Các quy định trong tố tụng hành chính cần hướng tới cơ chế bảo vệ người đi kiện, thường là dân và có vị thế yếu hơn so với “người” bị kiện - các cơ quan công quyền.
Đó là điểm góp ý quan trọng và được nhấn mạnh của hầu hết 27 ý kiến phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 23/6 về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Điển hình là ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) khi cho rằng, điểm khác nhau cơ bản giữa đạo luật này với Bộ luật Dân sự là sự khác nhau của các bên đương sự.
Và với đặc thù của quan hệ được điều chỉnh, các quy định của Luật Tố tụng hành chính phải thiết kế để làm sao bảo vệ người đi kiện là người yếu thế so với người bị kiện có quyền; đảm bảo công lý cho người đi kiện.
Định hướng này phải bao trùm từ thủ tục, trình tự, đến các vấn đề tố tụng khác khi bàn tới việc sửa đổi.
Thẩm phán có dám “đối đầu” với “quan” hay không là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Ông Thuyền lập luận, khi "dân kiện quan" ra tòa hành chính, thì vấn đề là phải tìm ra, hay có những cơ chế đảm bảo phán quyết của tòa án thực sự đảm bảo được tính khách quan và công lý.
Ảnh minh hoạ.
Thẩm quyền xét xử vụ án hành chính cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu khi nhiều ý kiến đồng ý với quy định tòa án cấp nào thì thụ lý hồ sơ vụ việc hành chính cấp đó.
Luồng ý kiến này cho rằng, quan trọng là thẩm phán có dám “đối đầu” với chính quyền địa phương hay không, chứ không phải vấn đề phải lên tòa cấp trên có thể gây khó khăn cho người dân.
Cũng liên quan đến việc phân định thẩm quyền giữa tòa án cấp huyện và cấp tỉnh (Điều 33, 34), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, theo quy định hiện nay các khiếu kiện hành vi vi phạm hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết.
Dự luật sửa đổi theo hướng giao quyền cho tòa án cấp tỉnh giải quyết (Khoản 4 Điều 34). Vấn đề này đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại, vì Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010 là bước tiến quan trọng cải cách tư pháp mở cửa hội nhập quốc tế.
Qua quá trình thực hiện thấy luật từng bước thể hiện sự bình đẳng của công dân với pháp luật của Nhà nước. Nếu dựa trên quan điểm cho rằng, năng lực của các cán bộ thẩm phán cấp huyện còn hạn chế, án bị hủy cao hơn,… nên đề nghị sửa Điều 29, 30 của luật hiện hành là không thuyết phục, đi ngược lại quá trình cải cách tư pháp đã được định hướng, đặc biệt là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về mở rộng thẩm quyền của tòa án cấp huyện.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tới thực trạng án hành chính bị hủy cao so với các loại án khác và yêu cầu cần có những giải pháp về cán bộ, nâng cao năng lực thẩm phán.
Tương tự, quy định về thủ tục thi hành án quyết định của tòa án (Chương 19) được đánh giá là thước đo tính nghiêm minh của bản án. Tuy nhiên, thời gian qua việc thi hành bản án, quyết định hành chính vô cùng khó.
Thực tế cho thấy, việc thi hành án hành chính chưa có luật quy định, chưa xác định trách nhiệm của cơ quan thi hành án, nên trường hợp bản án có hiệu lực mà người đứng đầu cơ quan hành chính không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án cũng không đủ can đảm để cưỡng chế thi hành.
Hiện, tại địa phương, chủ tịch UBND là trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự. Nếu UBND cùng cấp thi hành bản án thì tất yếu dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do đó, người dân dù có thắng kiện cũng khó được bảo đảm quyền lợi theo đúng bản án của tòa án đã tuyên, nên lại gửi đơn khắp nơi, gây mất lòng tin vào cán cân công lý.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính để bản án hành chính được thi hành nghiêm.
Trước mắt cần tiếp tục quy định vào luật biện pháp cụ thể việc mang tính bắt buộc, buộc thi hành bản án hành chính của tòa án, trách nhiệm của người đứng đầu, kể cả cách chức, thôi việc, hoặc xử lý hình sự nếu cố tình không thi hành án. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo Chinhphu.vn