(ĐSPL) - Nghe bạn thân “than thở” đang mắc nợ 700 ngàn đồng nhưng không có tiền trả, Đại đã giúp bạn mình bằng cách đi...cướp.
Tin tức đăng tải trên báo Công an nhân dân cho hay, trong phiên xét xử phúc thẩm diễn ra vào ngày 7/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng nghị của VKS, tăng hình phạt bị cáo Dương Đình Đại (22 tuổi, ngụ TP Hà Nội) từ 12 năm lên 18 năm tù về tội "cướp tài sản".
Liên quan đến vụ án này, trước đó Nguyễn Vũ Linh (21 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) cũng lãnh án 1 năm tù về tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Các bị cáo bị giải về trại giam trong phiên xử trước đó - Ảnh: báo ANTĐ |
Như báo An ninh thủ đô đã đưa tin trước đó, Dương Đình Đại và Nguyễn Vũ Linh là bạn bè thân thiết với nhau. Tháng 6/2013, biết được Linh còn nợ của một người bạn khác 700.000 đồng nên Đại muốn kiếm tiền giúp Linh trả nợ.
Chiều ngày 15/7/2013, Đại và Linh đến nhà người quen tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để mượn tiền nhưng không được. Đến tối cùng ngày, Đại đi bộ lang thang trên đường thuộc khu vực huyện Hóc Môn thì gặp Phong (không rõ lai lịch). Nghe Đại tâm sự đang đi mượn tiền để trả nợ cho bạn, Phong liền rủ Đại đi trộm cắp tài sản.
Sau đó, cả hai cùng lẻn vào một công trường đang xây dựng thuộc xã Tân Hiệp (Hóc Môn), Phong dùng cây đánh ông Nguyễn Văn Hải (phụ hồ trông coi công trường) bất tỉnh, rồi cả hai lấy trộm chiếc xe máy hiệu honda cup 50 quay về điểm hẹn cũ. Trước khi bỏ đi, Phong còn đưa cho Đại 364.000 đồng. Đại dùng số tiền này để trả nợ cho Linh. Chiếc xe máy Đại đưa cho Linh đem bán được 600.000 đồng. Sáng hôm sau (ngày 16/7/2013) người dân gần công trường đi tập thể dục ngang qua phát hiện ông Hải nằm bất tỉnh trên vũng máu nên đã đưa đi cấp cứu. Nhưng ông Hải đã tử vong trước khi nhập viện do bị đánh chấn thương sọ não.
Tháng 2/2013, TAND TP.HCM đã xét xử vụ án và tuyên phạt Dương Đình Đại 6 năm tù về tội “cướp tài sản”, Linh bị tuyên phạt 1 năm tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Riêng vụ án giết người, do Phong chưa rõ lai lịch nên CQĐT đã tách thành một vụ án khác điều tra, xét xử sau. Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời bị hại cũng có đơn kháng cáo.
Điều 133 bộ luật hình sự năm 1999, quy định về tội cướp tại sản, cụ thể: 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)