Theo báo Dân trí, tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục diễn ra ngày 3/5, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy đã trình bày tờ trình của Chính phủ. Theo nội dung tờ trình, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thiết kế với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.
Dự kiến tổng các nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.
Tờ trình cũng nêu rõ nguồn lực huy động từ vốn ngân sách Trung ương tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Chương trình phát triển văn hóa sẽ diễn ra theo lộ trình, Chính phủ đề nghị năm 2025 chỉ tập trung xây dựng khung chính sách, chuẩn bị đầu tư.
Giai đoạn 1 sẽ được thực hiện từ 2026 đến 2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.
Giai đoạn 2 từ 2031 đến 2035, sẽ tiếp tục phát triển văn hóa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục là đơn vị thẩm định tờ trình đã đưa ra nhận định "chưa rõ căn cứ xác định nguồn lực thực hiện chương trình, nhất là đối với vốn ngân sách địa phương".
Theo một số ý kiến, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện thông qua rà soát, điều chỉnh lại các nội dung hoạt động của chương trình, để bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng lưu ý cần rà soát các nội dung trùng lặp với hoạt động chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước để đưa ra khỏi chương trình, đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương.
Theo tờ VnExpress, đưa ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không còn, trong khi vốn giai đoạn 2026-2030 lại chưa có chủ trương. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân đối mục tiêu xây dựng chương trình để phù hợp với khả năng đáp ứng vốn. "Không thể xây dựng mục tiêu quá lớn rồi lại than phiền tiền ít", ông Phương nói.
Sau khi nghe đại diện các cơ quan trình bày và thảo luận, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhấn mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn.
Để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhất, ông Mẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị tập trung làm rõ mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện chương trình, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư.
Ông nhấn mạnh yêu cầu tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực. Đi kèm với đó, ông Mẫn nhấn mạnh cần gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chương trình này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 sắp tới.