(ĐSPL) - Đó là ý kiến của Tiến sỹ Xã hội học tội phạm Trương Văn Vỹ - trường ĐH KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh khi nói về đề xuất lập “phố nhạy cảm” thí điểm của ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM.
Đề xuất này đang được dư luận cả nước quan tâm. Số phản hồi đồng thuận cũng không ít, nhưng đa phần vẫn tỏ ra e ngại. Bởi, đề xuất này nếu được thông qua sẽ đi ngược lại quy định của pháp luật hiện hành. “Phố nhạy cảm” mà không có mại dâm là điều khó có thể thực thi. Dù có “ép” vào phố, tệ nạn này vẫn có đủ chiêu để “qua mặt” cơ quan chức năng.
Thí điểm để nhân rộng?
Mới đây, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đã đề xuất lập “phố nhạy cảm” tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Ông nhấn mạnh, đó là ý kiến cá nhân sau một quá trình tham gia công tác quản lý phòng chống tệ nạn nói chung và mại dâm nói riêng. Đề xuất của ông Lê Văn Quý gợi ý việc lập “phố nhạy cảm” ở một số địa phương trọng điểm như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng... Nếu mô hình thí điểm có kết quả thì nên nhân rộng tại các địa phương khác để thuận lợi trong việc quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Quý, việc tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ "nhạy cảm" như khách sạn, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ... vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước tốt hơn, chứ không thừa nhận mại dâm. Lợi ích của “phố nhạy cảm” là Nhà nước sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở “nhạy cảm” về mặt lương thưởng, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe và bảo đảm các vấn đề an ninh trật tự tại khu vực.
Các “chân dài” tham gia bán dâm tại một cơ sở massage ở Q.1 (ảnh: Lành Nguyễn). |
Đề xuất của ông Quý nhận được sự đồng ý của nhiều chuyên gia, cán bộ, nhưng vẫn còn dè dặt và ái ngại với khái niệm “phố nhạy cảm không có mại dâm”. Thực tế, hiện nay, TP.HCM cũng có những “khu nhạy cảm” hoạt động mại dâm trá hình mà phải rất vất vả cơ quan chức năng mới dẹp yên.
Ví dụ, đường Tân Sơn (Q. Gò Vấp, TP.HCM) “nổi tiếng” với chuỗi cắt tóc máy lạnh và cà phê “một cửa, một nhân viên” mà ai đi qua cũng dễ dàng nhận thấy đó là mại dâm trá hình. Trước khi có sự can thiệp mạnh tay của cơ quan chức năng, “phố nhạy cảm” Tân Sơn hoạt động hết công suất, bất kể ngày đêm. Những cô gái mặc váy ngắn hở hang ngồi trong quán cà phê, cơ sở hớt tóc... thản nhiên huýt sáo mời gọi khách đi đường.
Mại dâm ở tuyến đường này không chỉ dừng lại ở mức độ trá hình mà còn có một số đối tượng công khai bán dâm. Thế nhưng, gần đây, tình trạng hoạt động mại dâm trá hình ở cung đường này đã giảm đi rất nhiều khi cơ quan chức năng cho lắp camera an ninh và tăng cường tuần tra. Các cơ sở massage, hớt tóc, cà phê đèn mờ... bị theo dõi thì nhanh chóng dọn đi nơi khác hoạt động. Khu vực vùng ven, liền kề các khu công nghiệp... là địa điểm dừng chân trong công cuộc “ký sinh” của mại dâm.
Có thể thấy, một khi cơ quan chức năng không công nhận mại dâm thì sẽ chẳng có “phố nhạy cảm” nào có thể hoạt động. Bởi, các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” đắt khách là nhờ vào yếu tố “chân dài”. Hệ thống karaoke, quán nhậu, massage, spa, cắt tóc... sẽ ra sao nếu yếu tố “chân dài” bị quản lý chặt chẽ. “Chân dài” không được ăn mặc hở hang, không được có những động tác gợi cảm, không được “tăng ca” với khách hàng thì các cơ sở này có vào “phố nhạy cảm” để chịu thuế? Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” phải tiếp tục tìm cách lách luật để tồn tại và thu lợi khủng như mục đích ban đầu.
Không nên “mập mờ”
Gái mại dâm công khai ở lề đường có xu hướng dời về các tuyến đường vùng ven, phục vụ cho công nhân, người lao động bình dân. Mại dâm núp bóng quán nhậu, cơ sở cắt tóc, massage... thì ngày càng bành trướng nhằm hướng đến lượng khách “đại gia” mới nổi.
Gần đây, Công an Q.4 (TP.HCM) xác nhận, đã bắt tạm giam Trần Minh Triều (31 tuổi, ngụ Gia Lai) để điều tra về hành vi môi giới mại dâm qua mạng. Để tổ chức điều hành hoạt động mại dâm có hiệu quả, Triều lập hẳn một trang web có tên L. nhằm quảng bá dịch vụ “sung sướng” đến khách hàng núp bóng dưới vỏ bọc dịch vụ massage. Để có “chân dài”, Triều lân la đến các tiệm massage, spa... làm quen với các cô gái, sau đó kéo họ về làm gái bán dâm. Đường dây mại dâm do Triều tổ chức, điều hành luôn có khoảng 30 “chân dài” sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu “hưởng lạc” của khách ở khắp TP.HCM. Trên trang web L. do Triều quản lý, đăng chân dung những cô gái trong các tư thế gợi cảm để câu khách. Khi khách có nhu cầu sẽ liên lạc trực tiếp với Triều để thoả thuận giá cả.
Sau khi đồng ý giá, Triều sẽ điều “chân dài” đến tận nơi để phục vụ khách với giá từ 50 - 100 USD/lần, trong đó Triều lấy 25 USD tiền công môi giới. Công an xác định đường dây mại dâm do Triều tổ chức điều hành hoạt động từ cuối năm 2012. Mỗi tháng, Triều thu lợi bất chính từ 30 - 60 triệu đồng. Vì số lợi khủng này, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” quyết tâm bám trụ và phát triển nhanh đến chóng mặt. Hầu như, khu vực nào ở TP.HCM cũng có những tuyến phố đặc trưng mang hơi hướng của “phố nhạy cảm” và tất nhiên mại dâm vẫn núp bóng hoạt động.
Nói về đề xuất trên, chị Đặng Thị Nguyệt, một người có nhiều năm làm trong các ngành nghề nhạy cảm cho biết: “Rất khó để có thể quản lý theo kiểu lập khu “nhạy cảm” nhưng không có mại dâm. Thực tế phải nhìn nhận rằng, mại dâm có mặt ở nhiều nơi và nó trở thành một phần tất yếu. Khi không thể chống được mại dâm, vậy sao lại không chấp nhận nó. Tôi đồng ý với việc lập “khu nhạy cảm”, cho hoạt động mại dâm nhưng không coi mại dâm là một nghề. “Phố nhạy cảm” sẽ giúp các cô gái được bảo đảm về sức khỏe, được hưởng các chế độ lao động”.
Theo Tiến sỹ Xã hội học tội phạm Trương Văn Vỹ - trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), lập “khu nhạy cảm”, nhưng không cho phép mại dâm là một cách nói nguy hiểm, mập mờ. Thật ra, ai cũng ngầm hiểu việc quy hoạch “khu nhạy cảm” là quy hoạt động mại dâm về một nơi, vậy thì sao không nói rõ ra mà phải mập mờ.
Người dân bây giờ muốn cái gì cũng phải chính danh, phải rõ ràng, minh bạch. Định làm cái gì thì nói thẳng đến vấn đề ấy để cùng thảo luận. Lập các “khu nhạy cảm” không phải là vấn đề mới vì nhiều nước đã triển khai rồi và thực tế là đã mang lại những hiệu quả nhất định. “Tôi ủng hộ việc thành lập các “khu nhạy cảm” nhưng cần phải rõ ràng. Nếu thành lập được thì việc quản lý sẽ dễ hơn, mà lại còn có thể tăng nguồn thu từ đó nữa”, TS Vỹ nói.
“Nếu thành lập được “khu nhạy cảm” sẽ mang lại nhiều điều tích cực”. Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM. Theo bà Huệ, hoạt động mại dâm diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là tại những địa điểm, ngành nghề nhạy cảm. Vì thế, cần có những giải pháp cụ thể để giảm tình trạng này, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm một phần không nhỏ những ca lây nhiễm HIV/AIDS mới. Đứng ở góc độ chuyên môn về giảm tác hại lây nhiễm HIV, bà Huệ tán thành đề xuất này, vì nếu thành lập được, nó sẽ mang lại nhiều điều tích cực, việc quản lý cũng dễ dàng hơn.
Làm gì có chuyện thí điểm
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc trung tâm Dư luận Xã hội Việt Nam thì cho rằng: “Phát biểu như vị cán bộ của chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM theo tôi là rất vô lý. Làm gì có chuyện thí điểm, quản lý ngành nghề nhạy cảm không mại dâm. Nói trắng ra là cho làm nghề mại dâm ở một khu vực nhất định để dễ kiểm soát”.
Ngọc Lài- Lành Nguyễn- Công Thư
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]SCabawESAC[/mecloud]