+Aa-
    Zalo

    Đến Cố đô xem tranh Tết làng Sình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trải qua hàng trăm năm, đến nay, tranh dân gian làng Sình vẫn tồn tại, bền bỉ cùng văn hóa Việt.

    Trải qua hàng trăm năm, đến nay, tranh dân gian làng Sình vẫn tồn tại, bền bỉ cùng văn hóa Việt. Công việc vẽ tranh của người dân làng Sình vẫn hối hả, tất bật khi Tết đến, xuân về.

    Làng nghề độc nhất vô nhị

    Nằm cách trung tâm TP.Huế tầm 10km về phía Đông, làng Sình hay còn gọi là làng Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế lâu nay nức tiếng gần xa không chỉ bởi hội vật truyền thống mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, mà còn được biết đến với nghề làm tranh dân gian trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

    Theo sử sách, tranh làng Sình xuất hiện cách đây hơn 400 năm, mang đậm nét đẹp truyền thống gắn với tín ngưỡng dân gian, văn hóa tâm linh của người dân Huế. Cũng là dòng tranh dân gian mộc bản nhưng tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) vì chỉ được dùng để thờ cúng và hóa sau khi lễ. Theo quan niệm của người dân, dùng tranh để thờ cúng thì sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Mọi người cúng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi... Bởi vậy, không chỉ người Huế, các vùng lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam... cũng thường chọn tranh làng Sình để thờ cúng trong dịp Tết.

    Một số bức tranh làng Sình để phục vụ cho dịp Tết cổ truyền

    Cuối năm là dịp lý tưởng để thăm quan làng Sình và chứng kiến không khí hối hả làm tranh phục vụ cho Tết cổ truyền. Tranh làng Sình có bố cục đơn giản nhưng sắc nét và sống động. Để có một bức tranh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Điều quan trọng, để bức tranh có sức sống, có hồn thì người nghệ nhân phải toàn tâm, toàn ý trong lúc vẽ.

    Mỗi bức tranh làng Sình là một khuôn gỗ hoàn chỉnh với những hoa văn, hình thù khác nhau. Vậy nên trước khi in, người làm phải tạo ra được mộc bản, công việc này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao óc thẩm mỹ mới có thể chế tác ra những mộc bản chuẩn. Tranh được in thô bằng màu đen rồi sau đó được tô màu lên những chi tiết theo nội dung của tranh. Do vậy mỗi bức tranh làng Sình sẽ không giống nhau. Quá trình tô màu làm theo dây chuyền, mỗi người phụ trách một, hai màu, tô xong lại chuyển cho người khác. Lúc này, nghệ nhân thả mình theo cảm hứng và tưởng tượng của bản thân, để tô màu. Có người còn kẹp hai, ba cây bút ở đầu ngón tay để tô cùng một lúc hai, ba mảng màu rất điêu luyện và bay bổng.

    Xanh dương, vàng, đỏ, đen, lục là những gam màu chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình. Màu sắc tươi tắn cộng với đường nét và bố cục tự nhiên đã làm nên vẻ đẹp rất riêng cho dòng tranh dân gian xứ Huế. Có khoảng 50 đề tài được thể hiện trong tranh ở làng Sình, chia làm 3 chủ đề: Tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Trong đó, tranh nhân vật gồm hai bộ thế mạng và bổn mạng, chủ yếu là tranh tượng bà (tượng đế, tượng chùa, tượng ngang) thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm. Ngoài ra còn có tranh con ảnh (vẽ hình đàn ông, đàn bà), tranh ông Điệu, ông Đốc và Tờ bếp dùng để hóa như hóa vàng. Tranh đồ vật chủ yếu vẽ hình áo quần, tiền, dụng cụ... để đốt cho người cõi âm. Tranh súc vật gồm một bộ gia súc, gia cầm và riêng một bộ 12 con giáp là nét độc đáo mà những người làm nghề tranh ở làng Sình luôn hướng đến.

    Ông Phước tỉ mỉ làm ra những chiếc khuôn in đầy đủ hình dạng cho một bức tranh

    Cả làng hối hả

    Đến làng Sình vào những ngày cuối năm, chúng tôi may mắn được gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (72 tuổi) tiếp đón và chia sẻ về cái nghề làm tranh truyền thống độc đáo. Gia đình nghệ nhân này là một trong những gia đình làm tranh lâu đời nhất và có công lớn trong việc gìn giữ bí quyết làm tranh của tổ tiên để lại. Tính đến nay, gia đình ông Phước đã có 9 đời gắn bó với nghề nên cũng trải qua không ít những thăng trầm, buồn vui. Sản phẩm của ông nổi tiếng trong làng và được trưng bày tại các hội chợ triển lãm tranh dân gian, các kỳ Festival Huế.

    Trò chuyện với chúng tôi, ông Phước cho biết, thời xưa, người dân làng Sình cũng sống bằng nghề trồng lúa, đánh bắt cá. Rồi những ngày nông nhàn, người nông dân lại tranh thủ làm tranh phục vụ các lễ của làng và dâng lên chốn cung đình. Dần dần, nghề làm tranh ở làng Sình phát triển, được nhiều người biết đến và trở thành đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế, đặc biệt là vào những ngày lễ Tết cổ truyền. Theo ông Phước, trước Tết, người làng hối hả làm thật nhiều tranh và nhiều loại khác nhau với đầy đủ chủ đề, màu sắc để phục vụ nhu cầu cho bà con trên địa bàn. “Dù mỗi bức tranh làm ra chỉ bán với giá từ 15.000 đến 25.000 đồng đối với tranh thờ cúng, 70.000 đến 90.000 đồng một bức tranh trang trí nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, gia đình tôi cũng như những người trong làng cũng có thêm thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống. Điều quan trọng vẫn là niềm vui, niềm tự hào bởi dù sao chúng tôi vẫn giữ được nghề cổ truyền của cha ông”, ông Phước chia sẻ.

    Cũng theo ông Phước, ở thời hoàng kim, quanh năm trong làng đâu đâu cũng thấy không khí lao động rộn ràng, vui tươi. Còn bây giờ, chỉ đến gần Tết thì mới cảm nhận rõ được sự tất bật, háo hức của các nghệ nhân. Nhà nào nhà nấy làm quần quật cả ngày để kịp giao hàng cho những nơi đã đặt mua.

    Bà Trần Thị Gái (66 tuổi) một người dân làng Sình cho biết, thời điểm này là tất bật nhất trong năm, nhà nhà khẩn trương làm tranh cho kịp giao hàng. Tranh thờ cúng là loại tranh được làm nhiều nhằm phục vụ vào các dịp cúng ông Táo, cúng Giao thừa, cúng tổ tiên theo tín ngưỡng của người Việt. Tranh làm ra bao nhiêu đến dịp Tết đều được đặt mua hết. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiệp, một người dân làng Sình khác cho hay, trước Tết khoảng 1 tháng, gia đình ông bắt đầu tất bật làm tranh, hầu như năm nào cũng có nhiều người đến liên hệ đặt mua trước. Để thu hút được khách hàng, gia đình ông luôn làm ra những bức tranh có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt và đúng với nhu cầu của các khách hàng. Ngoài người lớn làm tranh còn có rất nhiều em nhỏ đang đi học cũng tranh thủ thời gian nghỉ để phụ giúp bố mẹ. Công việc chính của các em tô màu cho các bức tranh.

    Ông Nguyễn Đắc Xuân, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Huế thông tin, tranh Tết ở làng Sình là một trong những loại tranh dân gian đã có từ lâu, đây là một trong những làng nghề độc đáo có bề dày lịch sử lâu đời. Trải qua hàng trăm năm, tranh làng Sình vẫn được người dân lưu giữ và phát huy. Ở Huế, trong mỗi dịp Tết cổ truyền, tranh làng Sình luôn được nhiều người dân mua sử dụng để thờ cúng. “Đây cũng là một trong những nét đẹp văn hóa của người dân xứ Huế, việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy tranh làng Sình là điều rất cần thiết, nó không những tạo ra thu nhập cho người dân mà còn thu hút nhiều khách tham quan du lịch khi đến Huế”, ông Xuân nhấn mạnh.

    Được biết, ngày nay, làng Sình không chỉ là nơi mua tranh cúng Tết mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch tham quan và tự tay in tô màu tranh. Nhờ đó, những bức tranh làng Sình đã theo chân khách du lịch đi khắp nước và cả nước ngoài. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực bảo tồn tranh làng Sình thì mới mong dòng tranh của các nghệ nhân quê hương không bị mai một, có vị trí xứng đáng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam bên cạnh các dòng tranh khác.

    Công Định

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/den-co-do-xem-tranh-tet-lang-sinh-a261248.html
    Hoài niệm Tết thời bao cấp

    Hoài niệm Tết thời bao cấp

    Thời "bao cấp" trước năm 1986 gắn với sự thiếu thốn về vật chất là những cái Tết đơn sơ nhưng cũng rất náo nhiệt và luôn tràn đầy sự ấm áp, yêu thương.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hoài niệm Tết thời bao cấp

    Hoài niệm Tết thời bao cấp

    Thời "bao cấp" trước năm 1986 gắn với sự thiếu thốn về vật chất là những cái Tết đơn sơ nhưng cũng rất náo nhiệt và luôn tràn đầy sự ấm áp, yêu thương.