(ĐSPL)- Một thông tin đáng chú ý vừa được đưa ra tại hội thảo do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức là đề xuất thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niên (TAGĐ). Dự kiến trong năm 2015, tòa án này sẽ được thành lập.
Khi đó, toàn bộ những vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em như: Việc ly hôn liên quan đến trẻ em, hay những vấn đề vi phạm quyền trẻ em mà người lớn vi phạm... đều được xét xử ở đây. Theo các chuyên gia pháp lý, nếu mô hình này được thành lập sẽ bảo vệ được trẻ em trước “sóng gió” cuộc đời. Người ta thường nói, gia đình là hạt nhân của xã hội, ai cũng muốn có những hạt nhân tốt để xã hội tốt đẹp, song trước khi đạt được điều đó, vẫn còn nhiều việc phải làm...
Lắt léo những vụ án gia đình
Nhiều nước trên thế giới đã có sáng kiến và thực hiện mô hình TAGĐ. Theo các chuyên gia xã hội học, nếu coi gia đình là nhóm xã hội đặc thù, một bộ phận của xã hội thì cũng cần có một tòa án đặc thù. Bởi, nhiều khi xung đột không đơn thuần là chạm trán của người trong xã hội với nhau mà là xung đột giữa những người có quan hệ máu mủ, ruột thịt, có tình cảm khăng khít... Do đó, cần có một tòa án riêng – TAGĐ, xử lý những vấn đề mang tính đặc trưng của gia đình.
Tại Việt Nam, dư luận từng chứng kiến không ít những vụ án trong gia đình để lại hậu quả đau lòng cho con trẻ hay những vụ ly hôn tréo ngoe mà qua rất nhiều cấp xét xử vẫn chưa... ngã ngũ. Một câu chuyện hi hữu xảy ra tại huyện Tuy An (Phú Yên), điều tréo ngoe, nguyên đơn xin ly hôn là chị dâu, còn bị đơn là em chồng.
Nguyên nhân cho câu chuyện hiếm thấy trên được xác định do tờ giấy đăng ký kết hôn bị... ghi nhầm. Người làm thủ tục đăng ký kết hôn do không làm đúng thủ tục đã dẫn đến sai sót. Sự việc chỉ được giải quyết khi TAND huyện đưa vụ án ra xét xử, không công nhận chị dâu và em chồng là vợ chồng, hủy giấy đăng ký kết hôn mà UBND xã chứng nhận; hủy giấy khai sinh của người con.
Sự việc đã ngã ngũ nhưng hệ quả để lại thì không nhỏ. Chỉ vì những nhầm lẫn không đáng có đã dẫn đến hậu quả đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tương lai của con trẻ.
Nhắc đến những bi hài trong hôn nhân, PV báo ĐS&PL nhớ đến câu chuyên mà một chuyên gia tâm lý cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (bộ LĐ-TB&XH) từng chia sẻ rằng: “Có những người gọi đến đường dây nóng chỉ để hỏi, vì sao một cháu bé ngủ với bố cũng phải gọi công an? Chuyện nội bộ mà cũng cần đến công an?”. Khi đó, vị chuyên gia thẳng thắn trả lời: “Câu hỏi nào cũng có nguyên cớ của nó, vì sao lại như vậy, tôi hiểu câu hỏi đó trả lời cho một vấn đề khác – bạo lực gia đình. Chẳng lẽ, một gia đình bình
thường, êm ấm lại gọi đến công an!? Cái đó để nói rằng, xuất hiện tội ác trong gia đình có thể xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ lẻ, tủn mủn”.
Trên thực tế, những vụ việc đau lòng xảy ra trong gia đình thời gian qua như: Bố giết con, chồng giận vợ đốt con, vợ giết chồng, giao cấu với trẻ em... đang có xu hướng gia tăng. Tất nhiên, người nào phạm tội sẽ phải đền tội, nhưng khi các đương sự đứng trước vành móng ngựa, ảnh hưởng tinh thần không hề nhỏ. Đặc biệt, đối với con trẻ, chúng sẽ phải gánh chịu những cú “sốc” tâm lý lớn mà đáng ra ở tuổi đó, chúng cần được thoải mái và trong sáng nhất.
Bảo vệ trẻ em trước “sóng gió” cuộc đời?
Trước thực trạng trên, tại hội thảo Vai trò của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền trẻ em và vấn đề dinh dưỡng để phát triển do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 2/4 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tới đây Việt Nam sẽ thành lập TAGĐ nhằm bảo vệ trẻ em.
GS.TS Lê Thị Quý- Viện trưởng viện Nghiên cứu giới và Phát triển |
“Nếu làm được điều đó, tôi nghĩ nó sẽ ngăn chặn được, những hành vi quá tàn ác trong gia đình như chồng giết vợ, con giết bố, bố bạo lực con. Nó quả thực quá đau đớn, quá sức chịu đựng nếu bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh đó”, vị GS nhấn mạnh.
GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng viện Nghiên cứu giới và Phát triển (ảnh trên) cho hay: “Trên thế giới đã có nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy… áp dụng mô hình TAGĐ và thấy được sự cần thiết của một TAGĐ. Họ áp dụng cả xử lưu động tại các khu phố. Bởi theo họ, không phải vụ việc nào cũng đưa ra xử lý hình sự, không nhất thiết phải đẩy nhau vào tù mà mục đích “đẻ” ra TAGĐ là hòa giải, giáo dục thuyết phục”. |
Cũng theo GS.TS. Lê Thị Quý, những vụ việc liên quan đến gia đình được xét xử ở TAGĐ, khi phân tích, thẩm phán, luật sư có thể dựa trên cả vấn đề đạo đức chứ không chỉ khía cạnh pháp luật. Bởi thực tế, những vụ việc đau lòng đó xảy ra bắt đầu từ nạn bạo lực gia đình, trong khi đó, bạo lực gia đình nếu chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng (đánh đập dã man...) thì chưa được đưa ra xét xử. Nên chăng, ngay từ những mâu thuẫn, xung đột nhỏ, chúng ta đưa ra TAGĐ để ngăn chặn những nguy cơ bất hòa, xung đột đỉnh điểm.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Nguyễn Toàn Thắng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “TAGĐ cần có một nền tảng pháp lý rõ ràng. Chúng ta không cần phải “đẻ” ra một luật riêng cho TAGĐ. Mà nền tảng pháp lý có thể dựa trên luật Hôn nhân & Gia đình, luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật Bình đẳng giới...
Căn cứ trên các luật đó để xử lý và nhấn mạnh đến xử lý ở khía cạnh đạo đức. Ví dụ: Người chồng mắng chửi, hành hạ vợ... chưa đủ cấu thành tội để xử lý hình sự, có thể xử lý ở TAGĐ. Thời gian qua, những luật trên chưa được ứng dụng nhiều trong thực tế. Ngay như điều kiện sau ly hôn, luật ưu tiên người phụ nữ được quyền nuôi con (dưới 36 tháng tuổi) và người chồng phải đóng góp tiền nuôi con. Nhưng thực tế, nhiều người không thực hiện điều đó và tòa án cũng không thể giải quyết. Đó là vấn đề hậu ly hôn, nhưng khi có TAGĐ thì lại khác”.
LAN ĐỨC