Liên quan đến sai phạm của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, ĐBQH cho rằng cần phải làm sáng tỏ nguồn gốc tài sản của gia đình ông Quý, đồng thời xử lý nghiêm để làm gương.
Ngày 23/10, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc quản lý xây dựng khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái .
Theo kết luận thanh tra, năm 2016, khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, ông Quý đã kê khai thiếu hơn 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai một nhà diện tích xây dựng 600 m2 tại tổ 51 phường Minh Tân (đang xây dựng); không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.
Ông Phạm Sỹ Quý được xác định đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai; vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Nghị định số 78 về minh bạch tài sản, thu nhập; gây nghi ngờ về tài sản của gia đình, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước...
“Những vi phạm trên của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh”, Thanh tra Chính phủ đánh giá.
Biệt thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Dân Trí |
Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái về vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập; vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng với vai trò của người đứng đầu Sở này.
Cần làm sáng tỏ nguồn gốc tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Trần Ngọc Vinh cho rằng, với những sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý và bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) chúng ta phải căn cứ vào quy định của pháp luật phải xử lý. Bất kể người đó là ai. Các vi phạm của gia đình bà Huệ về hành vi xây dựng sai phép, không phép trên khu đất của gia đình tại tổ 42, phường Minh Tân, TP Yên Bái phải được xử lý theo quy định pháp luật.
“Thời gian vừa qua, chúng ta đã xử lý một loạt cán bộ rồi. Trong đó, có cả những cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Bí thư. Chính vì thế, tôi cho rằng không có vùng cấm nào trong việc xử lý sai phạm của cán bộ.
Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái lại không trung thực. Điều đó chứng tỏ phẩm chất đạo đức không đủ. Điều đầu tiên ông Quý phải làm được là trung thực nhưng ông này đã không thực hiện. Tôi cho rằng ngay việc gian dối là đã có cơ sở để xử lý ông Quý. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để làm gương mang tính chất răn đe với tất cả cán bộ. Đây là việc cần phải làm”, ông Trần Ngọc Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, dư luận đặc biệt quan tâm đến khối lượng tài sản bất động sản rất lớn của gia đình ông Quý. Vì vậy cần phải làm sáng tỏ nguồn gốc của số tài sản này.
"Tôi cho rằng cần phải làm sáng tỏ là nguồn gốc tài sản của gia đình Giám đốc sở TN&MT tỉnh Yên Bái do đâu mà có. Cơ quan chức năng tiếp tục phải điều tra vấn đề này.
Và cần làm rõ, ông Quý có dùng uy tín của người khác hay bản thân để che chắn mà có lượng tài sản lớn như vậy”, ông Vinh bày tỏ quan điểm.
Phải xử lý nghiêm để làm gương
Trao đổi với PV báo VOV, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc kê khai không trung thực thì đầu tiên xem xét hình thức kỷ luật, sau đó có thể có bước tiếp theo để xác minh tài sản không kê khai. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác thì căn cứ quy định để xử lý, nhất là liên quan Luật Phòng chống tham nhũng, thậm chí nếu vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc theo đúng quy định. Từ đó, tùy mức độ có hình thức xử lý tương xứng.
Ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: VnExpress |
Ông Phạm Sỹ Quý là Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường nhưng kết luận thanh tra cho thấy những vi phạm liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ông này phụ trách. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh, đối với bất cứ ai vi phạm đều phải bị xử lý và với người đứng đầu càng phải xử lý nghiêm để làm gương.
“Đó cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, nhất là với những vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, vi phạm quy định của Đảng” – vị đại biểu này nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng : "Giả dụ như đó không phải là quan chức thì có làm được không? Đây chính là những bằng chứng rõ nhất để thấy lỗ hổng của luật pháp, và chúng ta phải xử lý đến cùng”.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, cơ quan chức năng phải tìm ra tất cả kẽ hở và người dân sẽ soi vào đó để củng cố lòng tin.
Cấp trên quản lý ông Quý không thể vô can, phải chịu trách nhiệm
Trả lời quan điểm về những sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, Ủy biên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản cảu cán bộ, công chức bao giờ cũng phải được các cơ quan quản lý cán bộ xem xét, kiểm tra. Nếu để tình trạng kê khai không trung thực thì cấp trên, người quản lý ông Phạm Sỹ Quý phải có trách nhiệm cũng như việc để những sai phạm của các tập thể, các nhân có liên quan trong kết luận thanh tra.
"Qua thực tế này cho thấy, việc kê khai tài sản hiện nay đang hình thức. Do đó cần phải có cách kiểm tra, tổ chức giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, nhất là việc phải thường xuyên theo dõi, quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện những biểu hiện thiếu trung thực, bất thường trong việc này.
Đây là một sự việc đang được dư luận quan tâm cả về phương pháp tiến hành cũng như thái độ và biệp pháp xử lý. Tôi thấy cần phải xem xét đúng mức trách nhiệm cũng như mức độ vi phạm của từng tập thể và cá nhân và xử lý nghiêm minh, kịp thời", ông Hiền nêu quan điểm.
Trước nhận định ông Phạm Sỹ Quý có chị gái là lãnh đạo tỉnh khiến dư luận nghi ngại đến việc có tình thân nên bỏ lọt sai phạm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, trong vụ việc này, chúng ta phải căn cứ vào kết luận thanh tra để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Nhưng dư luận có quyền đặt vấn đề, nếu không phải ông Qúy mà là cá nhân khác thì việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng có dễ làm như vậy không?
Hoàng Yên