Đề xuất tái khởi động sản xuất kinh doanh tại TPHCM sau 15/9.
Ngày 3/9, Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đã đề xuất UBND TPHCM phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 15/9 nhằm giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp (DN) hiện nay – vốn đã đóng cửa kéo dài từ đầu tháng 7/2021.
Phương án được đề xuất áp dụng trong lúc TPHCM chờ phủ vắc xin 2 mũi. Đây được xem là biện pháp khẩn cấp để mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế khi tỷ lệ lao động được tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn thấp.
Tổ tư vấn đề xuất mở cửa theo từng giai đoạn để đảm bảo mục tiêu kép, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế ở mức tối đa cũng như duy trì hoạt động sản xuất bền vững và liên tục ngay cả khi phát hiện ca nhiễm tại nhà máy.
Lộ trình tái khởi động hoạt động kinh tế tại TPHCM được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: Các DN đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ NLĐ đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ.
Giai đoạn 2: Nâng công suất lên tối đa 50%. Các DN/nhà máy có thể tiếp tục giai đoạn 1 lâu hơn nếu muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang Giai đoạn 2.
Giai đoạn 3: Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất. Với những DN/nhà máy chưa sẵn sàng, có thể tiếp tục với công suất như giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2.
Để tham gia vào lộ trình tái khởi động, DN phải đáp ứng các biện pháp đảm bảo an toàn. Tại nơi ở, NLĐ tuân thủ quy định về giãn cách (gia đình với gia đình, khu phố với khu phố). Không chỉ NLĐ mà người thân ở nhà hoặc tham gia các hoạt động khác bên ngoài cũng cần tuân thủ.
Bộ Y tế: Từ nay đến 15/9, khu vực nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 2-3 ngày/lần.
Bộ Y tế hướng dẫn đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội lấy mẫu xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình toàn bộ người dân.
Đến ngày 15/9/2021, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. Xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chuẩn bị từ chức.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến từ chức vào đầu tháng này, theo thông tin do đài Nikkei đăng tải ngày 3-9.
Đài Nikkei cho biết Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ không tham gia cuộc đua bầu lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
Theo hãng tin Kyodo News, nhà lãnh đạo Nhật Bản dự định từ chức trong bối cảnh ông bị chỉ trích vì phản ứng đối với đại dịch Covid-19.
Đảng LDP của Thủ tướng Yoshihide Suga chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 29-9 tới. Chiến dịch vận động sẽ bắt đầu từ ngày 17-9. Tuy nhiên, các quan chức LDP xác nhận Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ đứng ngoài cuộc đua này.