Kinh tế Thanh Hóa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
6 tháng đầu năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn tích cực đạt 8,66%, cao nhất Bắc Trung Bộ đứng thứ 12 cả nước; GRDP tăng 8,66% so với cùng kỳ năm 2010.
Nằm ở "chóp" của Bắc Trung bộ, Thanh Hóa là cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Trung nơi có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua cùng hạ tầng giao thông liên tiếp được quan tâm đầu tư gần đây.
Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối 2 tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng hứa hẹn đem đến cho Thanh Hóa nhiều “tài nguyên” phát triển kinh tế. Sau khi dự án hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Thanh Hóa sẽ chỉ còn khoảng 1 giờ. Con số này của hiện tại là xấp xỉ 3 giờ và của gần 10 năm trước là gần nửa ngày.
Với giao thông nội tỉnh, Dự án đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn được hoàn thành tháng 4 năm nay; Dự án đường nối TP Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 3.567 tỷ đồng dự kiến đi vào khai thác trong năm 2022 cũng sẽ là các mắt xích quan trọng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực và liên kết vùng.
Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay Thọ Xuân sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế. Tương lai ngoại tệ đổ về Thanh Hóa sẽ không còn xa.
Hội tụ đủ các yếu tố: vị trí kết nối Bắc – Trung bộ; hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện; hệ sinh thái đa dạng, cùng đường bờ biển dài 102km và khoảng 1.535 di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh tầm cỡ, Thanh Hóa đủ tiềm năng để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2020, Thanh Hóa xếp thứ 4 về lượng du khách, xếp thứ 10 về doanh thu của cả nước. Tỉnh cũng hướng đến mục tiêu năm 2025 sẽ đón 16 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/ năm.
Những năm qua, với một số hạn chế trong hiệu quả đầu tư, hệ thống đô thị, hạ tầng kinh tế xã hội và ngành dịch vụ chưa đa dạng... kinh tế xứ Thanh vẫn chưa thoát khỏi 2 chữ “tiềm năng”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Thanh Hóa có nhiều cơ hội để biến tiềm năng thành khả năng, hiện thực hóa mục tiêu “cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”.
Kinh tế tăng trưởng tích cực; hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư; du lịch được chú trọng phát triển sẽ là cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ tại Thanh Hóa cất cánh, trong đó có Bất động sản - “ngôi sao đang lên” của kinh tế xứ Thanh.
Bất động sản “mở hàng” năm 2021 sôi động
Theo đánh giá của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nửa đầu năm 2021, với việc thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư từ các "ông lớn” như Sun Group, Vingroup, T&T Group hay TNG…, Thanh Hóa nổi lên như một điểm sáng trên thị trường bất động sản.
Thống kê cho thấy giá đất nền tại nhiều khu vực ở Thanh Hoá tăng trung bình khoảng 40-60% so với cuối năm 2020. Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước.
Giai đoạn cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, hàng loạt dự án bất động sản lớn đã được khởi công xây dựng.
Tháng 10/2020, Sun Group đánh dấu hành trình “khai mở” xứ Thanh khi chính thức khởi công xây dựng quảng trường biển quy mô 2 ha với sức chứa lên tới hơn 10.000 người. Tiếp đó là Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Sun Grand Boulevard gây ấn tượng với trục đại lộ thương mại lớn nhất Việt Nam (dài 2,6km, rộng 120m). Ngay khi vừa ra mắt 4 phân khu shophouse tại dự án này đã bán hết 97% trong 1 tháng, cho thấy sự quan tâm không nhỏ của các nhà đầu tư với địa ốc tại các dự án được đầu tư quy mô, bài bản, lớp lang.
Có thể nói, Sun Grand Boulevard là dự án “xông đất” thành công trong quần thể dự án lên tới 1.260ha của Sun Group, nhằm mang tới Sầm Sơn hệ sinh thái 3 chân kiềng đặc trưng gồm Vui chơi giải trí, Du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản cao cấp.
Đó chính là bộ đôi công viên giải trí Sun World rộng 33,6 ha được phát triển dựa trên cảm hứng văn hóa đặc trưng của vùng đất Thanh Hóa, hay thành phố nghỉ dưỡng đa sắc màu Sun Riverside Village bên dòng sông Đơ sắp được ra mắt. Những mảnh ghép này đang tạo ra một chuỗi trung tâm giải trí, kinh doanh thương mại và nghỉ dưỡng chất lượng cao, đưa Sầm Sơn trở thành “thành phố đêm không ngủ”, điểm du lịch cao cấp và sôi động suốt bốn mùa.
Không chỉ ở Sầm Sơn, Sun Group còn cho thấy tham vọng "khai mở" tiềm năng xứ Thanh với hàng loạt dự án như quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En; đưa xu hướng nghỉ dưỡng mới của thế giới - "wellness" về với Thanh Hóa qua Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, Quảng Xương.
Khi đi vào hoạt động, chuỗi dự án sẽ góp phần cải thiện an sinh xã hội, tăng thu ngân sách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy du lịch, bất động sản địa phương phát triển. Đây cũng là tinh thần được nhắc đến tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chặng đường đưa xứ Thanh trở thành “tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” với bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch cất cánh sẽ còn trường kỳ với sự góp sức tâm huyết, đầu tư bài bản của khối tư nhân.
Nhưng từ nay, người ta hoàn toàn có thể chờ ngày không xa "Thanh kỳ khả ái" khoe sắc trở lại.
Thu Hà