+Aa-
    Zalo

    Đề nghị truy tố trùm buôn lậu xăng dầu Sơn "sắt"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau gần một năm tích cực xác minh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn “sắt”) cùng đồng bọn buôn lậu

    Sau gần một năm tích cực xác minh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn “sắt”) cùng đồng bọn buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Thanh Hóa và một số địa phương khác.

    Hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào những ngày đầu tháng 1/2015, đề nghị truy tố 4 bị can về tội buôn lậu.

    Các bị can này gồm: Nguyễn Trường Sơn (61 tuổi, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Phương (55 tuổi, ở tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa), Hoàng Kiếm Bình (48 tuổi, trú tại thị xã Sầm Sơn) và Nguyễn Văn Tha (47 tuổi, ở tại xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

    Công ty TNHH Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) được thành lập vào năm 1995, do Nguyễn Thanh Phương làm Giám đốc, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực ngành, nghề, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Ngày 8/8/2012, Phương bị cơ quan CSĐT, Bộ Công an bắt, khởi tố tạm giam về hành vi buôn lậu xăng, dầu.

    Ngày 6/11/2012, Phương được thay thế biện pháp ngăn chặn, từ tạm giam sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Do bị khởi tố bị can, điều tra về tội buôn lậu, Phương đã ủy quyền cho Sơn làm Giám đốc Công ty Hoàng Sơn từ tháng 5/2013.

    Để thực hiện hành vi phạm tội, cũng trong thời gian này, vợ chồng Sơn, Phương thành lập Công ty An Bình và thuê Bình làm Giám đốc. Toàn bộ cơ sở vật chất của Công ty Hoàng Sơn sau đó được chuyển sang Công ty An Bình, trong đó có kho Nam Ngạn và 5 tàu chở dầu. Đây chỉ là thủ đoạn của vợ chồng Sơn, Phương nhằm che giấu hành vi buôn lậu, vì mọi hoạt động của Công ty An Bình và Hoàng Sơn đều do vợ chồng Sơn, Phương chỉ đạo và điều hành…

    Thông qua hoạt động kinh doanh vận tải biển, khoảng giữa năm 2012, vợ chồng Sơn quen biết đối tượng người Trung Quốc tên là A Lý (không rõ lai lịch). A Lý giới thiệu với vợ chồng Sơn, Phương có nguồn dầu diesel (DO) ở nước ngoài…

    Từ tháng 11/2013, A Lý và Sơn đã thống nhất với nhau về cách thức buôn lậu dầu: Theo đó, sau khi thống nhất số lượng, chủng loại và giá cả, Sơn sẽ đặt cọc trước cho A Lý khoảng 50\% giá trị lô hàng theo số tài khoản do A Lý cung cấp. Khi nhận được tiền đặt cọc, A Lý sẽ thông báo cho Sơn thời gian, địa điểm (tọa độ) tàu giao hàng. Sau khi nhận hàng, Sơn sẽ trả nốt số tiền còn lại. Căn cứ theo lượng dầu sẽ nhận, Sơn yêu cầu Bình chuẩn bị và điều các tàu đi nhận dầu đưa về kho Nam Ngạn. Để đối phó với các cơ quan chức năng, khi vận chuyển dầu vào bờ, các đối tượng sẽ chuẩn bị sẵn phiếu xuất kho và lệnh điều động tàu để hợp pháp nguồn gốc dầu.

    Chuyến buôn lậu dầu đầu tiên trót lọt vào ngày 6/12/2013, Sơn đã thu lời 220 triệu đồng. Trong phi vụ này, Sơn thống nhất mua của A Lý 1.600m³ dầu DO, với giá 19 nghìn đồng/lít, với khối lượng này thì tổng số tiền phải chi trả là 18,2 tỷ đồng… Dưới sự chỉ đạo của Sơn và Bình, Tha cùng 8 thủy thủ đã đưa tàu An Bình 126 ra biển nhận hàng.

    Trong khi các tàu chở dầu của Công ty An Bình đưa số dầu trên về kho Nam Ngạn, Phương đã chỉ đạo Lê Thị Khuyên gọi điện thoại cho khách đến nhận dầu. Đồng thời, Sơn yêu cầu Dương Văn Dũng kiểm tra số lượng và chất lượng dầu nhập về kho để xuất bán cho khách hàng có hợp đồng đại lý bao tiêu xăng dầu với Công ty Hoàng Sơn, Công ty An Bình…

    Hồi 4h ngày 17/12/2013, tại vùng biển thuộc Hoằng Thanh, tổ công tác liên ngành gồm cơ quan ANĐT, Cục An ninh kinh tế tổng hợp và Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã phối hợp, bắt quả tang hai tàu của Công ty An Bình là tàu chở dầu An Bình 126, do Tha làm thuyền trưởng, đang nối ống để bơm dầu sang tàu An Bình 01 do Dương Xuân Hùng làm thuyền trưởng. Trên hai tàu chứa 1.640m³, 648m³ dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cơ quan ANĐT đã tạm giữ toàn bộ 12 thủy thủ và phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Xét thấy hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội buôn lậu, cùng ngày, cơ quan ANĐT đã ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với 5 đối tượng gồm Sơn, Phương, Châu, Dũng và Bình. Quá trình điều tra, cơ quan ANĐT đã có căn cứ làm rõ và khởi tố bị can đối với Sơn, Phương, Tha, Bình về tội buôn lậu. Đối với Nguyễn Ngọc Châu, cơ quan ANĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Châu và đưa vào danh sách nhân chứng bắt buộc trước Tòa.

    Cơ quan ANĐT làm rõ: Chuyến buôn lậu bị bắt quả tang, Sơn đã thống nhất với A Lý mua 3.200 m³ dầu DO. Theo yêu cầu của Sơn, Phương đã chuyển cho A Lý 32,2 tỷ đồng đặt cọc qua 3 chứng từ chuyển tiền và 1 ủy nhiệm chi từ tài khoản của Châu đến tài khoản do A Lý cung cấp… Để che đậy hành vi phạm tội, Sơn yêu cầu Bình chuẩn bị tàu, kho bãi, thông báo tọa độ và thời gian để Tha nhận dầu.

    Do dung tích của tàu An Bình 126 hơn 1.600m³ nên trước khi nhận hàng, Bình yêu cầu kế toán Công ty An Bình viết và đưa cho Tha phiếu xuất kho với khối lượng là 1.600m³ và một lệnh điều động của Công ty An Bình để hợp thức hóa số dầu sẽ nhận… Đồng thời, Bình thông qua quản lý kho Nam Ngạn là Dương Văn Dũng, yêu cầu Châu cấp dầu cho các tàu An Bình 01; An Bình 06; An Bình 39; An Bình 45; An Bình 56 và tàu TH 0368 ra chuyển tải khi tàu An Bình 126 nhận được dầu từ ngoài biển về vụng Hoằng Thanh để đưa về kho Nam Ngạn.

    Khoảng 19h ngày 16/12/2013, Tha cùng 8 thủy thủ đưa tàu An Bình 126 nhận dầu. Sau khi nhận dầu, Tha chỉ đạo thủy thủ tàu An Bình 126 ký xác nhận dầu DO với khối lượng 1.800m3 rồi đưa tàu An Bình 126 về vùng biển Hoằng Thanh, bơm dầu sang tàu An Bình 01 thì bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và bắt giữ. Giá trị lô hàng được Hội đồng định giá tỉnh Quảng Ninh xác định hơn 31 tỷ đồng.

    Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an kết luận, đây là vụ buôn lậu đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng phạm tội có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng, từng giai đoạn.
    Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng như giao nhận hàng vào ban đêm, lựa chọn các thời điểm thời tiết xấu; chuẩn bị hồ sơ nội bộ gồm lệnh điều động, phiếu xuất kho để xuất trình nếu các cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển và hợp pháp hóa số dầu lậu khi tiêu thụ… Hành vi của các bị can đã xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước trên lĩnh vực quản lý kinh tế, nhập khẩu xăng dầu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-nghi-truy-to-trum-buon-lau-xang-dau-son-sat-a79108.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan