Theo đó, Dự thảo chiến lược đặt ra mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp, gồm cấp tổng cục, vùng và chi cục nhằm tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổ chức hoạt động mỗi Hải quan vùng chỉ 1 địa chỉ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hoá, giám sát sản xuất và gia công hàng hoá của doanh nghiệp do chi cục hải quan cửa khẩu, hoặc chi cục hải quan địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện…
Kiện toàn bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đấu mối thực hiện thay vì kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá do các bộ quản lý ngành thực hiện như hiện nay.
Theo đánh giá của bộ Tài chính, hiện tổ chức bộ máy hải quan theo 3 cấp, bố trí đều khắp các tỉnh, TP, bên dưới Tổng cục Hải quan là 33 Cục Hải quan cấp tỉnh, thành phố.
Cách tổ chức này đã bộc lộ 1 số hạn chế, tồn tại về bố trí nhân lực. Bên cạnh đó, do tính chất quản lý hành chính, nhiều cục hải quan bị ảnh hưởng và điều chỉnh về chính sách quản lý, mục tiêu của tỉnh, TP nơi có trụ sở dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, điều hành thống nhất từ tổng cục.
Một số chức năng, nhiệm vụ chống lấn giữa cục và tổng cục, cục và chi cục, còn một số bộ phận trung gian, chưa sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả khi thực hiện hải quan điện tử; các hoạt động nghiệp vụ trong thông quan do nhiều đơn vị vụ, cục quản lý dẫn đến phát sinh yêu cầu quản lý trong quá trình thông quan.
Bạch Hiền (t/h)