Để vật che khuất biển báo giao thông bị phạt bao nhiêu?
Khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Như vậy, biển báo hiệu là một trong phần của hệ thống báo hiệu đường bộ, đây là những biển hiệu có chứa các thông tin chỉ dẫn liên quan đến phương tiện tham gia giao thông. Việc tuân thủ chỉ dẫn của các biển báo giao thông được lắp đặt trên đường sẽ giúp người điều khiển phương tiện di chuyển an toàn, tránh bị xử phạt vi phạm giao thông.
Theo Khoản Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì để vật che khuất biển báo giao thông sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông.
Phân loại 5 loại biển báo giao thông hiện nay
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hiện nay được chia thành 5 nhóm cơ bản sau:
1. Biển báo cấm: Nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
2. Biển hiệu lệnh: Nhóm biển dùng để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt) nếu không sẽ bị phạt.
3. Biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Nhóm biển báo hiệu cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời.
4. Biển chỉ dẫn: Nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông
5. Biển phụ, biển viết bằng chữ: Nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh, biển báo nguy hiểm và cảnh báo, biển báo chỉ dẫn hoặc được sử dụng độc lập.