuyển sẽ diễn ra trong quý 3/2021. "Chúng tôi đang huy động toàn bộ nguồn lực của quốc gia, để có thể đưa lô hàng trên cập bến trong quý 2/2021. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành”, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nói.

    Ngày 24/12, Nhật Bản ghi nhận thêm 3.450 ca nhiễm COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thành phố Tokyo và một số vùng khác tiếp tục có số ca nhiễm cao kỷ lục giữa lúc lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải.

    Theo bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay đã lên tới 211.000 ca, trong đó có 3.100 ca tử vong.

    Tại thành phố Tokyo, 888 ca nhiễm mới đã được phát hiện trong 24h qua, vượt kỷ lục trước đó ghi nhận vào ngày 17/12 là 821 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 54.018 ca.

    Kể từ ngày 17/12, chính quyền Tokyo đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất là cấp 4 do lo ngại hệ thống y tế nơi đây bị quá tải, và yêu cầu người dân hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết. Các nhà hàng, quán bar và các cơ sở phục vụ rượu tại Tokyo đã được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh là đóng cửa lúc 22h hoặc sớm hơn.

    Tại Trung Quốc, cơ quan Y tế Bắc Kinh đã cảnh báo dịch bệnh trong buổi họp báo ngày 24/12, khi phát hiện thêm một số ca nhiễm COVID-19 cộng đồng và di chuyển qua nhiều nơi trong thành phố. Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên rời khỏi thành phố trong thời điểm hiện tại.

    Việc xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng đang khiến người dân Bắc Kinh lo lắng, nhất là với những người có ý định đi du lịch trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

    Trung Quốc đã ghi nhận 86.913 ca nhiễm và 4.634 trường hợp tử vong.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-covid-19-ngay-2512-so-ca-nhiem-va-tu-vong-van-tang-manh-o-nhieu-nuoc-a350537.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan