Trước những bất cập về xác định cơ sở để áp thuế 5% đối với xi măng xuất khẩu đang gây nhiều tranh cãi, Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung đề xuất, nếu việc áp thuế 5% là vì mục đích hạn chế xuất khẩu tài nguyên thì nên áp dụng cách áp thuế tương tự như thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo tính công bằng cho các ngành hàng.
Theo nội dung văn bản số 9744/TCHQ-TXNK của TCHQ thì: “Mặt hàng xi măng xuất khẩu nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, khi xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu với mức thuế suất 5%”. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung cho rằng, con số 51% nêu trên đang đi ngược lại khuyến khích đầu tư công nghệ cao, quản lý tốt, giảm chi phí nhân công và các chi phí khác; chưa kế sẽ tạo ra "kẽ hở" pháp luật khi các doanh nghiệp xuất khẩu tìm cách "xử lý linh hoạt" để chi phí tài nguyên khoáng sản cộng năng lượng thấp hơn 51% chi phí thành phẩm để không bị áp thuế 5% khi xuất khẩu mặt hàng này.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung |
Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung phân tích, chưa có cơ sở nào để xác định mức 51%.Doanh nghiệp thực hiện những cải tiến về công nghệ, nguồn nhân lực nhằm tiết kiệm chi phí dẫn đến chi phí chung sẽ giảm, tỷ lệ tài nguyên khoáng sản/giá thành sản phẩm sẽ tăng lên (>51%). Do đó, vấn đề nếu áp thuế với các mặt hàng nói chung và xi măng nói riêng có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% - đồng nghĩa với việc công ty càng cố gắng tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hoá sản xuất không những đã không được hỗ trợ, mà còn bị áp thêm thuế suất 5%. Và doanh nghiệp sản xuất bằng dây chuyền hiện đại, quản lý tốt lại bị thiệt thòi hơn so với các doanh nghiệp sản xuất bằng dây chuyền lạc hậu hơn, quản lý kém hơn.
"Vừa phải gánh thuế xuất khẩu, vừa gánh thuế GTGT, như vậy rất không công bằng đối với các ngành hàng. Mà như vậy, vô hình trung, chúng ta đang kìm hãm sự phát triển của sản xuất trong nước" - Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung nhận định.
Từ những phân tích nêu trên, ông Cung cho rằng, nếu chủ trương đánh thuế xuất khẩu 5% cho các mặt hàng có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, thì thay vì áp thuế xuất khẩu dựa vào cơ sở 51%, ông Cung kiến nghị một cách đánh thuế khác phù hợp hơn, tương tự như tính thuế thu nhập cá nhân.
"Ví dụ, thay vì 51%, chúng ta đề ra ngưỡng là 45%. Vậy nếu giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xuất khẩu vượt quá 45% (46, 47, 48...) thì bắt đầu áp thuế, quá ở mức nào thì bị áp ở mức đó. Việc đánh thuế theo phương pháp lũy tiến này - một mặt vừa đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa hạn chế được tình trạng "chạy" để chỉ số giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng nhỏ hơn 51% để "thoát" được thuế 5%" - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng phân tích.