Đại diện WHO tại Việt Nam dẫn một nghiên cứu tổng hợp cho thấy, người trẻ tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ sau đó dùng thuốc lá thông thường và thành nghiện tăng gần gấp 3,6 lần.
Ngày 5/3, tại Hà Nội, bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến liên quan đến chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Theo thống kê, xu thế sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh ở giới trẻ trong vài năm tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, thuốc lá thế hệ mới phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam với 2 dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Thuốc lá điện tử là thiết bị dùng pin để làm nóng dung dịch (tinh dầu) có hoặc không có nicotine và hương liệu. Thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị điện tử và sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra sol khí chứa nicotine với hương vị thuốc lá cho người sử dụng hít vào.
"Các sản phẩm này đều chứa nicotine, gây hại và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá. Một nghiên cứu tổng hợp cho thấy người trẻ tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ sau đó dùng thuốc lá thông thường và thành nghiện tăng gần gấp 3,6 lần"- bác sĩ Lâm nói.
Đề xuất cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Ảnh: WTVA |
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam chưa có cơ chế góp ý để kiểm soát các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.
Các hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá thế hệ mới trên thị trường là chưa được phép của Chính phủ Việt Nam.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với bộ Y tế trong việc xem xét các loại thuốc lá thế hệ mới này gây ảnh hưởng, tác hại thế nào đến sức khỏe, tính mạng của người dân để tham mưu các chính sách quản lý.
Một loạt vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam cần được xem xét, như thuốc lá thế hệ mới có quan hệ thế nào với sức khỏe và y tế; việc quản lý thuốc lá thế hệ mới thế nào để không ảnh hưởng đến vấn đề thu thuế. Ngoài ra, cần định dạng vấn đề: Các loại thuốc lá tác động đến sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường, phòng tránh cháy nổ...
Theo phân tích của Th.s Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, với mục tiêu thu hút khách hàng, các công ty thuốc lá đã sử dụng rất nhiều các khác nhau để quảng cáo sản phẩm của mình, như: Cửa hàng bán lẻ; Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter…; Sự kiện thể thao; sử dụng thanh thiếu niên tiếp thị sản phẩm; sử dụng người nổi tiếng và có ảnh hưởng; và tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ bằng cách sử dụng các thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đa dạng màu sắc…
Việc cho ra thị trường sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng với hương vị, đi kèm là các cách thức quảng cáo đa dạng đã làm cho tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và nung nóng trên thế giới gia tăng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên.
Điển hình, ở Mỹ đã xảy ra ‘nạn dịch’ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên. Từ năm 2011 đến 2018, số lượng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Mỹ đã tăng từ 1,5% lên mức báo động là 27,5%. Từ năm 2017 đến 2018, việc sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng 135% ở học sinh THPT.
Năm 2018, khoảng một phần ba số người sử dụng thuốc lá điện tử ở Mỹ là thanh thiếu niên. Tại châu Âu, 1,5% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên năm 2014 và tăng lên 1,8% vào năm 2017. Điều này có nghĩa là 63 triệu người châu Âu từ 15 tuổi trở lên đã sử dụng thuốc lá điện tử và 7,6 triệu người sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên năm 2017.
Ở Việt Nam, số liệu gần đây nhất về tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 1,1% và chiếm 0,2% số người hiện đang sử dụng thuốc lá truyền thống.
Thực tế cho thấy sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ.
Do đó, Ths. Lê Thị Thu cho rằng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, không để các sản phẩm chưa được phép lưu hành bán tự do trên thị trường. Đồng thời, cần xem xét cấm bán, sản xuất, quảng cáo các sản phẩm này ở Việt Nam.
Vũ Đậu (T/h)