Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc Công ty Thái Bình Dương tố cáo Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng (Công ty Sơn Tùng) và Công ty cổ phần đầu tư Ánh Việt (Công ty Ánh Việt) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu nhằm làm rõ vấn đề, giải đáp thắc mắc cho độc giả.
Rắc rối từ việc nhập khẩu chiếc xe Mercedes Benz- S550
Theo đó, người tố cáo là ông Duy Đức Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương). Nội dung đơn cho biết, đầu tháng 11/2009, Công ty Thái Bình Dương nhận được đơn hàng là một chiếc xe ô tô màu đen (đã qua sử dụng), nhãn hiệu Mercedes Benz- S550, Số khung: WWDDNG71XA; số máy: 27396130010844, sản xuất năm 2005 với giá trị theo Hóa đơn (Invoice) số 241109S550 của Tập đoàn OEMRIMS (trụ sở đặt tại Hoa Kỳ) là 26.000 USD.
Do không có chức năng, Công ty Thái Bình Dương đã đề nghị và được Công ty Sơn Tùng đồng ý giúp làm thủ tục nhập khẩu với thỏa thuận: để hoàn thiện hồ sơ, Công ty Thái Bình Dương có trách nhiệm yêu cầu bên bán thay đổi thông tin người nhận trên vận đơn đường biển (Ocean bill of lading) và hóa đơn hàng hóa (Invoice) cho bên thứ ba do Công ty Sơn Tùng chỉ định, toàn bộ mọi chi phí liên quan đến thuế, phí nhập khẩu chiếc xe nói trên sẽ do Công ty Thái Bình Dương chi trả, Công ty Sơn Tùng chỉ nhận phí dịch vụ là 2.000 USD.
Ngày 18/01/2010, Công ty Ánh Việt đã hoàn thiện mọi thủ tục, nhập khẩu thành công chiếc xe nói trên về Việt Nam. Kể từ đây, mọi rắc rối giữa các bên bắt đầu.
Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu số 007398 của Công ty Ánh Việt |
Trong Đơn tố cáo, ông Tuấn cho rằng, Công ty Sơn Tùng và Công ty Ánh Việt đã gian dối trong việc lập hồ sơ nhập khẩu chiếc xe trên khi Giấy báo hàng đến (Arrival notice) ghi chủ sở hữu là Công ty Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương không hề ủy quyền hay có bất cứ một văn bản tương tự) nhưng Công ty Ánh Việt vẫn thực hiện thông quan được. Tại thời điểm năm 2009, hoạt động xuất- nhập khẩu giai đoạn này tuân thủ theo hướng dẫn của Luật thương mại 2005 (hợp nhất với Luật Quản lý ngoại thương ngày 28/6/2007) và Nghị định số: 12/2006/NĐ-CP, ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Tại khoản 1, Điều 74, Luật thương mại 2005 ghi rõ về Hình thức hợp đồng dịch vụ
“1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.”
Hành vi cụ thể ở đây có thể hiểu: việc nộp tiền của ông Duy Đức Tuấn cho Công ty Sơn Tùng là cam kết đồng ý cho một hoạt động đã được hai bên thống nhất, bằng chứng là Phiếu thu ngày 29/12/2009 của Công ty Sơn Tùng xuất cho ông Duy Đức Tuấn.
Phiếu nộp tiền ngày 29/12/2009 của ông Duy Đức Tuấn cho Công ty Sơn Tùng |
Điều 17, Chương 4, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định rõ về việc Ủy thác và nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa như sau: “Thương nhân được ủy thác cho thương nhân khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc được nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu từ thương nhân khác các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.”
Như vậy, kể từ lúc hai bên đạt được thỏa thuận và nộp tiền thì hành vi ủy thác, Hợp đồng dịch vụ đã được thành lập.
Theo tờ Vận đơn đường biển (Ocean bill of lading) số SPI- 01807653, đây là Vận đơn đích danh (straight bills of lading): ghi rõ tên, địa chỉ (và các thông tin khác như: số điện thoại, fax, email…) của người nhận hàng (Công ty Ánh Việt); chỉ Công ty Ánh Việt mới có quyền nhận hàng sau khi xuất trình vận đơn hợp lệ. Mặt khác, chiếc xe trên nhập theo điều kiện CNF/CIF, tức là hàng được giao đến tận cảng mà người nhận yêu cầu. Trong thương mại quốc tế, vận đơn là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển giữa người vận chuyển và người gửi hàng, nó cũng là biên lai, là chứng từ sở hữu đối với hàng hóa được ghi trên đó. Chủ thể liên quan của một vận đơn dạng này sẽ bao gồm ba bên: bên gửi hàng, bên vận chuyển và bên giao hàng.
Từ đó, cơ quan Hải quan phải đối chiếu chứng từ với Hải quan nơi hàng hóa xuất đi, vận đơn của đơn vị vận chuyển và vận đơn gốc của người nhận, khi tất cả các chứng từ ba bên đều trùng khớp, mới tiến hành làm thủ tục thông quan.
Có thể thấy, việc làm giả vận đơn trong quy trình kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng là rất khó, vì nếu không có bản gốc, không có yêu cầu thay đổi thông tin từ bên gửi hàng thì bên giao hàng cũng sẽ không thực hiện.
“Nút thắt” chưa được công nhận
Trở lại với cáo buộc “Công ty Ánh Việt chiếm đoạt xe của Công ty chúng tôi…” trong lá đơn gửi ngày 22/6/2016 của Công ty Thái Bình Dương, ông Vũ Sơn Tùng, Phó giám đốc Công ty Sơn Tùng đã cung cấp cho phóng viên Biên bản bàn giao một xe Mercedes- S550 (số khung, số máy trùng khớp với chiếc xe đã đề cập ở trên) ngày 27/8/2010 giữa ông Nguyễn Thanh Tuấn (Công ty Sơn Tùng) và ông Trần Việt Hùng (nhân viên của Công ty Thái Bình Dương- theo ông Tùng cung cấp).
Biên bản bàn giao xe và hồ sơ ngày 27/8/2010 giữa hai bên |
Nguồn tin khác cho biết, trong khi đang lưu thông, chiếc xe trên đã bị Công an huyện Đan Phượng tạm giữ, sau đó làm thủ tục trao trả ngày 22/12/2011 cho ông Duy Đức Tuấn. Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu ông Tuấn không xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của chiếc xe thì Cơ quan Công an sẽ không có căn cứ để trao trả tài sản. Việc này, đại diện Công ty Sơn Tùng đã đặt ra vấn đề, ông Tuấn đang tố cáo bị “chiếm đoạt chiếc xe”, nhưng không ai “chiếm đoạt” lại đi đưa hết giấy tờ lẫn tài sản cho người “bị chiếm đoạt”.
Biên bản trả lại tài sản của Công an huyện Đan Phượng cho ông Duy Đức Tuấn |
Giải thích về việc xuất bán chiếc xe trên cho Công ty CP thương mại ô tô Linh Anh (Công ty Linh Anh), trụ sở tại 180 Nguyễn Tuân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, ông Phạm Hồ Điệp, giám đốc Công ty Ánh Việt cho biết: “Do Công ty Thái Bình Dương chậm thanh toán, Công ty Ánh Việt đành tạm ứng trướccác loại thuế phí nên mãi đến tháng 8/2010, hai bên mới bàn giao được xe cũng như toàn bộ giấy tờ liên quan cho bên Công ty Thái Bình Dương. Nhưng anh Tuấn muốn bán xe luôn, nên gọi điện đề nghị xuất hóa đơn cho Công ty Linh Anh. Do tin tưởng anh Tuấn, ngày 27/08/2010, chúng tôi đã xuất hóa đơn số 0089443- MQ/2009B theo đúng yêu cầu nhưng kể từ đó tới nay, không hiểu vì lý do gì mà Công ty Thái Bình Dương cũng như Công ty Linh Anh không đến nhận hóa đơn, mặc dù đã rất nhiều lần thúc giục bằng văn bản”
Hóa đơn số 0089443 |
Nhằm tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã tìm đến trụ sở của Công ty Linh Anh, địa chỉ 180 Nguyễn Tuân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây, không tồn tại bất kỳ Công ty nào, mà đó là một địa chỉ kinh doanh karaoke treo biển Ione.
Trụ sở Công ty Linh Anh tại 180 Nguyễn Tuân hiện nay là cơ sở karaoke Ione |
Tổng cục thuế cũng thông báo, Công ty Linh Anh ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Điều tra sâu hơn, phóng viên bất ngờ được biết, năm 2015, Đinh Văn Công, Giám đốc Công ty Linh Anh đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án 30 năm tù giam về các tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Có lẽ, đây chính là “nút thắt” quan trọng, là nguyên nhân chính trong khúc mắc giữa Công ty Thái Bình Dương, Công ty Sơn Tùng và Công ty Ánh Việt. Bởi, Đinh Văn Công nhận án tù, đồng nghĩa với việc Công ty Linh Anh không thể hoàn thành thủ tục, cũng như giúp bán chiếc xe Mercedes- S550 trên cho Công ty Thái Bình Dương được nữa.
Như vậy, thông tin ông Điệp cung cấp ở trên là có cơ sở, vì với thủ đoạn: nhận xe ký gửi của nhiều công ty, cá nhân nhờ bán hộ, nhận tiền đặt cọc nhờ mua xe ô tô…Công đã chiếm đoạt được hơn 8,5 tỷ đồng. Mặt khác, trong Biên bản bàn giao xe ngày 27/8/2010, ở cột ghi chú có một thông tin đáng chú ý: “Công ty khách hàng cung cấp”, nghĩa là: thông tin người mua hàng trên hóa đơn sẽ do phía Công ty Thái Bình Dương chỉ định, chi tiết này phù hợp với thông tin ông Điệp cho biết là Công ty Thái Bình Dương yêu cầu xuất hóa đơn cho Công ty Linh Anh.
Văn bản thúc giục lần thứ tư của Công ty Sơn Tùng đối với Công ty Thái Bình Dương |
Cho rằng vụ việc còn nhiều “mập mờ”, Công ty Thái Bình Dương liên tiếp gửi Đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng như Ủy ban kiểm tra Trung Ương, Bộ Công thương, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an….Sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc và kết luận: vụ việc trên là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Mặc dù vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp vào cuộc và đều có chung một kết luận, nhưng Công ty Thái Bình Dương vẫn tiếp tục kéo dài hành động kiện cáo cho đến ngày nay.
Thông báo số 4636 ngày 6/12/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an |
Thông tin với báo chí, ông Duy Đức Tuấn cho biết: Công ty Thái Bình Dương quyết theo đến cùng làm sáng tỏ sự việc này. Do có nhiều tình tiết mới phát hiện ra nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm đơn tố giác Công ty Sơn Tùng lên Công an Hà Nội đề nghị làm rõ hành vi phạm tội làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, đại diện Công ty Sơn Tùng cho biết, việc Công ty Thái Bình Dương tố cáo là không có cơ sở, vụ này ảnh hướng rất nhiều đến uy tín, thiệt hại kinh tế của Công ty Sơn Tùng. Sắp tới, chúng tôi sẽ có quyết định khởi kiện công ty này ra tòa.
Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…
Lê Tuấn