(ĐSPL) – Sau việc chi hơn 2000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử, Bạc Liêu nay kêu không còn tiền làm đường, kéo điện cho dân đang khiến dân mạng dậy sóng.
Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất (gọi tắt Festival) do Bạc Liêu đăng cai vừa khép lại, với kết quả là một lời quảng bá lan rộng về giá trị của đờn ca tài tử - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Theo các báo cáo chưa đầy đủ từ các ban quản lý dự án đến Ban tổ chức Festival, có trên 20 công trình được xây dựng, với giá trị đầu tư trên dưới 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí tổ chức lễ hội. Tất cả công trình này được xây dựng với lý do để phục vụ Festival. Tuy nhiên, khi Festival diễn ra, nhiều công trình quan trọng đã không được đưa vào phục vụ như mục đích xây dựng ban đầu.
Chẳng hạn, công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (có hình ba chiếc nón lá cách điệu nên nhân dân gọi là Nhà hát Ba nón lá) đầu tư đến 222 tỉ đồng không được sử dụng giờ nào trong Festival do xây dựng dở dang. Với các công trình đưa vào sử dụng thì phần lớn lại gây xót mắt người dân, khi chỉ để ngắm nhìn một đêm mà phải tốn hàng trăm tỉ đồng.
Nhà hát Ba nón lá ở Bạc Liêu đã tiêu tốn tới 222 tỉ đồng. |
Nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn những công trình này mà xót lòng người dân, chưa có đường điện nhưng lại quá xa hoa, lãng phí.
Nick name Minh Hà chia sẻ: “Cả nước ai chả biết tiếng "ăn chơi" kiểu bạc Liêu, cứ tưởng câu chuyện công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu chè đã vào dĩ vãng, nay Bạc Liêu chi hơn 2.000 tỉ đồng để đờn ca tài tử cho dân nghe thì còn tốn gấp tỷ lần? Như vậy đời nay mới đáng trở thành "ghi nét" để con cháu đời sau è lưng mà trả nợ? Đúng là kiểu ăn chơi không sợ mưa rơi nhỉ?”
Còn bạn Trịnh Kim Liên lên tiếng: “Bạc Liêu còn nghèo nhưng các quan lại thích xài sang.Cứ xây dựng cho thật nhiều đi để mà bỏ hoang. Đúng là quá lãng phí. Đem tiền đó xây nhà từ thiện kéo điện cho dân còn hữu ích hơn. Nghe mà xót xa quá Bạc Liêu à”.
Theo báo cáo chính thức từ Ban quản lý dự án tỉnh Bạc Liêu vào tháng 2/2014, một số công trình phục vụ Festival có giá trị như sau: Quảng trường Hùng Vương là 118 tỉ đồng; cột cờ quảng trường 383 triệu đồng; hệ thống đèn pha cao áp 3,7 tỉ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng; hệ thống cây xanh khu vực quảng trường 4,5 tỉ đồng; sân phun nước nghệ thuật âm sàn và biểu tượng ba dân tộc 6,7 tỉ đồng; cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng; trung tâm hội chợ triển lãm 67 tỉ đồng; ba nón lá 222 tỉ đồng…
Cây đờn kìm 20 tỉ đồng nhìn rất đẹp nhưng nhiều người cho rằng, lẽ ra dùng số tiền này kéo điện cho người dân nghèo thì ý nghĩa hơn. |
Dù câu đờn nhìn có đẹp đến mấy, cũng gợi nên trong lòng người nỗi xót xa, cảnh dân nghèo nheo nhóc chưa có điện dùng, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm. Bao nhiêu cái lắc đầu ngán ngẩm khi cho rằng “lẽ ra nên dùng tiền đó lo cho dân thì hơn”, "sao lãng phí như vậy hỡi Bạc Liêu”,..
Với những công trình xót lòng dân như vậy, trong chuyến về dự lễ khai mạc Festival đờn ca tài tử tại Bạc Liêu (từ ngày 25 đến 29/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh: “Trong điều kiện còn nghèo, nếu để lựa chọn giữa xây dựng 13 tuyến đường về trung tâm xã và xây dựng nhà hát, tôi nhất định chọn làm đường. Hoặc chọn việc kéo điện cho 371 tuyến dân cư đang chưa có điện”.
Lời nói của Thủ tướng khiến nhiều người suy nghĩ, nhiều dân mạng mong rằng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu sẽ sớm có cái nhìn tích cực và chính xác hơn trong việc phát triển kinh tế, cũng như văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, là sự xót xa và nuối tiếc cho một kế hoạch "khổng lồ" nhưng mang lại lợi ích chẳng bao nhiêu.
Bạn Tuấn Hà không dấu nổi bức xúc khi chia sẻ: “Không biết quan chức tỉnh Bạc liêu nghĩ gì, mong chờ điều gì từ Festival trong khi đời sống nhân dân còn quá cơ cực. Xây nên loạt công trình để rồi bỏ không, đúng là hoang đường thế cơ mà”.
Đồng tình với quan điểm trên Hà Nhi lên tiếng: “Đọc xong mà thấy cổ họng nghẹn ứ, kinh tế đang khó khăn thế mà người ta chi không thương tiếc, thương cho người dân một nắng hai sương. Không biết ai đã duyệt chi ngân sách này”.
Nghe tới đây, nhiều người đã thấy nghẹn lòng, dân ta còn đói khổ thế mà có những công trình xây lên chỉ để bỏ hoang, rồi chìm vào dĩ vãng với những đống đổ nát hoang tàn như thế liệu có đáng không?