Từng gây ra những thách thức không nhỏ cho Starbucks tại Trung Quốc, thế nhưng giờ đây, Startup Luckin Coffee đang đứng trước nguy cơ phá sản sau khi bê bối xào nấu doanh thu bị phơi bày.
Luckin Coffee là chuỗi cửa hàng cà phê được nữ doanh nhân Tiền Trị Á sáng lập vào tháng 10/2017. Ảnh: Reuters |
Theo South China Morning Post, ngày 6/4 Goldman Sachs thông báo một công ty thuộc sở hữu của gia đình Chủ tịch Luckin Coffee Lục Chính Diệu vỡ nợ 518 triệu USD. Trước đó, ông Lu và CEO Luckin Coffee Tiền Trị Á thế chấp cổ phiếu Lucking Coffee để vay nợ.
Luckin Coffee là chuỗi cửa hàng cà phê được nữ doanh nhân Tiền Trị Á sáng lập vào tháng 10/2017. Tiền Trị Á làm việc tại CAR Inc. và quen biết với Lục Chính Diệu từ năm 2004.
Thời điểm Tiền Trị Á từ chức ở CAR Inc. và có ý tưởng thành lập Luckin Coffee, ông Lục là người bỏ ra nhiều công sức nhất để hỗ trợ người bạn lâu năm. Mọi việc từ chọn địa điểm văn phòng, tổ chức chiến lược kinh doanh cho đến huy động vốn của Luckin Coffee đều có sự đóng góp của Lục Chính Diệu.
Theo lời kể từ các nhân viên gia nhập Luckin Coffee thời kỳ đầu, nơi diễn ra buổi phỏng vấn họ chính là ở văn phòng UCAR. Bà Tiền Trị Á khẳng định công lao của Lục Chính Diệu khi phát biểu rằng ông là “đạo diễn” sau sự thành công của Luckin Coffee.
Ông Lục lấy công nghệ làm trung tâm hoạt động kinh doanh của Luckin Coffee. Các cửa hàng không chấp nhận tiền mặt, thay vào đó khách hàng có thể thanh toán qua ứng dụng Luckin. Các cửa hàng Luckin Coffee thường nằm ở những khu vực gần văn phòng, trường học và đa số phục vụ nhu cầu mang đi.
Chủ tịch Luckin Coffee Lục Chính Diệu. Ảnh: Forbes |
Theo CNN, Startup Trung Quốc thu hút khách hàng với giá rẻ và ứng dụng công nghệ hiện đại - điều đang khiến Starbucks buộc phải thay đổi.
Việc Luckin mở rộng nhanh chóng và thách thức chuỗi cà phê Mỹ cho thấy các startup Trung Quốc ngày càng trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu phương Tây tại một trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Để cạnh tranh với đối thủ tại thị trường Trung Quốc, hồi tháng 8/2018, Starbucks hợp tác với hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba để triển khai dịch vụ giao hàng tại nhà. Không chịu kém cạnh, một tháng sau đó, Luckin công bố hợp tác với Tencent - một đại gia công nghệ khác của Trung Quốc.
Mặc dù nằm trong thế cạnh tranh với Starbuck, con đường và chiến lược của Luckin có nhiều điểm khác biệt. Luckin phát triển bằng việc gắn kết các xu hướng công nghệ đang phát triển tại Trung Quốc với mô hình tiệm cafe mà Starbuck đang thống lĩnh.
CEO Tiền Trị Á. Ảnh: Forbes |
Trước tiên Luckin Coffee mở mô hình bán cafe qua ứng dụng smartphone. Khách hàng có thể đặt hàng online, và có hai lựa chọn, hoặc là tự đến cửa hàng gần nhất để lấy đồ uống hoặc đặt giao tận nơi trong vòng 30 phút. Họ có thể dùng ứng dụng Wechat hoặc ví cafe của Luckin thanh toán, hoàn toàn không cần dùng đến tiền mặt.
Luckin cũng quyết liệt quảng cáo dịch vụ giao hàng. Công ty có hai phần khúc chính, một bên là các cửa hiệu cafe và một bên là các căn bếp pha chế nơi chuyên phục vụ cho các đơn hàng giao tận nơi. Hiện số căn phếp pha chế chiếm khoảng hơn 40% trong tổng số chi nhánh của Luckin... Mô hình hoạt động của Luckin tương đồng với sự bùng nổ thương mại điện tử và dịch vụ giao đồ ăn của Trung Quốc, vốn đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự ra đời của đội ngũ giao hàng giá rẻ.
Trong chiến lược marketing, Luckin cũng khác hoàn toàn với Starbuck. Thương hiệu cafe đến từ Mỹ thường tránh sử dụng các hình thức quảng cáo truyền thống, trong khi Luckin xuất hiện khắp các thành phố bằng biển hiệu cỡ lớn với hình ảnh những ngôi sao như Thang Duy hay Trương Chấn đang cầm trên tay chiếc ly với hai màu xanh, trắng theo nhận diện thương hiệu Luckin. Đây là phương pháp quảng cáo truyền thống của Trung Quốc vốn được nhiều công ty sản xuất điện thoại lớn như Oppo, Vivi, Xiaomi sử dụng.
Giá đồ uống của Luckin khá rẻ. Tại Bắc Kinh, một cốc Americano cỡ lớn hoặc một tách macha latte có giá khoảng 21 tệ (khoảng 75.000 đồng), thấp hơn so với Starbuck từ 20 đến 30%.
Từ lúc thành lập đến nay, Luckin Coffee liên tục “đốt tiền” để hiện thực hóa tham vọng trở thành chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu Trung Quốc. Nhờ khả năng huy động vốn của ông Lục, từ 12/2018 Luckin Coffee liên tiếp nhận được tài trợ với số tiền hơn 400 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn từng hợp tác với CAR Inc.
Ngày 18/4/2019, Luckin Coffee huy động số vốn lên tới 150 triệu USD từ BlackRock và một số nhà đầu tư khác.
Hồi tháng 12/2018, công ty này huy động được 200 triệu USD từ các nhà đầu tư, đưa giá trị lên hơn 2 tỷ USD
Và từ cửa hàng đầu tiên ở Bắc Kinh, tổng số cửa hàng của Luckin Coffee đã lên tới con số 2.370 trong chưa đầy 2 năm thành lập.
Được biết, mới đây, một cuộc điều tra nội bộ cho thấy các số liệu về doanh thu được "xào nấu" tương đương 40% doanh thu năm 2019 của Luckin.
Sau đó, hãng này thừa nhận Giám đốc Điều hành cấu kết với một số nhân viên để khai khống doanh số từ quý II đến IV/2019 tới gần 310 triệu USD. Cổ phiếu Luckin đã ngay lập tức lao dốc tới 75,6% vào thứ 5 xuống giá chỉ 6,4 USD/1 cổ phiếu. Vốn hóa thị trường công ty đa giảm xuống còn 1,6 tỷ USD từ mức 6,6 tỷ USD.
Một nhóm ngân hàng cho Chủ tịch Lục Chính Diệu và CEO Tiền Trị Á vay tiền đã tiến hành rao bán 76,3 triệu cổ phiếu của Lucking Coffee. Số cổ phiếu này trị giá khoảng 410 triệu USD. Như vậy, các ngân hàng cho Chủ tịch Lục và CEO Tiền Trị Á vay tiền sẽ mất trắng hơn 100 triệu USD.
Quỹ đầu tư nhà nước Singapore là GIC - một cổ đông lớn của Luckin là đơn vị chịu thiệt hại lớn nhất, mất 100 triệu USD riêng trong ngày thứ 5, tính trên lượng cổ phần mà họ nắm giữ trong bản cáo bạch công ty nộp lên vào tháng 3.
Một số nhà đầu tư khác gồm cả gã khổng lồ phố Wall BlackRock, Quỹ Point72 của Steve Cohen… cũng đang chịu chung số phận.
Vũ Đậu(T/h)