+Aa-
    Zalo

    Đề xuất giãn, giảm xe bus giờ cao điểm: Xe bus “mà biết nói năng...”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi các nước phát triển khuyến khích dùng phương tiện công cộng, Sở GTVT HN lại quyết định giảm xe bus. Cách làm ngược đời” khiến nhiều người ngạc nhiên.

    (ĐSPL) - Hết “quy trách nhiệm” gây ùn tắc cho xe máy, ô tô cá nhân... mới đây, sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội lại cho rằng, chính xe bus là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giờ cao điểm. Trong khi các nước phát triển khuyến khích dùng phương tiện công cộng thì Sở này lại quyết định giãn, giảm tuyến xe bus. Cách làm “ngược đời” này đang khiến nhiều người ngạc nhiên...

    Người dân lại “dài cổ”đợi xe bus?

    Tắc đường ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội lâu nay đã trở thành vấn nạn. Rất nhiều cơ quan chức năng phải “xắn tay” vào “chữa trị”, nhưng căn bệnh trầm kha vẫn giậm chân tại chỗ. Điều lạ ở chỗ, khi không thể tìm được biện pháp tháo gỡ triệt để thì cơ quan thẩm quyền địa phương lại tìm đủ lý do để biện minh, đổ lỗi cho các phương tiện gây tắc đường chứ không tìm tận gốc sự việc để “trị”.

    Đầu tiên, xe máy được xem là thủ phạm gây tắc đường ở Hà Nội. Thế rồi ngay lập tức, có ngay phương án cấm xe máy đi vào thành phố giờ cao điểm. Do bị phản ứng quá nhiều, phương án này không được áp dụng. Không lâu sau đó, ô tô riêng lại bị “mang tiếng” và đổ lỗi cho là đối tượng chính gây ùn tắc giao thông.

    Và giờ đây, khi chuyện ùn tắc vẫn đang nóng “rần rật” ở mọi ngả đường thì xe bus lại là “nạn nhân” tiếp theo. Bởi cách đây mấy ngày, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho rằng, sẽ giãn, giảm xe bus ở một số tuyến đường giờ cao điểm để tránh tắc đường như Cầu Giấy - Xuân Thủy và Hà Đông - Nguyễn Trãi.

    Nhiều sinh viên lo sẽ thêm “dài cổ” đợi xe bus? (ảnh T.L).

    Ngay lập tức, thông tin này đã khiến nhiều người đi xe bus cảm thấy lo lắng. Trao đổi với PV, bạn Nguyễn Thúy Hà (sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Công Đoàn, Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Em và nhiều bạn trong lớp đến trường bằng xe bus. Lúc đi học và tan tầm, cứ 5 phút có một chuyến nhưng phải rất vất vả mới lên được xe.

    Nhiều hôm phải chờ cả tiếng vì không chen được lên xe nên bị muộn học. Giờ giảm, giãn tuyến chắc chắn số lượng người chờ sẽ tăng lên, không biết còn phải “đánh vật” thế nào mới lên được xe để đến trường”. Còn anh Lê Vinh (26 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân nhà máy thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đi làm bằng phương tiện xe bus thì cho rằng, nếu thực hiện giãn, giảm tuyến, anh sẽ sử dụng xe máy. Bởi đợi xe bus quá lâu sẽ bị muộn giờ làm.

    Để rộng đường dư luận, sáng 26/10, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội được biết: “Tôi đang xây dựng kế hoạch giãn, giảm tuyến xe bus giờ cao điểm, mấy ngày nữa mới họp và quyết định”. Khi PV đặt câu hỏi, liệu giãn, giảm tuyến xe bus có dẫn đến bùng phát xe cá nhân hay không, ông Viện trả lời: “Tôi cho rằng sẽ không có tình trạng tăng phương tiện cá nhân. Bởi tổng lượt chuyến và lượng vận tải hành khách vẫn sẽ đảm bảo. Chỉ giảm giờ cao điểm tăng tần suất ở trước và sau giờ cao điểm”.

    Ông Viện giải thích thêm: “Xe bus có khả năng vận chuyển cao nhưng cũng là một trong những tác nhân gây ùn ứ trong giờ cao điểm. Dù ít xe bus thì nhân dân có thể chờ thêm 15 - 20 phút thay vì có nhiều xe bus nhưng lên được rồi phải chôn chân xếp hàng chờ trên đường vì ùn tắc”.

    “Giải pháp tình thế”?

    Cũng trong sáng ngày 26/10, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm Điều hành giao thông đô thị (sở GTVT Hà Nội) lại cho rằng, giãn tuyến sẽ dẫn đến tình trạng hành khách phải đợi khá lâu, gây bất tiện cho người sử dụng xe bus vì phải đi bộ ra điểm đợi khá xa. Xe bus đang vận chuyển gần 50\% nhu cầu hành khách của tuyến giờ cao điểm. Do vậy chỉ cần bỏ 1-2 lượt và hành khách đi xe bus chuyển sang đi phương tiện cá nhân thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

    Giám đốc sở GTVT Hà Nội.

    Khi PV đặt câu hỏi, việc hạn chế xe bus, xe ô tô cá nhân, xe máy giờ cao điểm liệu có giải quyết được nạn ùn tắc trên đường phố, ông Hải cho rằng: “Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội nói riêng, đô thị lớn nói chung không chỉ nằm ở các phương tiện. Đây là một chuyện lớn, cần giải pháp đồng bộ. Bởi nhiều đô thị trên thế giới phát triển hàng trăm năm nay vẫn xảy ra tình trạng tắc đường. Theo tôi, cần xem lại các điều kiện tổng thể của giao thông, đô thị đó. Từ quy hoạch, tổ chức giao thông, phương tiện công cộng, cơ sở hạ tầng, cưỡng chế giao thông... Tôi cho rằng, giãn, giảm xe bus chỉ là giải pháp tình thế”.

    Cùng quan điểm, ở góc nhìn chuyên gia quy hoạch giao thông đô thị, bà Đinh Thanh Bình, Viện trưởng viện Quy hoạch & Quản lý GTVT (ĐH GTVT) nhận định, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng gia tăng, cơ sở vật chất, giao thông công cộng ở nước ta chưa đáp ứng được cộng với việc quản lý giao thông còn nhiều vấn đề nên dẫn đến ùn tắc. “Hiện nay, nước nào cũng xảy ra tình trạng tắc đường nếu như không có sự quản lý tốt, cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển các phương tiện tham gia. Chúng ta không thể đổ lỗi, quy chụp tắc đường do phương tiện này, phương tiện khác được”, bà Bình nói.

    Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng khẳng định, trong khi các nước đi trước Việt Nam hàng chục năm về phát triển phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm... thì hiện Hà Nội với dân số gần 10 triệu người mới có hơn 1.000 đầu xe bus, năng lực vận chuyển chỉ đáp ứng được 8-10\% nhu cầu đi lại của người dân. Đề xuất hạn chế xe bus lưu thông trong giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc là đi ngược với nhu cầu thực tiễn, ngược với quy tắc giao thông trên thế giới.

    Chưa thể đánh giá được hiệu quả

    “Theo tôi, vì quy định này chưa thực hiện nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của nó. Tuy nhiên, tôi dự đoán nếu thực hiện quy định này cũng không giảm được bao nhiêu bởi nguyên nhân gây ùn tắc ở Hà Nội không phải do xe bus. Trên thực tế, số lượng xe bus ở Hà Nội rất ít, diện tích chiếm dụng mặt đường nhỏ và chở được nhiều người. Một bất cập của xe bus là cồng kềnh và khi dừng đỗ, đón khách ảnh hưởng đến các phương tiện khác”.

    (Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm Điều hành giao thông đô thị trao đổi với PV)

       Vương Chân

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Zdj9lWUZx2[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-gian-giam-xe-bus-gio-cao-diem-xe-bus-ma-biet-noi-nang-a116932.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.