Đề xuất người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề trong dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Cụ thể, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ này phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.
Lái xe muốn hành nghề kiếm sống sẽ phải “thông qua hai Bộ”?
Ngoài giấy phép lái xe (bằng lái xe), người lái xe ô tô kinh doanh vận tải buộc phải có chứng chỉ hành nghề do bộ Giao thông Vận tải cấp. Đó là một trong nội dung mới tại dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa trình bày ra Quốc hội mới đây.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 61 của dự thảo luật có quy định: “Người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô KDVT”.
Nhiều ý kiến đã lo ngại rằng quy định này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho hoạt động kinh doanh vận tải. Việc thi chứng chỉ là bắt buộc và là điều kiện để các cá nhân được tham dự kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Theo bộ GTVT, dự thảo quy định mới nhằm nâng cao giám sát năng lực người lái xe, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. |
Còn theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, GPLX là một loại giấy phép/chứng chỉ mà người điều khiển các phương tiện giao thông được cấp bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nghĩa là người có GPLX là được phép vận hành các loại xe máy, xe ô tô, xe tải, xe khách… tham gia giao thông công cộng. Muốn có GPLX, người học phải đăng ký các thủ tục thi GPLX, học thi GPLX/thi sát hạch lái xe để được chứng nhận về khả năng lái xe theo quy định.
Nếu dự thảo quy định được thông qua, các lái xe muốn hoạt động kinh doanh phải bổ sung chứng chỉ hành nghề. |
Lo ngại tốn kém vì “giấy phép con”
Trước đề xuất này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều bày tỏ không đồng tính do e ngại tốn kém về thời gian, tiền bạc cho người lái xe và đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính. Nếu yêu cầu thêm chứng chỉ hành nghề lái xe sẽ là “chướng ngại vật” đối với cả tài xế và cả các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo quy định hiện hành (Thông tư 12/2020 của bộ GTVT), đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đều thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ vận tải.Nếu đạt bài kiểm tra sẽ được cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ. Chứng nhận này do các hiệp hội vận tải hoặc các doanh nghiệp, hợp tác xã lớn có điều kiện tố chức (giấy chứng nhận có thời hạn 3 năm). Cho nên, quy định thêm chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải là lãng phí.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Đã có quy định người lái xe kinh doanh vận tải phải được tập huấn định kỳ. Mục đích nhằm giúp đội ngũ lái xe cập nhật các quy định mới, các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại. Điều này phù hợp và đã đi vào cuộc sống của các tài xế cũng như các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã”.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng dự thảo quy định mới sẽ gây phiền hà cho việc kinh doanh vận tải. |
Hơn nữa, việc phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải chỉ là tương đối. Nếu thực hiện quy định như đề xuất, tức là tách điều kiện kinh doanh của các doanh nghiêp, cá nhân người hoạt động vận tải (đội ngũ lái xe đông đảo hiện nay) thành 2 loại chứng chỉ. Đương nhiên sẽ gây tốn kém, phiền phức cho các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị giữ nguyên các quy định liên quan đến như hiện hành.
Trước đó, trong văn bản góp ý gửi bộ GTVT, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, chứng chỉ hành nghề lái xe là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc.Thực tế, để được cấp GPLX, lái xe đã phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại GPLX, đào tạo để nâng hạng GPLX) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.
Bên cạnh đó, mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” nhằm đảm bảo lái xe có đủ kỹ năng lái xe an toàn, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng hành khách và an toàn hàng hóa. Song, mục tiêu này trùng với vai trò của GPLX, là lái xe phải đặt đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, GPLX đã bao gồm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Do vậy, việc yêu cầu lái xe vận tải đã có GPLX phải có thêm “chứng chỉ hành nghề lái xe” là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và doanh nghiệp, khi phải trải qua 2 lần đào tạo, 2 lần cấp giấy phép.
"Hiện nay, việc tuyển dụng lái xe kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả việc tìm một người có giấy phép lái xe đủ điều kiện hoạt động đã là một vấn đề nan giải. Minh chứng cho vấn đề này là việc tuyển dụng tài xế ở các doanh nghiệp, hợp tác xã phải dán công khai trên xe khi lưu thông trên đường". Th.S Lê Trung Tính, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM. |
Cái lý của bộ GTVT
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Đường bộ (bộ GTVT) lại đưa ra lập luận khác. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện chỉ ra, kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện, nhất là điều kiện về phương tiện và người lái nên sẽ phải có giấy phép hành nghề.
Thay vì chỉ cần có GPLX hạng B2 trở lên mặc nhiên được lái xe kinh doanh vận tải, quy định mới yêu cầu lái xe học chuyên sâu và được cấp chứng chỉ hành nghề để phân biệt với lái xe không kinh doanh vận tải.Trên GPLX sẽ tích hợp nội dung đã trải qua khóa học về kinh doanh vận tải. Với cách này sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người dân.
“Luật mới cho phép học tất cả các hạng lái xe, khi nào người học muốn lái xe kinh doanh vận tải sẽ được học chương trình riêng và được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải chỉ tước chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải mà không ảnh hưởng đến GPLX, vẫn được lái xe cá nhân. Nghĩa là chỉ xử lý vi phạm kề kinh doanh vận tải, không xử lý về kỹ năng lái xe. Đây là quy định cần thiết, nhiều nước trên thế giới cũng quản lý theo hình thức này để đảm bảo an toàn giao thông”, ông Huyện cho biết.
Muốn có giấy phép kinh doanh vận tải, lái xe phải học các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh vận tải, nghiệp vụ vận tải, quy trình đảm bảo an toàn giao thông. Các nội dung này không chỉ doanh nghiệp thực hiện mà nó còn gắn chặt với người điều khiển phương tiện. Giấy chứng chỉ hành nghề sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp, cùng với cơ sở dữ liệu quản lý người lái sẽ theo dõi được suốt vòng đời của người lái xe.
Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, quy định hiện nay đối với lái xe kinh doanh vận tải là chỉ cần bằng lái từ hạng B2 trở lên và được tập huấn vận tải. Thực tế đã bộc lộ lỗ hổng là mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp mà chưa có giấy phép hành nghề cho lái xe.Để lấp lỗ hổng đó, cần tăng cường quản lý bằng việc cấp giấy phép hành nghề để phân biệt rõ lái xe cá nhân và lái xe kinh doanh vận tải.
Điều kiện về bằng lái chỉ là yếu tố kỹ thuật, khi có chứng chỉ sẽ bỏ được khâu tập huấn cho lái xe về nghiệp vụ kinh doanh vận tải như hiện nay. Đơn vị cấp giấy phép kinh doanh vận tải sẽ cấp chứng chỉ hành nghề của lái xe.Nội dung nghiệp vụ vận tải trong chương trình đào tạo lái xe và tập huấn kinh doanh vận tải được chuyển vào trong dự thảo Luật quy định thành chứng chỉ hành nghề để nâng tầm của quy định. Chứng chỉ hành nghề này có sự quản lý của nhà nước chứ không phải tự các doanh nghiệp cấp như hiện nay.
“Doanh nghiệp tuyển dụng lái xe kinh doanh có GPLX hạng B2 trở lên, còn lịch sử lái xe không nắm được. Khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải sẽ có giải pháp kỹ thuật tích hợp, không làm phát sinh thủ tục, không gây tốn kém chi phí cho người dân. Cùng với hệ thống dữ liệu quản lý lái xe sẽ tránh được tình trạng lái xe vi phạm ở doanh nghiệp này bị đuổi việc vẫn làm việc ở doanh nghiệp khác”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ tư (177)