+Aa-
    Zalo

    Đề xuất "khu nhạy cảm": Sẽ thừa nhận nghề "kinh doanh mại dâm"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc đề xuất thành lập khu nhạy cảm của 1 Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH TP HCM 1 lần nữa lại làm "nóng" lên câu chuyện về nghề "kinh doanh xác thịt".

    Việc đề xuất thành lập khu nhạy cảm của một Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh một lần nữa lại làm "nóng" lên câu chuyện về nghề "kinh doanh xác thịt".

    Ngày 23/10 tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh, tiếp tục đề xuất thành lập khu dịch vụ nhạy cảm ở một số tỉnh thành. Nơi thí điểm là địa phương trọng điểm về tình hình mại dâm, như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...

    Mặc dù, ông Quý cho rằng việc quy hoạch này không đồng nghĩa với việc chấp nhận hoạt động mại dâm một cách hợp pháp. Pháp luật Việt Nam không công nhận mại dâm là một nghề và đây là hoạt động vi phạm pháp luật. Nhưng vị Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: “Cần thay đổi quan điểm, nhận thức về công tác phòng chống mại dâm. Phải vừa làm vừa thử nghiệm thì mới biết được mô hình nó ưu - nhược đến đâu. Cứ giữ mãi quan điểm cũ phải thế này thế kia, nhưng bao nhiêu năm rồi mà công tác vẫn cứ rầy rà như thế". (Trích Vnexpress).

    Ảnh minh họa.

    Trong khi đó, theo báo cáo Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Con số này mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, thực tế số người hoạt động mại dâm còn cao hơn thế.

    Rõ ràng, dù có rất nhiều biện pháp phòng chống và ngăn chặn mại dâm, dù có hẳn quy định về hình sự để xử lý hành vi môi giới và chứa mại dâm thì hoạt động này vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

    Câu chuyện hợp pháp hóa mại dâm không phải bây giờ mới được đưa ra mổ xẻ. Từng có những thời điểm các chuyên gia pháp lý đã tranh luận sôi nổi về quy định này. Không ít ý kiến cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm, coi đó là một nghề là cần thiết. Quan điểm này lý giải rằng việc hợp pháp hóa mại dâm, thành lập khu đèn đỏ để quy hoạch và quản lý tốt hơn. Đồng thời, cũng giúp cho người hoạt động mại dâm có cơ hội để thường xuyên thăm khám và chăm sóc sức khỏe, giảm áp lực tiêu cực cho xã hội.

    Mặt khác, những người bảo vệ quan điểm coi mại dâm là một nghề nhấn mạnh về khái niệm quyền sở hữu cơ thể. Con người sở hữu cơ thể của mình, có nghĩa họ có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể của họ. Ở một góc cạnh nào đó việc “trao đổi” giữa hai người trưởng thành dựa trên nguyên tắc "có đi có lại” là bình thường. Người bán dâm có trách nhiệm cung cấp dịch vụ, đó là cơ thể và kỹ năng của mình để cho người mua dâm thỏa mãn nhu cầu tình dục. Người mua dâm có nghĩa vụ trả tiền cho người bán dâm theo thỏa thuận hợp đồng (thường là hợp đồng miệng).

    Ở góc cạnh xã hội, việc coi mại dâm là một nghề chứ không phải là một tệ nạn sẽ giảm được áp lực dư luận, sự kỳ thị của cộng đồng với những người làm việc này.

    Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm là không nên. Bởi lẽ, nó sẽ tạo ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng. Việc quản lý, kiểm soát mại dâm sẽ khó hơn và có thể bùng phát mạnh nếu như không có hệ thống cơ sở hạ tầng đủ mạng.

    Nhiều chuyên gia cũng cho rằng về mặt đạo đức, hợp pháp mại dâm sẽ là sự đạp đổ các giá trị đạo lý gia đình, văn hóa truyền thống dân tộc, từ đó làm mất phương hướng việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, về lâu dài sẽ dẫn tới sự băng hoại đạo đức, khủng hoảng các giá trị sống ở những thế hệ tương lai.

    Việc nên hay không nên hợp thức hóa mại dâm có lẽ vẫn là câu chuyện còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng đúng như ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh nói: Thực sự đã đến lúc phải thay đổi quan niệm, nhận thức về công tác phòng chống mại dâm. Cần có biện pháp quản lý tốt hơn mang tính xã hội hơn nhằm bảo vệ chính những người đang ngày ngày phải “mưu sinh” nhờ bán dâm.

    Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng – Đoàn luật sư TP Đà Nẵng

    “Vấn đề mại dâm xét ở góc độ văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa phương đông nói chung là không nên. Nhưng thực tế xã hội hiện tại nghề mại dâm đã phát triển và có nhiều biến tướng nhằm trốn tránh pháp luật, vì vậy không nên có những tư duy ấu trĩ và nên công nhận mại dâm là một nghề.

    Để đảm bảo, chúng ta cần quản lý chặt, phải luôn kiểm tra thường xuyên sức khỏe đảm bảo an toàn cho cả người bán dâm lẫn mua dâm. Bởi thực tế mại dâm đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, ai cũng biết đó là nhu cầu chung, chưa kể có nhiều trường hợp không có vợ, chưa có vợ...

    Nếu pháp luật cho phép thì việc thừa nhận chắc chắn sẽ khả thi. Tuy nhiên, còn nhiều quan điểm liên quan đến việc bảo vệ đạo đức, nhân phẩm người phụ nữ do đó cũng không phải dễ dàng được mọi người chấp nhận”.

    Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Hoàng - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

    “Xét về việc hợp thức hóa mại dâm nó có rất nhiều vấn đề, phụ thuộc vào nhận thức và trình độ của những người trong một cộng đồng, một quốc gia. Ví dụ như thập niên 70-80 của thế kỷ 20 ở các nước Âu Mỹ quan hệ tinh dục của họ được coi là bình thường thì cuộc cách mạng tình dục đã đưa đến cho các quốc gia này không ít nhiều hệ lụy... Nhưng mại dâm là không thể cấm, bởi vì không chỉ ở xã hội bây giờ mà từ thời xa xưa đã có tửu điếm, cô đầu. Không nên cấm mại dâm ở Việt Nam mà nên cho phép kinh doanh để quản lý...

    Thực tế đến một số nơi mới thấy phụ nữ Việt Nam khổ quá, chồng lúc nào cũng say xỉn, vợ con, mấy chị em cùng một nhà đều đi hành nghề mại dâm. ở Việt Nam bị cấm nên sang các nước khác hành nghề. Những chị em còn trẻ, xinh đẹp thì theo các đường dây người mẫu đi bán dâm tại Singapore, Hong Kong...Sau thì đi bán dâm chui lủi bởi pháp luật mình không cho phép. Tội lắm”.

    Theo Người đưa tin

    [mecloud]BpY08Av0s6[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-khu-nhay-cam-se-thua-nhan-nghe-kinh-doanh-mai-dam-a116610.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.