Các nhà quan sát cho rằng các cặp đôi ngày càng trì hoãn việc kết hôn bởi việc họ sẽ phải chi trả một số tiền lớn cho ngôi nhà mới và tiệc cưới xa hoa.
Chi phí kết hôn cao đang ngăn cản nhiều cặp đôi Hàn Quốc đến với nhau. Ảnh: EPA |
Lee Min-Jun hiện vẫn đang đắm chìm trong niềm vui của cuộc sống mới kết hôn, sau khi trở về từ tuần trăng mật đến Maldives vào tháng 11.
“Tuy nhiên, kết hôn không phải là một quyết định đơn giản”, anh Lee – một nhân viên bất động sản 32 tuổi ở Paju cho biết, “có một số khác biệt về tính cách giữa tôi với bạn gái nhưng sự đắn đo lớn nhất liên quan đến tiền bạc”.
“Tôi bắt đầu hẹn hò với vợ tôi khi công việc kinh doanh chỉ mới bắt đầu ổn định, vì vậy những lo lắng về tài chính là một mối quan tâm lớn”, anh nói.
Ở Hàn Quốc, chi phí kết hôn trung bình là 230 triệu won (196.000 USD), doanh nghiệp tư vấn hôn nhân hàng đầu DUO Info Corporation cho biết. Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu kéo dài hai năm trên 1.000 cặp vợ chồng mới cưới.
Con số này gấp gần sáu lần số tiền trung bình mà người Hàn Quốc ở độ tuổi 30 kiếm được mỗi năm (32.900 USD) và gấp gần chín lần so với những gì người Hàn Quốc dưới 29 tuổi kiếm được một năm (22.152 USD).
Những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1970. Các nhà quan sát cho rằng các cặp đôi ngày càng trì hoãn việc kết hôn bởi việc họ sẽ phải chi trả một số tiền lớn cho ngôi nhà mới và tiệc cưới xa hoa.
“Chúng ta có thể nghĩ rằng tỷ lệ kết hôn giảm là kết quả của việc thay đổi giá trị trong thời đại ngày nay, nhưng chúng ta cần xem nó như là sự kết hợp của các vấn đề xã hội phát sinh từ nền kinh tế, thị trường việc làm và chi phí sinh hoạt”, Park Soo-kyung, người sáng lập DUO Info Corporation, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
“Chi phí hôn nhân và nhà ở, sự không tương thích giữa công việc và gia đình và nhận thức xã hội tiêu cực đối với hôn nhân, tất cả đã góp phần vào xu hướng giảm kết hôn”, bà Park Soo-kyung nói.
Ở Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn ở mức khoảng 10 trên 10.000 người. Ảnh: Getty |
Theo thống kê, năm 2018, tỷ lệ kết hôn của đất nước là 5 trên 1.000 người, với 257.622 cặp vợ chồng kết hôn. Tỷ lệ đã giảm dần từ năm 1996, khi tỷ lệ kết hôn đạt mức cao nhất mọi thời đại là 9,6 trên 1.000 người và kỷ lục 430.000 cặp kết hôn.
Một nghiên cứu về tỷ lệ kết hôn trên toàn thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2017 cho thấy tỷ lệ của Trung Quốc là khoảng gần 10 trên 1.000 người trong khi Nhật Bản là khoảng 5 trên 1.000.
Tỷ lệ kết hôn giảm xuống trong bối cảnh phong trào nữ quyền ngày càng phổ biến đã thúc đẩy nhận thức tiêu cực về hôn nhân truyền thống ở nước này. Phong trào #MeToo và đại dịch quay lén đã góp phần tạo ra "4B" hay "Four Nos" ("Bốn Không"), với những người phụ nữ thề sẽ không bao giờ kết hôn, sinh con, hẹn hò hoặc quan hệ tình dục
Năm 2018, chỉ 22,4% phụ nữ Hàn Quốc nhận thấy hôn nhân là cần thiết. Nhưng một thập kỷ trước, con số đó là 47%.
Nghiên cứu của DUO Info Corporation cho biết, nhà ở chiếm chi phí lớn nhất đối với các cặp vợ chồng mới cưới, chiếm 73,5% chi phí (trung bình 146.389 USD), việc quà cưới, sính lễ trao đổi giữa các gia đình đứng thứ hai (trung bình 23.500 USD) và lên kế hoạch cho tiệc cưới đứng thứ ba (trung bình 11.544 USD).
“Căn hộ mới mà chúng tôi đã mua ở Paju có giá 380 triệu won (324.500 USD). Chúng tôi không có cơ hội nhìn vào các căn hộ ở Seoul hoặc một vùng ngoại ô gần thành phố”, anh Lee nói.
Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất châu Á về chi phí đám cưới. Asean Post đưa tin vào tháng 9 rằng đám cưới ở Malaysia có giá trung bình 11.900 USD, trong khi đám cưới ở Campuchia, có thể kéo dài tới 3 ngày, có giá từ 15.000 đến 20.000 USD. Trong khi ở Philippines, đám cưới trung bình có giá 19.000 USD, ở Indonesia rẻ hơn với chi phí trung bình là 8.200 USD.
Đám cưới trung bình ở Trung Quốc có giá khoảng 12.000 USD vào năm 2016, BBC đưa tin, trong khi một cuộc khảo sát cùng năm từ tạp chí Zexy của Recruit Holdings cho thấy chi phí cho một đám cưới ở Nhật Bản là 34.400 USD.
Trong khảo sát của Cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc, 94,6% trong số 2.000 người được hỏi bày tỏ quan điểm tiêu cực về chi phí của một đám cưới tại nước này.
Quà cưới chiếm nhiều tiền thứ hai. Ảnh: Shutterstock |
Anh Lee cho biết hơn một nửa số khách trong đám cưới vào tháng 11 của anh là những người mà vợ anh không biết. “Khoảng 20% là gia đình và người thân, 30% là bạn của vợ tôi và bạn bè của tôi, 50% còn lại là khách của bố mẹ chúng tôi”, anh Lee nói.
Theo đó, cha mẹ dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào chi phí đám cưới và khách mời thường mang quà tặng bằng tiền mặt, nghiên cứu DUO Info cho thấy.
Theo khảo sát năm 2016 của công ty bảo hiểm Samsung Life, 63,8% phụ huynh cho biết họ đóng góp 40-100% chi phí đám cưới của con. Mặt khác, khách mời thường tặng tiền mừng khi tham dự đám cưới. "Nhiều người mời khách tham dự đám cưới của họ như một cách lấy lại tiền mừng của các đám cưới tham dự trước đó", anh Lee nói.
Theo nghiên cứu của DUO Info, quan niệm cố hữu về một đám cưới truyền thống là lý do hàng đầu khiến nhiều đôi không thể cắt giảm chi phí hoặc nghi thức kết hôn. Bên cạnh đó, tư tưởng suy bì với đám cưới của bạn bè hoặc người quen, lo ngại ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình hay suy nghĩ của bố mẹ hai bên cũng tác động đến điều này.
Yoon N.K., nhân viên 28 tuổi của một tổ chức phi chính phủ, cho biết bên cạnh chi phí tổ chức đám cưới, những thách thức của hôn nhân cũng khiến cô chùn bước.
"Càng ngày tôi càng nghe được nhiều vấn đề khó khăn của hôn nhân. Tôi nghĩ mình không thể kết hôn ngay nếu có bạn trai. Duy trì quan hệ với gia đình của chồng và tìm kiếm sự cân bằng giữa cha mẹ hai bên khiến tôi thấy lo lắng", cô Yoon N.K chia sẻ.
Mộc Miên(Theo SCMP)