(ĐS&PL)Đi tìm lý do chậm trễ cho việc đền bù vật kiến trúc và đất theo thông báo dự án số 183/TB của UBND quận Lê Chân, TP.Hải Phòng. Chủ nhân của thông báo 183 trên là bà Trần Thu Trang đã bất ngờ về việc số tiền được nhận bồi thường chênh lệch nhiều triệu đồng so với phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ về đất, tài sản trên đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Lê Chân. Vì sao lại có sự chênh lệch trên?
Bất nhất hay tùy tiện trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người dân?
Theo như phản ánh của bà Trần Thu Trang: “Năm 2009, gia đình bà có mua mảnh đất 03 của ông Phạm Văn Hướng có diện tích là 210m2, địa chỉ tại tổ 22, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng. Trên mảnh đất có hai căn nhà cấp bốn, 1 căn dựng trên diện tích 129m2, căn còn lại là 91,5m2. Ngày 24/4/2014 quận Lê Chân có thông báo về việc thu hồi đất cho dự án giao thông vận tải, phát triển đô thị của Thành phố. Theo đó gia đình bà Trang đã chấp hành và cán bộ chính quyền đã kiểm đếm nhà và vật kiến trúc. Điều đó được thể hiện bằng biên bản của Ban Dự án quận Lê Chân, trong đó nêu rõ tổng số tiền đền bù là: 421.347.215 đồng (có đóng dấu của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Lê Chân). Nhưng sau đó khi tiến hành bồi thường, giấy tờ đưa xuống lại chỉ đền bù cho gia đình tôi 282.274.392 đồng nghĩa với việc số tiền bị sụt đi 140.000.000 đồng so vớ biên bản có đóng dấu của Trung tâm Phát triển quỹ đất ban đầu đưa ra”.
Chuyện kỳ lạ giữa hai tờ giấy có tổng số tiền bồi thường khác nhau, một có dấu của trung tâm phát triển quỹ đất (trái) và một thỳ không có dấu và chữ ký nào (phải).
Ai chỉ đạo tự cắt quyền lợi của người dân?
Chị Trang thông tin tiếp: “Mặc dù thuộc diện được cấp nhà tạm lánh và đất tái định cư theo như quy định, nhưng gia đình tôi không được cấp”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thì đúng là gia đình bà Trang nhận được 2 giấy tờ, thông báo khác nhau thật.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên thì phản ánh, dự án bị thu hồi đất của gia đình bà Trang có được cấp nhà tạm lánh và đất tái định cư cũng là có thật.
Phóng viên phát hiện, không chỉ riêng gia đình bà Trang mà còn 8 hộ khác cũng trong tình trạng là thông báo trước số lượng tiền đền bù nhiều, thông báo sau, không có con dấu, chữ ký có số lượng tiền đền bù chênh lệch hàng trăm triệu đồng. Và 8 hộ trên đã được giải quyết quyền lợi, còn hộ bà Trang thì lại không được giải quyết.
Tên nhận có trong thông báo, nhưng 08 hộ được nhận, còn suất tái định cư của gia đình thỳ chưa.
Tính nhầm sang dự án khác là có dụng ý gì?
Ở một diễn biến khác, bà Trang kêu cứu: Trên diện tích đất còn lại căn nhà của mẹ bà là cụ Bùi Thị Anh diện tích 129m2 như đã nêu lại “dính” vào dự án 4,3 ha của quận Lê Chân. Cụ Bùi Thị Anh đã chấp hành cho kiểm đếm, có nhà và vật kiến trúc, tổng số tiền là 274.558.306 đồng nhưng mới nhận được tiền đền bù xây dựng còn tiền đất thì chưa. Sau khi tiến hành GPMB 09 hộ dân đã được ký biên bản nhận nhà tạm lánh, đến ngày 22/3/2019 tổ công tác ban ngành cùng Chủ tịch Phạm Tiến Du có đồng ý cho gia đình bà Trang nhận số nhà 505 tầng 05 khu 3 khu nhà dành cho người có thu nhập thấp, nhà được giao, chìa khóa được cấp nhưng lại không có điện nước để sinh hoạt nên không thể ổn định cuộc sống được.
Khu đất rộng 210m2 đã tiến hành bàn giao đất GPMB xong.
Thất hẹn với phóng viên thì chuyện “nuốt lời” với dân cũng không lạ!
Trước những thông tin mà bạn đọc gửi đến tòa soạn, phóng viên liên hệ và đặt lịch đến ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân và ông Đại, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm, ấn định ngày làm việc rõ ràng.
Nội dung phóng viên liên hệ làm việc là theo đơn thư phản ánh của người dân và được ông Du thông tin cụ thể: “Em cứ xuống. Anh sẽ phân công đồng chí Chánh văn phòng, P.CM tiếp em”. Đúng như lịch hẹn vào sáng thứ 5, ngày 9/5/2019, phóng viên có mặt tại trụ sở UBND quận Lê Chân để làm việc với Chánh văn phòng. Sau khi, phóng viên trao đổi các thông tin thì Chánh văn phòng lại chuyển nội dung đến ông Thái là Giám đốc Trung tâm Quỹ đất để chuẩn bị các hồ sơ liên quan làm việc với phóng viên.
Phóng viên chờ đợi các “thủ tục” và sự sắp xếp của Chánh văn phòng Việt Anh thì bất ngờ nhận được thông báo từ ông Việt Anh rằng: “Đồng chí Thái họp gấp và sẽ thông báo gọi lại cho phóng viên sớm nhất”.
Về phía phường, đơn vị sở tại, nơi bà Trang có đất bị thu hồi, phóng viên cũng liên lạc làm việc theo đúng trình tự: Liên hệ đặt lịch trước. Phóng viên nhận được thông tin phản hồi là hẹn làm với phóng viên vào 15h chiều ngày 9/5/2019. Đúng giờ, phóng viên có mặt tại UBND phường thì không tìm thấy Chủ tịch đâu. Phóng viên tiếp tục liên lạc với Chủ tịch Đạt thì nhận được câu trả lời gọn lỏn rằng: “Tôi phải họp gấp trên quận, nội dung liên quan đến việc đơn thư đúng như phóng viên đang tìm hiểu và được hứa sẽ trao đổi lại nội dung sau”.
Thật ra, những chiêu “thất hẹn” của “quan” huyện, quận, xã, phường, thị trấn với phóng viên, trong quá trình làm nghề, chúng tôi gặp rất nhiều, nhưng những lần thất hẹn trước, các “quan” đều thông tin trước ít nhất 1 ngày, không thì vài giờ… chứ không “thất hẹn” kiểu thô lỗ, sống sượng như trường hợp chúng tôi vừa nêu.
Trước những thắc mắc của người dân, về nghĩa vụ và quyền lợi đáng ra được hưởng nhưng cho đến nay sau khi nhiều lần chờ câu trả lời, giải đáp những vấn đề liên quan thỳ câu trả lời thỏa đáng của các cấp chính quyền quận Lê Chân là chưa có. Để người dân tin tưởng, tin vào đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, kính đề nghị các cấp ban ngành có liên quan giải đáp những thắc mắc, đền bù thỏa đáng cho người dân.
Báo sẽ tiếp tục thông tin về việc, “quan” quận nào đã chỉ đạo không giải quyết quyền lợi chính đáng cho gia đình bà Trang….
NPV/Sức Khỏe 365