Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng nhựa đường Polyme hoặc bổ sung các phụ gia chống hằn lún để sửa chữa hằn lún vệt bánh xe tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
VEC đề xuất dùng nhựa polyme hoặc bổ sung các phụ gia để xử lý hằn lún đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Ảnh: VEC) |
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã được đưa vào thông xe khai thác đoạn đầu tiên vào cuối tháng 12/2013 và đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 21/9/2014.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác mặt đường bắt đầu xuất hiện một số vị trí hằn lún vệt bánh xe, lún cục bộ tại đầu cầu và lún võng tại các đoạn đang chờ lún. VEC cũng đã thường xuyên sửa chữa hằn lún vệt bánh xe và bù lún mặt đường nhằm đảm bảo êm thuận và tuyệt đối an toàn giao thông.
Chỉ ra nguyên nhân khiến tuyến đường này lún, theo báo cáo của VEC, từ tháng 6/2015 đến nay, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe tiếp tục xuất hiện do thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài, kết hợp với nhiều đoàn xe có tải trọng lớn lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai để vận chuyền hàng hóa tới cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã tác động xấu tới mặt đường cao tốc, làm gia tăng hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra nhiều vào tháng 8/2015-đây là thời điểm nắng nóng và nhiều xe container chở hàng về cửa khẩu (1 ngày hơn 1.500 xe).
“Phạm vi hằn lún vệt bánh xe tập trung nhiều ở các gói thầu từ A4 đến A 6 (thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ và Yên Bái), đây là đoạn tuyến có địa hình đồi núi với nhiều đoạn đường có độ dốc dọc lớn, nhiều đoạn đồi dốc và có nhiều đường cong nằm, đặc biệt các đoạn này mặt đường chỉ có 2 làn xe chạy (1 chiều đi và 1 chiều về),” ông Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc VEC nhìn nhận.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, VEC đã rà soát toàn bộ tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, thống kê các vị trí bị lún và hằn lún vệt bánh xe và đã yêu cầu nhà thầu bù lún hoặc sửa chữa hằn lún đối với đoạn có chiều sâu hằn lún lớn hơn 2,5cm, riêng đối với các vị trí bị hằn lún nhỏ hơn 2,5cm được đưa và diện theo dõi.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Hào, các đoạn bị hằn lún có chiều sâu nhỏ hơn 2,5cm nằm trong diện theo dõi đến nay đã có chiều sâu lớn hơn 2,5cm và cần thiết phải sửa chữa. Tính đến nay tổng diện tích các vị trí bị hằn lún lớn hơn 2,5cm là 75.660m2, VEC đã sửa chữa xong 25.350m2, còn lại cần phải sửa chữa 50.315m2.
Để đảm bảo xử lý triệt để hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, VEC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng nhựa đường Polyme thay thế nhựa đường 60/70 hoặc bổ sung các phụ gia chống hằn lún vào cấp phối bê tông nhựa 60/70 cho các đoạn sửa chữa hằn lún.
Ước tính, nếu sửa chữa áp dụng nhựa Polyme thì kinh phí tăng lên khoảng 30\%, do đó VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép đơn vị được tính toán bổ sung kinh phí cho nhà thầu khi áp dụng nhựa đường Polyme thay thế nhựa 60/70 hoặc bổ sung các phụ gia chống hằn lún vào cấp phối bê tông nhựa 60/70 để sửa chữa hằn lún thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu.
Do sử dụng nhựa đường đặc thù (nhựa đường polyme hoặc nhựa đường có phụ gia) nên các đơn vị thi công có kinh nghiệm không nhiều, vì vậy, VEC kiến nghị được phép chỉ định nhà thầu thi công sửa chữa trên nguyên tắc nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đã thi công bê tông nhựa đạt chất lượng.
Phía VEC cũng xin kéo dài thời hạn hoàn thành sửa chữa hằn lún vệt bánh xe sau ngày 30/9/2015 để nhà thầu có thời gian nhập khẩu nhựa đường polyme hoặc các phụ gia chống hằn lún bê tông nhựa. Mặt khác, cũng dự phòng thời gian tiếp tục sửa chữa các vị trí hằn lún dưới 2,5cm đang trong diện theo dõi sẽ bị lún vượt ngưỡng 2,5cm./.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ xử lý lún mặt đường trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
“VEC khẩn trương sửa chữa các vị trí lún mặt đường còn lại trước ngày 30/9. Nếu đến thời hạn trên mà VEC vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa, yêu cầu dừng thu phí tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai cho đến khi sửa chữa, khắc phục xong, đảm bảo an toàn giao thông mới được thu phí,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, công tác thi công xử lý, sửa chữa mặt đường của VEC vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, các điểm bị lún mặt đường mới chỉ sửa chữa xong 11/22 vị trí.
Ngoài các đoạn theo dõi quan trắc lún, mặt đường từ Km120+00-Km180+00 đã xuất hiện nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe, độ sâu hằn lún lớn hơn 2,5 cm.
Theo TTXVN
Xem thêm video:
[mecloud]OCr5WLNaOq[/mecloud]