Theo Vietnamnet, Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Trong Dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà và các yêu cầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt theo quyết định này trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đề xuất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thoả thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt trước đây đáp ứng điều kiện là đối tượng của quyết định này thì được áp dụng quy định này.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, theo quyết định 13/2020 trước đây về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của bên mua điện.
Hệ thống này được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho bên mua là EVN hoặc tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của EVN, với mức giá bán là 8,38 UScent/kWh.
Tuy nhiên, theo tờ trình, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy cơ chế được Bộ Công Thương đề xuất sẽ giới hạn đối tượng khuyến khích và hệ thống điện áp mái được lắp đặt chỉ phục vụ cho tự dùng, không bán điện lên lưới cho EVN.
Dự thảo cũng nêu để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi với hệ thống này để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này, ưu tiên cho khu vực miền Bắc.
Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.
Các bộ ngành liên quan như Xây dựng, Công an, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đơn giản hóa các thủ tục cấp, miễn giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, xử lý môi trường và chất thải phát sinh từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Vân Anh(T/h)