“Người dưng cũng móc ngoặc, thông đồng đấu giá được mà”
Báo Thanh niên đưa tin, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Đấu giá tài sản sửa đổi.
Dự thảo luật đề xuất một trong những trường hợp không được tham gia đấu giá cùng một tài sản gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trên nhằm tăng cường tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của người tham gia đấu giá khi đăng ký tham gia đấu giá. Trường hợp vi phạm hành vi bị cấm, dẫn đến việc đấu giá không được khách quan, minh bạch, sai lệch kết quả thì có cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài hủy kết quả đấu giá.
Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị bỏ quy định cấm người trong gia đình không được đăng ký tham gia đấu giá. Bởi lẽ, tình trạng thông đồng, dìm giá chủ yếu xảy ra ở việc móc nối với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá khác để trục lợi. Việc xác minh, xác định quan hệ huyết thống, quan hệ thân thích của những người tham gia đấu giá là rất khó thực hiện trên thực tế và chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang, ủng hộ việc cấm công ty mẹ, công ty con tham gia đấu giá cùng một tài sản, vì điều này phù hợp với quy định của luật Doanh nghiệp và các văn bản có liên quan. Quy định như dự thảo sẽ giúp hạn chế, triệt tiêu câu chuyện thông đồng, dìm giá, quân xanh, quân đỏ trong đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, với trường hợp cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc anh chị em ruột, đại biểu Tuấn cho rằng cần cân nhắc. Theo ông, nếu cấm những đối tượng này tham gia đấu giá cùng một tài sản sẽ là không phù hợp về cả mặt pháp lý và thực tế.
Ông Tuấn dẫn chứng điều 32 Hiến pháp, điều 158 bộ luật Dân sự, điều 43 luật Hôn nhân và gia đình, cho thấy mọi công dân nói chung và cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột nói riêng đều có quyền sở hữu tài sản riêng, nhất là khi họ đã có gia đình riêng, thu nhập riêng.
Vị đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng, nếu quy định không cho những người thuộc đối tượng trên tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đồng nghĩa với việc hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật có liên quan, nhất là trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất ở cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.
Đó là về mặt pháp lý, còn về mặt thực tế, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, một cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, thường bao gồm nhiều lô đất khác nhau. Nếu cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em ruột đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau, cùng với nhiều khách hàng khác không cùng huyết thống hoặc hôn nhân, thì việc này không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá, không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.
Theo báo Sài Gòn Giải phóng, cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng quy định này là không phù hợp. Theo đại biểu này, có những trường hợp cha, mẹ, con cái, anh chị em trong một gia đình quyết tâm hùn tiền đấu giá để mua, giữ lại một tài sản nào đó mà luật không cho phép là ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Cần quy định cụ thể việc đấu giá tài sản đặc thù
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Đại biểu đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản, cụ thể là hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.
Cũng về các hành vi bị nghiêm cấm, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM), dự thảo có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Đại biểu cho rằng, đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chuyển nội dung này vào các hành vi bị nghiêm cấm cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất và tránh các hành vi bị nghiêm cấm là quy định rải rác ở các điều luật khác nhau.
Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), cần quy định cụ thể việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản… Đại biểu cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cụ thể như, quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành luật. Đối với nội dung về tài sản đặc thù, Chính phủ cần có quy định chi tiết khi triển khai thi hành luật.