Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xung quanh câu chuyện di dời và chặt hạ 1300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để phục vụ xây dựng cầu cạn, mở rộng tuyến đường.
Chiều 6/6, tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về kế hoạch triển khai di dời và chặt hạ 1300 cây xanh để phục vụ xây dựng cầu cạn, mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng.
Ông Lê Văn Dục cho biết, việc di chuyển, giải tỏa cây xanh trên đường Pham Văn Đồng mới chỉ là đề xuất của chủ đầu tư, cơ quan chức năng phải tiến hành xin ý kiến các chuyên gia, người dân rồi mới đi đến quyết định cuối cùng.
Ông Lê Văn Dục (đứng giữa) – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. |
Theo đó, quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, chỉ trong điều kiện không thể dịch chuyển mới chặt hạ.
“Dịch chuyển, giữ nguyên vị trí, bất khả kháng thì chặt hạ… Đó là quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố xung quanh việc di chuyển, giải tỏa cây xanh trên đường Pham Văn Đồng.” – Ông Dục cho hay.
Cụ thể, theo đề xuất của chủ đầu tư, tổng số cây cần dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa là 1.315 cây. Trong đó, giữ nguyên 142 cây; dịch chuyển 158 cây; phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây. Tuy nhiên, Thành phố sẽ xem xét, lấy ý kiến chuyên gia, người dân, kiểm tra cụ thể từng cây một để có phương án tối ưu nhât.
“Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát từng cây một, lên phương án xem cây nào giữ nguyên, cây nào đưa đi di dời và cây nào buộc phải chặt hạ. Với những cây thân đẹp, dáng chuẩn, không cong ceo, vặn vẹo thì quyết không chặt hạ.” – Ông Dục thông tin.
Cũng tại cuộc họp, ông Dục cho biết, rút kinh nghiệm từ lần chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Trãi, lần này việc giải tỏa và cắt tỉa là 1.315 cây trên đường Phạm Văn Đồng sẽ được lấy ý kiến của nhân dân, tham khảo từ các chuyên gia, tất cả mọi việc từ quy trình chặt hạ, di chuyển, đấu thầu… đều được thực hiện công khai, minh bạch.
Đề cập về số cây giải tỏa sẽ được di chuyển đi đâu, ông Dục cho biết, số cây di dời sẽ được chuyển tới các công viên, hoặc các đường vành đai để tái sử dụng.
Trước đó, vào sáng 5/10/2016, UBND thành phố Hà Nội khởi công dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long. Tuyến đường dài 5,5 km được mở rộng mặt cắt ngang từ 56 lên 93 m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới và 5 cầu vượt đi bộ.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 820 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 1.820 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 100 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.
Để mở rộng tuyến đường, Hà Nội phải thu hồi trên 390.000 m2 đất.