(ĐSPL) - Philippines và Thái Lan là hai quốc gia có mối liên kết gần gũi nhất với Mỹ ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh chính sách xoay trục của Mỹ đang tiến gần hơn với châu Á - Thái Bình Dương, đây là hai quốc gia được xem là quan trọng trong kế hoạch của Mỹ tại khu vực, cũng như tạo thành thế cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, những động thái của Manila và Bangkok gần đây cho thấy, cam kết đồng minh với Washington đã không còn bền chặt.
Dấu hiệu rạn nứt
Quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Thái Lan càng trở nên chông chênh sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời hôm 13/10. Ông là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố liên minh lâu năm giữa Mỹ và Thái Lan kể từ sau Thế chiến thứ hai. Sự mất mát của người dân Thái Lan cũng trùng với thời điểm chính sách tái cân bằng ngoại giao và an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương gặp thêm khó khăn.
Việc nhà vua Thái Lan qua đời có thể làm mối quan hệ hai nước “chạm đáy” khi câu hỏi về việc thái tử kế vị có tiếp tục quan hệ gần gũi với Mỹ hay không, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó những động thái gần đây cho thấy Thái Lan dường như đang tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Một phần trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng (Cobra Gold) giữa Mỹ và Thái Lan. |
Trên thực tế, mối quan hệ đồng minh chiến lược Thái Lan-Mỹ bắt đầu rục rịch rạn nứt từ năm 2014. Sau cuộc đảo chính quân sự, giới lãnh đạo quân đội Bangkok lúc đó muốn thay đổi chính sách với Mỹ. Trong cơn giận dữ, Washington cho biết, sẽ lên án việc lật đổ chính phủ Yingluck và có thể hạ cấp hợp tác quân sự giữa hai nước. Từ thời điểm này, quan hệ hai nước nổi bật bằng sự chia rẽ khi các quan chức Mỹ thường xuyên chỉ trích Thái Lan về vấn đề nhân quyền.
Ngược lại, Thái Lan đang tìm kiếm một quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc. Hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung và mới đây hải quân Thái Lan đã công bố kế hoạch mua tàu ngầm từ Bắc Kinh. Hay quyết định trục xuất người Uighur, một dân tộc thiểu số ở miền Tây Trung Quốc do các yếu tố ly khai và ngăn thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông Joshua Wong nhập cảnh vào Thái Lan cũng đã chứng minh thiện ý của Bangkok với Trung Quốc.
Trong khi, đồng minh khác của Mỹ là Philippines cũng đang tìm kiếm một quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga. Tổng thống Rodrigo Duterte không ít lần tuyên bố muốn hướng quốc gia đi theo một chính sách đối ngoại độc lập, giảm sự phụ thuộc và can thiệp quá sâu từ phía Washington – nguồn cơn chính cho sự bất ổn của mối quan hệ hai nước chỉ trong 4 tháng trở lại đây.
Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch bầu cử của mình, ông Duterte đã đưa quan hệ Mỹ- Philippines vào tình trạng hỗn loạn. Nhà lãnh đạo Manila tiếp tục gia tăng căng thẳng khi tuyên bố muốn kết thúc các cuộc tuần tra chung với Washington, đồng thời “đuổi khéo” lực lượng đặc biệt của Mỹ ở đảo Mindanao. Manila cũng tích cực tham gia vào các chương trình sáng kiến liên kết hợp tác khu vực với Trung Quốc, đồng thời tìm mua vũ khí của Moscow. Động thái của ông Duterte được cho là đáp trả lời chỉ trích của Mỹ về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông.
Tư tưởng khác biệt gây mâu thuẫn
Rõ ràng có thể thắng, nếu “đánh rơi” Philippines và Thái Lan, Mỹ sẽ mất hoàn toàn tầm ảnh hưởng ở khu vực. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Greg Raymond từ trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại đại học Quốc gia Australia nhận định, sự bất đồng với Mỹ không có nghĩa là cả hai quốc gia này muốn khuấy động chính trị ở châu Á.
Ông cho rằng “sự xa lánh Mỹ” bắt nguồn từ việc cả Thái Lan và Philippines đều có chung mối lo ngại các cường quốc lớn can thiệp quá sâu vào các vấn đề trong nước. Cả hai dù thân thiết với Mỹ, nhưng họ đều là nạn nhân bị quốc gia này chỉ trích về vấn đề dân chủ, nhân quyền, một động thái được cho là can thiệp quá nhiều vào nội bộ khiến cả hai khó chịu. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, những lời chỉ trích về nhân quyền hay dân chủ của Mỹ đều đồng nghĩa với việc Washington đang muốn gây mất ổn định, bao gồm cả việc hậu thuẫn cho lực lượng đối lập chống phá chế độ.
Đồng thời nó còn xuất phát từ sự khác biệt về tư tưởng, hiến pháp và cả quan điểm về nhân quyền giữa các quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ quan niệm một người sẽ chỉ bị kết tội khi có đầy đủ bằng chứng về tội trạng của họ trước tòa. Tuy nhiên, điều này không được áp dụng hoàn toàn ở Thái Lan hay Philippines. Tại đây, mọi mối đe dọa đều có thể bị lực lượng an ninh tiêu diệt nếu cảm nhận được sự nguy hiểm.
Do vậy, các chiến dịch càn quét ma túy đẫm máu, “tiêu diệt không cần xét xử” khiến hàng trăm người chết của Tổng thống Duterte, hay trước đó là cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra vốn được người dân các quốc gia này coi là một điều cần thiết. Suy ra, sự phản đối về nhân quyền của Mỹ lại trở thành điều vô lý.
Từ đó dẫn đến việc Philippines và Thái Lan luôn có những phản ứng dữ dội với những lời chỉ trích bị cho là “ác cảm” này. Kịch bản thường thấy sẽ là những tuyên bố về việc tìm kiếm một hướng đi thân thiết hơn với Trung Quốc và Nga - những quốc gia không bao giờ quan tâm đến vấn đề nhân quyền như Mỹ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Greg Raymond cho rằng, sẽ không có chuyện Philippines và Thái Lan rời bỏ Mỹ, đi theo Trung Quốc và liên tục vòng tròn luẩn quẩn như một quân bài trong cuộc chơi quyền lực giữa hai cường quốc. Trên thực tế, Manila - Bangkok xác định họ không muốn thúc đẩy tham vọng bá chủ của Trung Quốc trong khu vực cũng như không thể trở thành “cánh tay nối dài” của Mỹ.
Ngay từ đầu hai nước đã khoanh vùng một cách rõ ràng trong các mối quan hệ song phương với Washington-Bắc Kinh một cách “không gần gũi, nhưng không quá lạnh nhạt”. Bất chấp những lời lẽ chống Mỹ kịch liệt của Tổng thống Duterte, kế hoạch tuần tra hàng hải và diễn tập không quân giữa Philippines và Mỹ vẫn diễn ra theo đúng thời điểm ấn định. Số lượng binh sĩ Mỹ bị yêu cầu rời khỏi Philippines cũng khá nhỏ. Và lời rào trước về việc mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc cũng đơn giản là việc Manila muốn tìm đến những lựa chọn khác biệt hơn.
Với trường hợp của Thái Lan, không có dấu hiệu cho thấy Bangkok muốn dừng lại cuộc tập trận chung Hổ Mang Vàng với Mỹ - biểu tượng hợp tác quân sự lớn nhất khu vực của hai nước. Trong khi đó, các cuộc diễn tập quân sự với Trung Quốc đang diễn ra có quy mô nhỏ hơn nhiều.
Đông Nam Á giờ đây đang tìm cho mình một lựa chọn khôn ngoan khi tách quan hệ kinh tế và an ninh chia đều cho Mỹ-Trung. Trong đó Bắc Kinh trở thành đối tác kinh tế chính, nhưng Washington mới là đối tác an ninh được ưu tiên. Tiến sĩ Greg Raymond cho rằng Mỹ và những cường quốc khác cần phải nhận thức được tư tưởng khác biệt của các nước Đông Nam Á. Sẽ không có chuyện Thái Lan hay Philippines sẽ hoàn toàn muốn “chịu ơn” Trung Quốc hoặc dành sự thiện cảm tuyệt đối với Mỹ.
MẠNH KIÊN (theo Reuters, East Asia Forum)
[mecloud]nAV69vKB6W[/mecloud]