Khi đang mang 3 cá thể rùa quý hiếm ra Hà Nội tiêu thụ, đối tượng Trần Thanh Cường bị lực lượng chức năng quận Thanh Xuân phát hiện và bắt giữ.
Các cá thể rùa quý hiếm mà đối tượng Cường bắt được. Ảnh: An ninh thủ đô |
Ngày 7/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đang tạm giữ hình sự đối với Trần Thanh Cường (SN 1990, trú tại xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) về hành vi buôn bán, vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm.
Cụ thể, theo thông tin trên An ninh thủ đô, khoảng 13h ngày 5/1, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân đang làm nhiệm vụ tại ngõ 116 phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân thì phát hiện 1 nam thanh niên có biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong chiếc ba lô mà nam thanh niên mang theo có 1 túi lưới màu xanh đựng 3 cá thể rùa, nghi là động vật quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc danh mục I.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, 3 cá thể rùa nói trên là rùa Trung Bộ, nặng khoảng 3kg, có tên khoa học là: Mauremys annamensis. Đây là loài rùa gần như đã tuyệt chủng trong tự nhiên, do tình trạng săn bắt trái phép.
Tại cơ quan điều tra, Trần Thanh Cường khai nhận, đối tượng bắt được 3 cá thể rùa khi đi xả nước lũ ngoài đồng ở xã Xuân Lộc. Khi vận chuyển rùa từ Phú Yên ra Hà Nội để tiêu thụ thì Cường bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng quận Thanh Xuân tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn nạn buôn bán, sát hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, mới đây, Cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu các Chi cục Kiểm lâm vùng tăng cường phối hợp với Chi cục Kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo thông tin trên TTXVN, nội dung văn bản nêu rõ: Tình trạng săn bắn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật hoang dã trái pháp luật vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Nguyên nhân là do công tác kiểm tra, giám sát, xác nhận nguồn gốc động vật hoang dã ở một số nơi chưa chặt chẽ, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng, tiếp tay cho các đối tượng hợp thức hóa hồ sơ nguồn gốc để mua bán, vận chuyển, nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp.
Để tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã ở các địa phương, Cục Kiểm lâm đề nghị các Chi cục Kiểm lâm vùng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm địa bàn tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi động vật “sách đỏ” đăng ký mã số cơ sở nuôi, lập sổ theo dõi hoạt động nuôi đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã tại các cơ sở nuôi để quản lý.
Bạch Hiền (t/h)