+Aa-
    Zalo

    ĐBQH “truy nợ” tư lệnh giữa nghị trường: Chế tài nào cho lời hứa?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã đi được hơn nửa chặng đường. Bốn “tư lệnh” ngành đã lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn lần này.

    (ĐSPL) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã đi được hơn nửa chặng đường. Bốn “tư lệnh” ngành đã lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn lần này.

    Sau các phiên chất vấn, trao đổi với PV báo ĐS&PL, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chia sẻ, dù chất vấn hay đến mấy, các Bộ trưởng có trả lời trôi chảy đến đâu thì quan trọng hơn cả vẫn là hậu chất vấn thế nào, các lời hứa đó được thực hiện ra sao? Đây là vấn đề mà cử tri quan tâm nhất.

    Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề được ĐBQH nêu ra từ những kỳ họp trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết căn bản như nông sản được mùa mất giá, hàng giả tràn lan, “chảy máu” trong nghiên cứu khoa học... Câu chuyện đặt ra, ai sẽ giám sát lời hứa trên và đâu là chế tài cho những lần “thất hứa”?

    Bốn Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.

    Chuyện dưa, hành và lời hứa của Bộ trưởng

    Một trong những câu chuyện “nóng” nhất trong phiên chất vấn tại nghị trường ngày qua là việc nông sản “được mùa mất giá”, ùn ứ tại cửa khẩu. Cả Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát lẫn Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đều “xoay trần” với rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

    Trước câu hỏi của các ĐBQH về tình trạng “được mùa mất giá” ngày một lan rộng ở nhiều sản phẩm nông sản, Bộ trưởng Phát cho biết, việc một số loại nông sản được mùa mất giá xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sản xuất cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ. Theo lời “tư lệnh” ngành nông nghiệp, trong 10 mặt hàng xuất khẩu nông sản năm nay có 5 mặt hàng mất giá, 5 mặt hàng được giá.

    Trong câu hỏi của mình, các ĐBQH cũng nhiều lần đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng bộ NN&PTNT trong những sự việc “nóng” kể trên. Trả lời các câu hỏi, ông Phát chỉ rõ, Chính phủ đã chỉ đạo cho bộ NN&PTNT hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với năng suất cao hơn nhưng giá thành không cao. Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát không đề cập đến trách nhiệm cá nhân trong vấn đề “được mùa mất giá”.

    Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên khi câu chuyện nông sản “được mùa mất giá” trở thành trọng tâm trong các câu hỏi chất vấn tại nghị trường. Việc tiêu thụ nông sản ế ẩm là một trong những vấn đề gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, đặc biệt là với người nông dân suốt thời gian qua. Theo các ĐBQH, dưa, hành và các loại nông sản khác vẫn đang loay hoay với bài toán “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”.

    Đặc biệt, đây không phải lần đầu tiên các Bộ trưởng “hứa” đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Từ trước đó 2 - 3 năm, câu chuyện trên đã từng làm “nóng” nghị trường nhưng, sau từng ấy thời gian, mọi chuyện dường như vẫn chưa thực sự khả quan. Có lẽ vì vậy mà việc Bộ trưởng bị “truy nợ” trước nghị trường đã không còn bất ngờ.

    Là vị “tư lệnh” ngành thứ hai “đứng mũi chịu sào” trả lời vấn đề đầy nhức nhối này, Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận một phần trách nhiệm của mình trong công tác báo cáo, cung cấp thông tin, tìm hiểu giá cả và định hướng thị trường mặc dù việc làm này được đẩy mạnh hơn trong thời gian qua.

    Theo Bộ trưởng Hoàng, riêng mặt hàng hành tím Sóc Trăng ùn ứ vừa qua do

    Indonesia
    đột ngột thay đổi chính sách, giảm sản lượng nhập khẩu. “Điều này có phần trách nhiệm của bộ Công Thương trong việc chưa kịp thời dự báo. Tuy vậy, các địa phương cũng cần xem lại quy hoạch hành tím vì thời gian tới việc xuất khẩu mặt hàng này là rất khó khăn”, vị này nói.

    ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho biết: “Cách đây 3 năm, khi sản phẩm hành tím Sóc Trăng rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, 10kg hành không đổi được tô phở, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn của tôi. Khi đó Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tích cực tìm ra cách tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng sản phẩm này.

    Vị “tư lệnh” ngành công thương còn hứa tăng cường cung cấp thông tin về tình hình thị trường, giá cả trong và ngoài nước để địa phương và bà con nông dân tham khảo, quyết định quy mô sản xuất cho phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn lặp lại, thậm chí còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Trả lời ở hội trường, Bộ trưởng cũng có nói đừng đổ lỗi cho nông dân trong chuyện dưa, hành “được mùa rớt giá”. Vậy xin hỏi ai phải chịu trách nhiệm?”.

    Việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng bộ Công Thương là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, theo ĐB Trần Khắc Tâm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có quyết tâm nhưng thiếu kiểm soát, đôn đốc, giám sát địa phương trong việc thực hiện lời hứa. Theo vị đại biểu thuộc đoàn Sóc Trăng, trách nhiệm của địa phương rất quan trọng nhưng địa phương không thực hiện thì trách nhiệm của Bộ trưởng là phải giám sát, đốc thúc, thậm chí đề nghị Thủ tướng kiểm điểm những nơi không hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu làm được điều đó sẽ không có chuyện “được mùa mất giá” đối với nông sản”, ĐBQH Tâm nhận định.

    Bao nhiêu “lời hứa” được thực hiện?

    Liên tục 3 kỳ họp Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đều lọt vào danh sách các thành viên Chính phủ lên “ghế nóng” trong nghị trường. Người đứng đầu ngành công thương cũng không ít lần cam kết sẽ giải quyết những tồn tại trong ngành mình, thế nhưng, thực tế liệu có đạt như kỳ vọng?

    Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, buôn lậu, quản lý giá cả một số mặt hàng thiết yếu..., Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Tình hình buôn lậu là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay, các lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế.

    Trước câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng có thể cam kết đến 2015, tình trạng về buôn lậu và gian lận thương mại giảm được bao nhiêu \%, “tư lệnh” ngành công thương khẳng định, Bộ sẽ hết sức cố gắng để cải thiện tình hình này.

    Trên thực tế, dù bộ Công Thương đã hết sức cố gắng nhưng năm nay, vấn đề trên vẫn tiếp tục nhức nhối. Tại nghị trường kỳ họp thứ 9, không ít vị ĐBQH đã phải lên tiếng... “truy nợ”. Một đại biểu thuộc đoàn Tuyên Quang nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng cách đây hơn 3 năm. “Ở kỳ họp thứ 3, tôi đã đặt câu hỏi về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, trải qua 6 kỳ họp thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

    Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đây thực tế là trách nhiệm của bộ Công Thương với tư cách được giao quản lý thị trường, phát hiện, xử lý sai phạm liên quan đến vi phạm các quy định thương mại, trong đó có hàng giả, hàng nhái, đã làm nhưng làm chưa tốt.

    “Chúng tôi cam kết trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để làm tốt công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái nhất là vật tư nông nghiệp, thực hiện giám sát và tiêu thụ phân bón để bảo đảm quyền lợi người nông dân”, Bộ trưởng nói.

    Liên quan đến việc quản lý giá cả các mặt hàng sữa, thuốc, điện và xăng dầu, trong lần đăng đàn tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết: Triển khai kiểm soát giá sữa, từng bước đưa giá thuốc về giá trị thật của nó. Về giá xăng dầu và điện, người đứng đầu ngành cũng nhấn mạnh, giá điện đến năm 2015 sẽ theo giá thị trường, giá sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu, chi phí đầu vào và sẽ bảo đảm phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân.

    Thế nhưng, năm nay, giá sữa vẫn trong tình trạng “khó bảo”, khiến dư luận bức xúc. Một đại biểu đến từ đoàn Bình Phước thẳng thắn chất vấn: “Tình trạng giá sữa vẫn còn cao, cao tới, cao lui, cao hoài. Các biện pháp trở nên vô hiệu. Trong khi đó các doanh nghiệp đã tìm cách lách được? Bộ trưởng có giải pháp gì?”.

    Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Hoàng đồng tình với nhận xét thời gian qua hiệu quả quản lý giá với mặt hàng sữa chưa đúng như mong muốn và tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp khác. Trong khi đó, liên quan đến vấn đề giá điện cũng gây bức xúc không kém, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: “Tới năm 2016, giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn phù hợp với khả năng của mình”.

    Các ĐBQH và cử tri cả nước hoan nghênh sự cố gắng của các Bộ trưởng, cũng như những việc đã làm được; tuy nhiên, họ đều mong muốn các “tư lệnh” ngành hành động quyết liệt hơn nữa để những “lời hứa” không thành “hứa suông”.

    Bên cạnh ngành nông nghiệp, công thương, khoa học công nghệ... được lựa chọn chất vấn kỳ này, các đại biểu cũng hy vọng “tư lệnh” các ngành giao thông, xây dựng, y tế... dù không phải lên “ghế nóng” trong kỳ này có thể thực hiện triệt để những tồn tại trong ngành. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, các đại biểu rất quan tâm đến cơ chế để các Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình, đặc biệt là vấn đề quy trách nhiệm nếu không thực hiện được lời hứa đó.

    Các Bộ trưởng sẽ phải giải trình về những việc đã làm được “hậu chất vấn” tại kỳ họp tới

    Tại kỳ họp thứ 9 này, cùng với việc yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện cách thức tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải có báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. Các báo cáo này sẽ trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (vào tháng 11 tới).

    Các Bộ trưởng sẽ phải giải trình rõ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giải quyết được bao nhiêu việc Quốc hội nêu trong nghị quyết, giải quyết đến đâu, việc nào chưa giải quyết được hoặc tại sao giải quyết chậm? Ngành nào làm tốt chắc chắn sẽ được cử tri và ĐBQH ghi nhận, còn ngành nào chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ phải giải trình trực tiếp trước Quốc hội... Đây là nội dung chưa có tiền lệ và cũng là một trong những cải tiến, đổi mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hậu giám sát, hậu chất vấn của Quốc hội.

    ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn ĐBQH Lâm Đồng): Đã hứa với cử tri là phải làm bằng được!

    Buổi sáng ngày 11/6, tôi đã chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát về thủ tục rườm rà trong việc nhập khẩu giống hoa ở Việt Nam. Trước đó, tôi đã gặp gỡ người dân và các doanh nghiệp để nghe họ giãi bày về những khó khăn gặp phải khi quy định của bộ NN&PTNT chỉ cho nhập khẩu giống 1 năm một lần.

    Trả lời câu hỏi của tôi, Bộ trưởng Phát khẳng định Bộ trưởng luôn chủ động và quan tâm về vấn đề nhập khẩu giống hoa. Và đến bây giờ có thể khẳng định, mọi vướng mắc đã được giải quyết. Đây là vấn đề mà kỳ họp trước tôi cũng đã đưa ra nhưng không nhận được câu trả lời thấu đáo.

    Khi nhận được câu trả lời nhập khẩu hoa đã “hết vướng” của Bộ trưởng, tôi lập tức đăng ký chất vấn lại. Bởi trước khi hỏi câu này, tôi đã điện về tỉnh Lâm Đồng hỏi các doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu giống hoa. Tôi đề nghị Bộ trưởng gọi điện hỏi ông Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật xem họ hứa đã sửa nhưng đã sửa chưa?

    Rõ ràng là tôi đã gọi điện liên lạc với các doanh nghiệp nhập khẩu hoa và người dân Lâm Đồng. Họ vẫn phàn nàn và tỏ ra thất vọng về vấn đề quy định nhập khẩu giống hoa. Sau kỳ chất vấn lần trước, tôi được biết cục Bảo vệ thực vật đã vào làm việc với các doanh nghiệp về vấn đề 1 năm chỉ cho nhập giống hoa một lần.

    Họ đã hứa sẽ thay đổi cho các doanh nghiệp nhập khẩu giống hoa trong thời gian sớm hơn nhưng “lời hứa gió bay”. Việc trồng hoa phải thay đổi giống thường xuyên, nhưng bộ NN&PTNT mỗi năm chỉ cho nhập một lần. Vậy họ bán cho ai? Đã hứa với cử tri, với người dân rồi thì phải thay đổi chứ, phải làm bằng được.

    ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH Đồng Nai): Quan trọng nhất là thực hiện mục tiêu và trách nhiệm được ấn định!

    Khả năng thực hiện lời hứa không phụ thuộc vào Bộ trưởng bởi trong cơ chế hiện nay, không ai là người quyết định tất cả. Không phải là biện minh cho các Bộ trưởng nhưng tôi lấy ví dụ xã hội bức xúc về tình trạng hạ tầng quá yếu của ngành y tế. Việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng bộ Y tế còn phụ thuộc vào kinh phí, sự phân cấp và nhiều vấn đề khác.

    Hay, những vụ tai nạn có nguyên nhân từ các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng hạ tầng, hay người tham gia giao thông cũng là nguyên nhân. Vậy làm sao Bộ trưởng có thể khẳng định 100\% chuyện đó. Tất cả chúng ta phê phán thì cũng cố gắng nhìn vào thực tế hơn là lý tưởng hóa hoặc cột người ta vào đó.

    Tất nhiên phải quy kết trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cũng phải đánh giá một cách biện chứng và quan trọng là phải có lộ trình để thực hiện cho được mục tiêu. Lộ trình đó phải được giám sát từng bước và có những chế tài ở mức độ khác nhau. Tôi cho là không nên nói quá nhiều đến lời hứa. Hãy nói đến mục tiêu và trách nhiệm công việc, còn lời hứa chỉ là cách ứng xử về mặt thông tin thôi. Quan trọng nhất là thực hiện theo chỉ tiêu, mục tiêu và trách nhiệm được ấn định.

    ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận): Nhiều vấn đề Bộ trưởng KH&CN chưa đưa ra được giải pháp cụ thể

    Sau 40 năm ban hành luật Khoa học, công nghệ, chúng ta vẫn cứ nhắc đi nhắc lại một câu rất muôn thuở là công nghệ lạc hậu, khoa học kỹ thuật lạc hậu. Đó là ý kiến trong phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Quân. Nhiều vấn đề Bộ trưởng vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể và có trả lời chất vấn khiến các đại biểu hài lòng.

    Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân về sự lãng phí trong khoa học, nghĩa là nghiên cứu xong một đề tài, không ứng dụng được vào thực tiễn và “đút gầm bàn”. Trả lời câu hỏi của tôi, Bộ trưởng nói rằng: “Chúng ta đầu tư các công trình khoa học không tới ngưỡng. Nếu đầu tư không tới ngưỡng thì phải dừng lại chứ. Tôi lấy ví dụ, nếu ta đầu tư 10 đề tài, công trình khoa học mà không tới ngưỡng thì phải dừng lại, chỉ đầu tư 3 cái thôi để có kết quả cuối cùng”. Tuy nhiên, tôi cảm thấy không hài lòng vì Bộ trưởng Quân không nhận trách nhiệm về mình trong vấn đề này.

    Đối với một đề tài khoa học, bộ KH&CN là cơ quan cuối cùng quyết định xem có nên làm đề tài ấy không. Tuy nhiên, họ cứ đồng ý cho làm đồng loạt, phân cho Bộ này mấy chục tỉ đồng làm dự án, Bộ kia mấy chục tỉ đồng, nhưng cứ nghiên cứu xong là bỏ. Bởi không biết áp dụng vào đâu. Tôi cảm thấy rất tiếc vì trong buổi chất vấn không hỏi Bộ trưởng về những đề tài nợ đọng. Mà không phải nợ năm trước năm sau mà có đề tài nợ 5-10 năm không trả được. Đây là vấn đề lãng phí kinh khủng.

    Tất cả những đề tài đưa ra báo cáo để được xét duyệt phải trình bày được rằng đầu ra sẽ như thế nào, nghiên cứu để làm gì. Không thể nào nói rằng làm đề tài xong cứ đút vào ngăn bàn rồi “mật phục” đến khi nào có thể ứng dụng được mới lục lọi từ ngăn kéo ra. Đó là đi ngược lại với xu thế thế giới. Bộ trưởng Quân cũng nói rằng nghiên cứu đề tài trước rồi tìm thị trường sau. Tuy nhiên, nghiên cứu xong không tìm được thị trường rồi cho vào kho, mấy năm nữa vẫn không tìm được đầu ra thì phải ném bỏ sao? Vấn đề là bộ KH&CN không xác định được đầu ra thì đồng ý cho các nhà khoa học nghiên cứu để làm gì.

    ĐB Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Những việc làm chưa tốt, có trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng

    Trong những cuộc chất vấn, mong muốn của cử tri cũng như của mỗi ĐBQH là đất nước ngày càng phát triển, công tác quản lý ngày càng tốt. Do đó, trọng trách của các Bộ trưởng, những “tư lệnh” ngành càng lớn. Tâm lý các Bộ trưởng đều mong muốn làm tốt những lĩnh vực mình “chỉ huy”, tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định.

    Qua quá trình chất vấn, có những vấn đề Bộ trưởng từng hứa cách đây 1-2 năm để triển khai nhưng để kết quả như mong muốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi lấy ví dụ hiện trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, “được mùa rớt giá”... không thể một sớm một chiều giải quyết được. Bởi, quan hệ buôn bán không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.

    Hay, việc liên kết “bốn nhà” đã được các đại biểu chỉ ra không đạt hiệu quả như mong muốn... Điều tôi nghĩ, không phải các Bộ trưởng hứa rồi quên lời hứa của mình mà họ cũng có rất nhiều cố gắng. Tại nghị trường, các Bộ trưởng nói sẽ có nhiều giải pháp để giải quyết. Tôi chờ đợi sự thay đổi từ các giải pháp này.

    Về trách nhiệm của “tư lệnh” ngành, theo tôi, với cương vị là “chỉ huy” ngành, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực phụ trách. Việc nào làm tốt đã được nhân dân đánh giá, còn những việc chưa tốt, có trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng.

    ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn ĐBQH Trà Vinh): Bộ trưởng “nhận thiếu sót, hứa sửa chữa” nhưng là khi nào?

    Như những câu hỏi chất vấn của tôi thì tôi thấy phần trả lời của các Bộ trưởng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, vì chưa đánh giá thực chất vấn đề đặt ra. Ví dụ như cần phải làm rõ vấn đề và khắc phục thì không đưa ra được các tiêu chí về thời gian, thời hạn, ai là người kiểm chứng việc khắc phục đó. Hay có Bộ trưởng hứa là “chúng tôi nhận thiếu sót, sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất sửa chữa” nhưng sắp tới là khi nào?

    Ở nhiều kỳ họp trước, các Bộ trưởng cũng đã hứa sửa chữa nhưng đến năm nay tình trạng đó vẫn tiếp diễn. Ai cũng có thể nói “chúng tôi nhận” được, nhưng nhận trách nhiệm rồi thì có ảnh hưởng hay thay đổi gì không? Đó mới là vấn đề quan trọng.

    Trong kỳ chất vấn này, tôi chưa thấy Bộ trưởng nào trả lời chất vấn thực sự nổi trội cả. Cũng có vị nhận trách nhiệm về mình nhưng chỉ theo kiểu chung chung và không cụ thể. Nói ngay như hôm vừa rồi tôi chất vấn Bộ trưởng bộ Công Thương về kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa, tại hội trường Chủ tịch Quốc hội giao cho Bộ trưởng bộ Công Thương gặp tôi để tiếp tục giải trình rõ hơn, nhưng tôi không thấy Bộ trưởng đến gặp. Tôi cũng không thể đi tìm Bộ trưởng. Vì tìm Bộ trưởng đâu phải dễ, thời gian của Bộ trưởng thế nào, Bộ trưởng ở đâu, làm gì; tôi cũng không có thời gian để đi tìm, nếu có thời gian thì chắc chắn tôi sẽ đi tìm để tranh luận cho đến cùng.

    ANH ĐỨC - VĂN CHƯƠNG

    Xem thêm video:

    [mecloud]cgHhc1FOvG[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-truy-no-tu-lenh-giua-nghi-truong-che-tai-nao-cho-loi-hua-a98529.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.