+Aa-
    Zalo

    Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu: Hiệp hội và doanh nghiệp vận tải cùng đồng tình

    (ĐS&PL) - PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi nhanh cùng đại diện một số doanh nghiệp vận tải, hiệp hội và chuyên gia kinh tế xung quanh đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT đối với xăng, dầu.

    Ngày 23/9, bộ Tài chính đã có Công văn số 9691/BTC-CST lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng, dầu. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại.

    Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Qua đó, chính sách này sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023.

    PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi nhanh cùng đại diện một số doanh nghiệp vận tải, hiệp hội và chuyên gia kinh tế xung quanh đề xuất giảm thuế này.

    Ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trọng Phát (đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ) cho rằng đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT đối với xăng, dầu là rất cần thiết để ổn định và bình ổn giá xăng.

    Nói đơn cử như ở doanh nghiệp của tôi, chi phí xăng dầu chiếm tới 55%. Bình quân 20 chiếc xe mỗi tháng tiêu tốn hết 1 tỷ 200 triệu đồng tiền nhiên liệu. Chỉ cần giá xăng, dầu giảm 10% thôi là công ty đã tiết kiệm được khoảng 120 triệu tới gần 200 triệu đồng mỗi tháng nếu tính nhanh”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

    Cũng theo ông Tùng, việc giá xăng dầu tăng cao như thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hầu hết đều rơi vào tình cảnh chạy để “giữ khách”, hoàn toàn không có lợi nhuận và cũng khó có thể tăng giá dịch vụ vì ảnh hưởng tới việc cạnh tranh giữa các nhà xe.

    Chính vì vậy, theo tôi đề xuất nêu trên của bộ Tài chính là cực kỳ hợp lý. Tôi nhớ lại thời điểm giá xăng dầu chạm ngưỡng 31.000 đồng/lít, mỗi chuyến xe từ Nam ra Bắc chúng tôi chỉ mang về 6 triệu đồng, chưa kể chi phí bến bãi, nhân viên. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm có giải pháp để bình ổn giá xăng dầu”, ông Nguyễn Thanh Tùng lý giải.

    Cùng chung quan điểm, anh Dương Phương Thông (chủ nhà xe Chiến Thế tuyến Hà Nội – Bắc Ninh – TP.HCM) nêu ra hai yếu tố có lợi khi đề xuất của bộ Tài chính được thông qua. Thứ nhất, giảm thuế sẽ giúp giảm giá xăng, từ đó là cơ sở để nhà xe giảm giá cước.

    “Chi phí xăng dầu chiếm tới 50, 60%. Doanh nghiệp vận tải sau cơn bão COVID-19 rồi lại tới giá xăng nên rất khó tồn tại. Khi giá xăng ở đỉnh cao, chúng tôi phải chấp nhận chạy không công chứ không có cách nào bởi giá dịch vụ đã tăng đến mức kịch trần, tăng nữa khách hàng sẽ tìm đôí tác vận chuyện khác”, anh Thông cho biết.

    Thứ hai, theo anh Thông khi giá xăng được bình ổn thì doanh nghiệp sẽ có cơ sở để điều chỉnh giá dịch vụ, như vậy khách hàng cũng được hưởng lợi. “Nói như vậy để thấy đây là một đề xuất vừa đúng, vừa trúng từ Chính phủ và tôi cho rằng cần thông qua càng nhanh càng tốt”, chủ nhà xe Chiến Thế nhận định.

    gia xang dau tang
    Ảnh minh họa.

    Dưới góc nhìn của người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền rất trân trọng những động thái từ Chính phủ và các bộ, ngành trong việc ban hành chính sách để bình ổn giá xăng dầu.

    "Nếu được thông qua thì đề xuất của bộ Tài chính sẽ có tác động rất lớn trong việc giảm thiểu khó khăn cho ngành vận tải, và đồng thời góp phần tích cực vào quá trình ổn định, phát triển kinh tế", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam khẳng định.

    Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, đề xuất của bộ Tài chính được nêu ra vào thời điểm này là "hơi chậm so với nhu cầu và mong muốn của ngành vận tải. "Nếu như chủ trường này được thông qua từ giữa năm 2021 hoặc đầu năm 2022 thì nó sẽ mang lại tác động lớn hơn rất nhiều", ông Quyền nêu ý kiến.

    Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm 50% thuế GTGT với xăng, dầu của Bộ Tài chính là "rất đáng hoan nghênh".

    "Mặc dù, ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng đề xuất này không chỉ có ý nghĩa lớn mà còn thể hiện sự đồng hành, sẻ chia thiết thực của Nhà nước đối với khó khăn của doanh nghiệp và người dân và giúp kiềm chế lạm phát. Rõ ràng, nếu giá xăng dầu tăng quá cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế, người dân sẽ tạo lập mặt bằng giá mới, áp lực tăng giá chi phí đẩy, nguy cơ lạm phát cao", TS Lê Đăng Doanh nói.

    Chính vì vậy, theo TS Lê Đăng Doanh, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

    "Việc giảm thuế suất bất cứ sắc thuế nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu. Song, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, cần đánh giá tổng thể thiệt - hơn giữa việc giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân rộng hơn là cả nền kinh tế, với việc giữ thuế suất cao khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận, không đóng góp được trở lại vào ngân sách", TS Lê Đăng Doanh phân tích. 

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-giam-50-thue-tieu-thu-dac-biet-vat-voi-xang-dau-hiep-hoi-va-doanh-nghiep-van-tai-cung-dong-tinh-a552121.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan