+Aa-
    Zalo

    Đến miếu “xì ke” xem cầu cơ xin số cho các con đề

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 15 năm làm “nghề” cầu cơ xin số cho các con đề, gã ngụy biện: Xin số “người cõi âm” là để “làm phước” cho bá tánh nhằm “xóa đói, giảm nghèo”!

    15 năm làm “nghề” cầu cơ xin số cho các con đề, gã ngụy biện: Xin số “người cõi âm” là để “làm phước” cho bá tánh nhằm “xóa đói, giảm nghèo”!

    Nghe được ở huyện Củ Chi, TP.HCM có một ngôi miếu “rất thiêng”, thời gian qua thu hút nhiều con đề đến cầu cơ xin số, tôi liền gọi gã (N.V.T, quận 12, TP.HCM). Nghe tôi báo, gã cười hề hề: “Ông biết được thì thiên hạ biết hết rồi. Trưa mai cứ đến đó, 12 giờ trưa tui cầu cơ xin số cho một người quen”.

    Ớn lạnh ở “miếu xì-ke”

    Trước khi đến “miếu xì-ke” (ấp 4B, xã Bình Mỹ, Củ Chi), tôi tranh thủ đi tìm nguyên nhân tại sao ngôi miếu nhỏ nằm tận trong “hốc bà tó” lại bị đám con đề gọi chết danh là “miếu xì-ke”.

    Bà Tư bánh xèo – chủ một tiệm bánh xèo xập xệ gần miếu, nghe tôi hỏi cười khì: “Tui cũng chịu mấy con đề. Miếu này có trăm năm rồi. Đây là ngôi miếu Bà do một dòng họ người dân ở đây lập và cứ thế nhang khói”. Giải thích miếu Bà chết tên là “miếu xì-ke” bà Tư bảo: “Vài năm trước có một thanh niên chơi xì-ke tại miếu rồi chết. Chắc có lẽ vì thế mà con đề gọi là “miếu xì-ke”.

    Như trời định, khi tôi vừa đến quán tạp hóa của chị N trước con đường nhỏ dẫn vào “miếu xì -ke” thì T cũng trờ tới với 2 con đề, một nam và một nữ sồn sồn. Gặp tôi, T chỉ khẽ gật đầu rồi đi thẳng vào quán tạp hóa mua hai bó nhang to đùng, 3 sấp tiền âm phủ, bộ đồ giấy của nam và một chiếc xe máy cũng bằng giấy.

    Ở tuổi ngoài 40, để tạo “phong cách thầy cúng”, T đã nhai trầu. Nước trầu đỏ quạch rỉ nhẹ xuống hai bên mép. Chúng tôi leo lên xe máy tất tả chạy vào “miếu xì-ke” để kịp đúng 12 giờ trưa - giờ thiêng của dân cầu cơ.

    Đến miếu “xì ke” xem cầu cơ xin số cho các con đề

    T đang chuẩn bàn cơ “dã chiến” bằng miếng gạch.

    Dù giữa trưa “miếu xì-ke” vẫn âm u bởi bóng râm của cây phượng gốc to đến 4-5 người ôm. Dưới cái gốc “khủng” của cây phượng chất đầy những bài vị người chết và vài cái miếu nhỏ. Trong một góc khuôn viên “miếu xì-ke” người ta đặt một cái miếu nhỏ để thờ cúng - đây là nơi người thanh niên nghiện xì-ke đã chết năm nào. Không gian tĩnh mịch của người cõi âm khiến tôi ớn lạnh.

    Cầu cơ để… “làm phước”

    T bỏ mặc tôi đứng trố mắt nhìn vạn vật rêu phong của “miếu xì-ke”, rồi kính cẩn bước đến cái miếu nhỏ thờ cúng người thanh niên xì-ke xấu số. Sau khi sắp đặt bánh trái, T thắp vài nén nhang rồi chắp tay thành khẩn, miệng lâm râm cầu nguyện trước vong linh người khuất mặt. Trong khi đó, hai con đề kia thắp hết ba bó nhang rồi cứ hễ đến cái miếu nhỏ nào là làu bàu khấn vái rồi cắm xuống một mớ nhang. Ba bó nhang phun khói khiến cho không gian chật hẹp của “miếu xì-ke” lờ mờ như… cõi âm ty.

    Cắm mớ nhang vào bát nhang, T loay hoay nhặt một miếng gạch bông thiếu góc, rồi viết loằng ngoằng 4 dãy số từ 1 đến 9. “Ở đây thiêng lắm, cấm nói bậy bạ khi tui cầu cơ”, xoay qua tui, T gằn giọng. Theo T, T sẽ dùng 3 quả trứng gà tươi rà trên những con số này, nếu vong linh người thanh niên chết thảm chấp nhận thì quả trứng sẽ dừng lại tại một con số và đứng yên ở đấy không cần dùng tay vịn quả trứng.

    Bê cái bàn cơ đến trước miếu của người thanh niên, T ngồi xuống, mắt nhắm lim dim, miệng làu bàu rồi cầm 3 quả trứng gà tươi rà từ từ trên từng dãy số của bàn cơ. “Phải cho số nghe, hổng cho là hổng được đó nghe, số này cũng là số xe máy mà chút nữa tui gởi cho ông đó” - T lầm bầm nói với vong hồn người thanh niên.

    Không biết cầu cơ ứng nghiệm hay chiêu trò của T, 3 quả trứng tươi cuối cùng cũng đứng yên trên những con số. “Trúng phoóc rồi, tứ quý luôn, 73. 444”, T. hét to rồi cười phá lên, sau đó bảo một con đề đến cảm ơn vong hồn người thanh niên đã cho số.

    Đến miếu “xì ke” xem cầu cơ xin số cho các con đề

    Hai “con đề” đang đốt xe máy “gởi” xuống cho anh thanh niên xấu số xài.

    Theo T, cũng với cách cầu cơ này và cũng tại đây hai hôm trước T đã xin được con số và cho một người mua số đề trúng “phốc”. Dù chỉ mới biết “miếu xì-ke” khoảng 10 ngày, nhưng T đã 5 lần đến cầu cơ xin số. “Tui xem việc này là làm từ thiện. Tui xin số về biếu cho người khác chứ không lấy tiền”, T nói. Cũng theo T, sau cuộc cầu cơ này, T sẽ đi tỉnh Bình Phước để cầu cơ xin số cho các con đề đánh số! “Tui giúp người ta trúng số nhiều lắm”, T cười hãnh diện.

    Trong khi chúng tôi đang chăm chú xem T cầu cơ thì phía sau lưng lẳng lặng thêm một “con đề” xuất hiện với cái giỏ trong tay chất đầy nhang và giấy tờ vàng mã. Theo chị này, chị tên là N. T.C, nhà ở Chợ Cầu (Gò Vấp). Chị cho biết lần đầu đến “miếu xì-ke” hơn một năm trước.

    Chờ cho đến khi T “sai” vong hồn người thanh niên bị cầu cơ thoát đi, cũng như đốt chiếc xe máy bằng giấy cho người này, chị C năn nỉ: “Xin giùm em con số đi anh”. “Ổng đi rồi, giờ chị có xin đến tối thì cũng như không mà thôi” - T lạnh lùng nói. Không bỏ cuộc, chị C lại năn nỉ T bói bằng điếu thuốc. Miễn cưỡng, T đốt một điếu thuốc, chấm đầu lọc vào ly nước, rồi rít một hơi sau đó đặt đứng lên trên bệ đá trước miếu thờ. Chờ một lát, T nhấc điếu thuốc lên rồi xăm xăm đầu lọc điếu thuốc để tìm.. con số! “Thấy chưa, ổng có cho số nào đâu!”, T kết luận. Không bỏ cuộc, chị C nằng nặc bảo T tiết lộ con số vừa cầu cơ cho “con đề” đến trước. “Không được, tui cho chị số điện thoại mai đến Metro… đón tui đi đến đây, tui sẽ cầu cơ xin số cho”, T dứt khoát.

    Cho đến khi chúng tôi ra về, chị C vẫn còn nắn ná ngồi lại trước miếu người thanh niên xấu số. Chắc có lẽ với mọi “con đề” chưa có con số để “giải sầu” trong ngày thì không bao giờ bỏ cuộc!

    Ai cũng biết, công an xã... hổng biết!

    Theo bà Tư “bánh xèo”, vài năm nay rất nhiều “con đề” từ các nơi trong - ngoài thành phố kéo đến “miếu xì-ke” cầu cơ, gieo quẻ, xin xăm… nhằm xin số đánh đề. “Nhiều lắm, có lúc hầu như ngày nào cũng có người lạ đến quán tui nhờ chỉ đường đến “miếu xì-ke”. Cũng theo bà Tư, từ ngày anh thanh niên xì-ke chết trong miếu Bà thì mới có hiện tượng này. “Ổng không chết chắc miếu vắng như chùa Bà Đanh mà thôi” - bà Tư nói vui.

    Đem chuyện thời gian qua nhiều “con đề” trong - ngoài thành phố đổ xô kéo đến “miếu xì-ke” gây chuyện mê tín dị đoan, anh Võ Văn Thông – công an viên xã Bình Mỹ, phụ trách an ninh trật tự ấp 4B, tỏ ra ngạc nhiên: “Làm gì có, ngày nào tui không đi ngang đó kiểm tra”. Thế nhưng, khi tôi đưa ra một số ảnh vừa ghi được từ nhóm “con đề” vừa cầu cơ, anh Thông “xuống nước”: “Để tui kiểm tra lại, nếu thật sự họ tổ chức mê tín dị đoan ở đó, sẽ giải quyết dứt điểm”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/den-mieu-xi-ke-xem-cau-co-xin-so-cho-cac-con-de-a54979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan