(ĐSPL) - Việc Công an phường thu thùng trà đá miễn phí “từ thiện” có nhiều ý kiến cho rằng phản cảm. Có ý kiến ủng hộ vì cho rằng dùng nước đó có thể lây bệnh....
Uống trà đá miễn phí có thể lây bệnh không?
Nhiều ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin thùng trà đá miễn phí trên đường Giải Phóng - phường Thịnh Liệt - quận Hoàng Mai - Hà Nội Công an phường tịch thu gây xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự việc. Nhiều người cho rằng đó là việc làm từ thiện, một hình ảnh đẹp cần được khuyến khích, ủng hộ và cổ vũ. Không ít ý kiến thì lại cho rằng, việc làm của lực lượng chức năng như trên là cần thiết bởi vấn đề vệ sinh, bảo đảm sức khỏe cho người dân, trật tự mỹ quan đô thị.
Thùng trà miễn phí bị bốc lên xe. |
Trao đổi với PV, GS.TS Lê Thị Quý – chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội cho rằng: Xét về khía cạnh từ thiện thì việc người dân đặt nước trà đá miễn phí là việc làm đáng tuyên dương. Tuy nhiên, xét về mặt vệ sinh cũng như sức khỏe của người dân thì ai có thể đảm bảo nguồn nước miễn phí kia đủ an toàn. Thậm chí việc nhiều người uống chung một nguồn nước còn có thể lây 1 số bệnh.
“Thùng nước đặt ở đó có thể có bụi bay vào và khi uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” - GS.TS Lê Thị Qúy nói.
T.S Dương Đức Hùng - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trên lý thuyết việc dùng chung cốc nước là có thể là tác nhân lây truyền một số bệnh. Tuy nhiên, thực tế thì việc này là không đáng lo ngại và để đảm bảo người dân nên tráng rửa cốc mỗi khi uống.
T.S Hùng lấy ví dụ: “Ở các quán nước vỉa hè còn hết lượt này lượt khác mà các cốc nước đôi khi chỉ được nhúng qua 1 xô nước đã sử dụng nhiều lần và điều này còn nguy cơ hơn.”
Vị Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích việc làm từ thiện của người dân. “Trong những ngày hè này ai cũng cần bổ xung đầy đủ nước, nhất là người lao động nghèo và việc người dân từ thiện bằng các thùng nước miễn phí là đáng khuyến khích.” – T.S Hùng nói.
Muốn làm từ thiện phải xin ý kiến phường
Trả lời báo chí xung quanh sự việc, Công an phường Thịnh Liệt cho biết: Thực hiện kế hoạch Năm văn minh đô thị năm 2015, lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người dân vi phạm lòng đường, vỉa hè, trong đó có tuyến đường Giải Phóng.
Đại diện Công an phường Thịnh Liệt cho hay, khi người dân đặt bình nước ở ngoài vỉa hè, nhiều lần tổ công tác đi qua và đã có nhắc nhở anh này phải đặt thùng nước vào phía trong nhà. Tuy nhiên, nhắc nhở nhiều lần không được thì buộc các anh dân phòng phải tạm thời thu về Và việc để thùng trà đá để ở vỉa hè ngoài việc gây phản cảm còn vi phạm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Thùng trà đá miễn phí được đặt ở gốc cây đường Giải Phóng. |
Theo Công an phường này, trong trường hợp người dân này muốn tiếp tục để thùng trà đá ở vỉa hè cho người dân phải có ý kiến của lãnh đạo phường Thịnh Liệt. Nếu đồng ý, lãnh đạo phường sẽ bố trí một địa điểm thích hợp để anh ta thực hiện công việc tình nguyện của mình.
Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng: Việc người dân không đồng tình với việc lực lượng phường Thịnh Liệt là có thể hiểu được, bởi lẽ với một việc làm thiện nguyện thì lẽ ra nên động viên, tạo điều kiện để thực hiện, thậm chí nhân rộng, phát triển hơn là sử dụng các biện pháp ngăn chặn.
“Nhất là khi chiếc thùng nước đã được đặt ngay ngắn, gọn gàng dưới gốc cây, hầu như không gây cản trở đến giao thông. Vậy thì có cần thiết phải tịch thu thùng nước đó không?” – Luật sư Thanh đặt câu hỏi.
Luật sư Thanh nhận định: Tất nhiên, về lý, những cán bộ chiến sỹ Công an phường Thịnh Liệt đã thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng nếu nói về tình thì hành động cứng nhắc đó lại không phù hợp với truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc ta từ ngàn đời nay.
“Xin được nhắc lại rằng, tại rất nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí tại nhiều khu vực khác trong thành phố Hà Nội, bình nước miễn phí đã được triển khai thực hiện và được nhắc đến như một việc tốt đáng được biểu dương khen ngợi.” – Luật sư Thanh kết luận
Về mặt pháp luật, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết: Khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”. Như vậy, việc sử dụng hè phố vì bất cứ lý do gì cũng phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Nếu không được cho phép mà vẫn tự ý sử dụng thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý. Theo điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông…” |
Nhất Nam/NĐT
[mecloud]PGKlVzCYQV[/mecloud]