Nhiều người vẫn coi dị ứng chỉ là một loại bệnh nhẹ, tuy có gây khó chịu khi thời tiết thay đổi nhưng cũng không quá nguy hiểm. Nhưng thực tế đã chứng minh quan điểm này là sai lầm.
Đa số mọi người khi nhắc đến dị ứng đều chỉ nghĩ đến một căn bệnh nhẹ gây nổi mề đay, các nốt dị ứng và mẩn ngứa chứ không phải một loại bệnh gây nguy hiểm. Quả thật, nếu biết cách xử lý và giữ ấm kịp thời thì bệnh sẽ không gây nguy hiểm, nhưng nhiều trường hợp, do không nhanh chóng giải quyết nên đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh hoạ: Internet. |
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, không khí hanh khô khiến da của những người mẫn cảm trở nên khô và hiện tượng dị ứng thời tiết lạnh bắt đầu xuất hiện. Ngay cả vào những ngày gặp mưa gió thì một số người vẫn có thể bị dị ứng thời tiết do cơ địa mẫn đỏ, ứ đọng độc tố hoặc do các bệnh lý khác.
Ở giai đoạn nặng, dị ứng thời tiết có thể gây phù nề họng, ảnh hưởng đến đường hô hấp gây khó thở. Nếu không được làm ấm ngay, cơ thể bị nhiễm lạnh quá mức, nhất là còn ngấm mưa thì còn có thể gây ảnh hưởng đến cả tim mạch, não, dẫn đến sốc phản vệ và thậm chí gây tử vong... Có thể thấy, dị ứng thời tiết không chỉ ảnh hưởng bởi nhiệt độ lạnh mà còn ảnh hưởng cả từ việc cơ thể bị ngấm mưa.
Sở dĩ có hiện tượng này là do khi nhiễm lạnh, cơ thể sẽ sản sinh ra histamin và một số chất khác liên quan đến hệ miễn dịch gây nên tình trạng nổi mề đay hoặc một số biểu hiện khác của dị ứng như sưng tay, sưng môi, nặng hơn thì có thể gây phù nề họng, nhịp tim nhanh, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy, phù não cấp tính, khó thở cấp tính...
Cần giữ ấm cho cơ thể để tránh dị ứng thời tiết - Ảnh minh họa. |
Cách phòng tránh dị ứng thời tiết
Để tránh dị ứng thời tiết cùng những hậu quả nghiêm trọng do căn bệnh này gây ra, ngay từ bây giờ hãy phòng tránh bằng các cách sau:
- Luôn giữ cho cơ thể đủ ấm khi trời chuyển lạnh, nhất là các bộ phận dễ nhiễm lạnh như cổ, tai, tay, chân...
- Khi đi ngoài trời mưa, hãy che chắn cẩn thận để cơ thể không bị ngấm nước.
- Tốt nhất là hạn chế đi ra ngoài vào những ngày trời quá lạnh và có mưa.
- Người có tiền sử dị ứng càng cần chú ý hơn đến việc chăm sóc cơ thể.
- Hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng trong thời gian này như hải sản, lạc, dứa...
- Chú ý vệ sinh răng miệng, cơ thể để phòng tránh các bệnh do virus.
Dị ứng thời tiết có thể gây thành sốc phản vệ dẫn đến chết người - Ảnh minh họa. |
- Nên ăn nhiều rau xanh, uống nước ép trái cây có vitamin C thường xuyên để cải thiện hệ miễn dịch mạnh khỏe. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày nhằm điều hòa cơ thể, tập thể dục thể thao điều độ nhằm tăng cường sức khỏe.
Minh Minh(T/h)