+Aa-
    Zalo

    ĐBQH: 4 Bộ trưởng đã thẳng thắn, dân chủ, không né tránh!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đó là đánh giá của các Đại biểu Quốc hội sau khi 4 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

    Đó là đánh giá của các Đại biểu Quốc hội sau khi 4 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

    3 ngày qua (từ 4 – 6/6/2018), Quốc hội dành trọn để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

    4 Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chính gồm: Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ngoài ra, các thành viên Chính phủ khác cũng có trách nhiệm “chia lửa” với 4 Bộ trưởng.

    Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, đa số ĐBQH cho rằng, các thành viên của Chính phủ đã nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, không né tránh câu hỏi của đại biểu.

    Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nhìn nhận: “Cách trả lời chất vấn của các Bộ trưởng trong kỳ họp này, tôi đánh giá rất là tốt. Mỗi Đại biểu chỉ hỏi 1 phút thôi, 3 người hỏi là Bộ trưởng phải trả lời. Vì vậy, các Bộ trưởng phải tư duy ngay, phải nhớ ngay và có phản xạ rất nhanh. Chứng tỏ, các Bộ trưởng nắm được việc rất chắc, toàn diện. Cho nên tôi rất hài lòng với việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng cũng như các thành viên khác của Chính phủ”.

    Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Ảnh: Nguyễn Hường).

    Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng: “Có thể nói việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 đã có đổi mới rõ nét. Việc này được rút kinh nghiệm từ phiên chất vấn tại phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

    Theo Đại biểu Phạm Tất Thắng: “Với cách chất vấn và trả lời chất vấn như hiện nay sẽ tạo ra không khí tranh luận nhiều hơn. Các thành viên Chính phủ sẽ trả lời đúng vào câu hỏi mà Đại biểu nêu. Việc trả lời 3 Đại biểu cùng một lúc thì có những vấn đề mà người trả lời chất vấn có thể gom lại, sâu chuỗi lại thành vấn đề lớn hơn.

    Tôi cho là cách thức chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã tương đối phù hợp. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nó cũng có 1 hạn chế nhỏ, đó là do bị ấn định thời gian như vậy cho nên có những vấn đề cần nêu giải pháp tương đối cụ thể hoặc mang tính tổng quát thì người trả lời chất vấn có thể không đủ thời gian để trả lời thỏa đáng, cặn kẽ câu hỏi của đại biểu. Tôi nghĩ rằng nếu mà khắc phục được hạn chế này thì hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn còn cao hơn nữa”.

    Bình luận về tính dân chủ trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Đại biểu Phạm Tất Thắng nói: “Việc chất vấn và trả lời chất vấn cũng là một hoạt động mang tính giám sát của Quốc hội. Đây chính là Quốc hội giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ.

    Với không khí trả lời chất vấn của kỳ họp này, chúng ta thấy là sôi nổi. Hơn nữa, cách điều hành linh hoạt của chủ tọa giúp cho hầu hết Đại biểu được nêu câu hỏi ngay tại nghị trường. Như vậy, tính dân chủ, cởi mở trong hoạt động chất vấn của Quốc hội thể hiện rất rõ. Đặc biệt là việc tăng cường tranh luận. Khi Đại biểu thấy chưa thỏa mãn với câu trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ thì có thể giơ bảng đăng ký tranh luận. Như vậy thì những vấn đề đó sẽ được giải quyết tới tận cùng và sẽ không thể né tránh trong câu trả lời”.

    Đại biểu Thắng đánh giá: “Tôi cho rằng 4 Bộ trưởng đều đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Các Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, không né tránh câu hỏi của Đại biểu. Các tư lệnh ngành cũng thể hiện được quyết tâm của mình, ngoài những việc đã hoàn thành thì cũng nhìn thẳng vào hạn chế, bất cập của ngành và nêu được nhiều giải pháp khắc phục”.

    Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (Ảnh: Nguyễn Hường).

    Còn theo Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM): “Tôi thấy các Đại biểu rất dân chủ trong việc tranh luận lại khi câu trả lời chưa được thỏa đáng hoặc chưa đáp ứng được mong muốn, yêu cầu của Đại biểu. Thậm chí, khi một Đại biểu thấy câu hỏi của Đại biểu khác chưa xác đáng thì sẵn sàng tranh luận luôn với Đại biểu đó. Tức là một Đại biểu vừa tranh luận với người được chất vấn, vừa tranh luận luôn với cả Đại biểu khác. Rất thẳng thắn, dân chủ, với tinh thần xây dựng, cùng nhau phát triển”.

    Nguyễn Hường

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-4-bo-truong-da-thang-than-dan-chu-khong-ne-tranh-a232120.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan