Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và một số quy định liên quan, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở VH&TT phối hợp Liên đoàn Lân Sư Rồng Thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP.HCM.
UBND TP.HCM kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Lân Sư Rồng Thành phố Hồ Chí Minh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo báo Pháp luật TP.HCM.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM.
Bên cạnh các yếu tố nghệ thuật, múa Lân Sư Rồng còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa. Đây là một loại hình nghệ thuật múa dân gian đường phố, bắt nguồn từ Trung Quốc, có nguồn gốc từ truyền thuyết và tín ngưỡng tâm linh.
Ba linh vật Lân, Sư, Rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày khai trương, động thổ,...
Múa Lân Sư Rồng truyền tải thông điệp về sự may mắn và sự bảo hộ. Múa Lân Sư Rồng không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội Lân Sư Rồng biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp.
Có thể phối hợp múa Lân với Sư, múa Lân với Rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau.