+Aa-
    Zalo

    Đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm những tháng cuối năm

    • Nhật LinhDSPL

    (ĐS&PL) - Quản lý thị trường Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát các mặt hàng trọng tâm, địa bàn trọng điểm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Thị trường có sự ổn định

    Báo cáo từ Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, cơ quan này đã tiến hành tổng kiểm tra 3.688 vụ việc, xử lý thành công 3.572 vụ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng (đạt 101,32% kế hoạch) trong 8 tháng đầu của năm 2024. Trong số đó, có 38 vụ được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lí theo pháp luật.

    Trong thời gian sau bão số 3, thị trường hàng hoá có giao động, các Đội quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa, nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố.

    Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

    Dự báo những tháng cuối năm 2024, nhất là thời điểm gần với Tết Nguyên Đán, thị trường sẽ có biến động phức tạp do nhu cầu tiêu dùng cao.

    Đây đồng thời là thời điểm của những tình trạng nhập lậu hàng hoá, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng diễn ra ồ ạt nhưng lại núp bóng vô cùng kĩ càng. Điều này như một bài toán dành cho công tác quản lý thị trường.

    Để công tác đấu tranh phòng chống đạt hiệu quả cao hơn nữa, Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường, tập trung vào những địa bàn trọng điểm và các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận thương mại như vàng, xăng dầu, mỹ phẩm, quần áo….Công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất cũng được đẩy mạnh để ngăn chặn những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

    Theo Báo Công Thương, Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, những tháng cuối năm, Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra các "điểm nóng" về gian lận thương mại, chú trọng tới việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đây là một trong những lĩnh vực đang gây ra nhiều lo ngại do tính chất khó kiểm soát và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch trực tuyến.

    Đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm những tháng cuối năm - 1

     

    Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi kinh doanh hoạt động kinh doanh vận chuyển trái phép khoáng sản, tiếp tục thực hiện về công tác an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh đối với mặt hàng khoáng sản, hóa chất (khí N2O), gạo, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…

    Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là chuyên đề sẽ được triển khai quyết liệt và đặt lên hàng đầu. Bởi dịp lễ, Tết, thị trường thực phẩm diễn biến phức tạp, do đó, lực lượng sẽ triển khai các chiến dịch kiểm tra chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến sẵn, đồ ăn phục vụ dịp lễ, hội.

    Đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm những tháng cuối năm - 2

     

    Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Quản lý thị trường Hà Nội là việc kiểm soát và ngăn chặn gian lận trong hoạt động kinh doanh trực tuyến. Lực lượng chức năng sẽ chú trọng kiểm soát các hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới và các hoạt động buôn bán hàng giả trên thị trường nội địa. Trong 8 tháng năm 2024, lực lượng đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm

    Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội quyết tâm đảm bảo một thị trường lành mạnh, ổn định, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và góp phần tạo ra môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp.

    Chỉ riêng “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” của năm 2024, Đội QLTT thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, xử lý 239 vụ vi phạm về An toàn thực phẩm; Xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền: 2,51 tỷ đồng; Xử lý buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm trị giá: 2,119 tỷ đồng (tăng về số vụ, số tiền phạt và trị giá hàng tiêu hủy so với Tháng hành động vì ATTP năm 2023), bao gồm: hơn 6,8 tấn thực phẩm đông lạnh (1.950 kg nầm lợn; 120 kg Thịt đùi vịt; 950 kg thịt lườn vịt; 1.900 kg lá lách lợn đông lạnh, 1.000 kg chân bò đông lạnh, 400 kg lạp xưởng, 210kg chân giò, giăm bông..; 146 kg hoa quả; 236 gói xúc xích; 464 kg đường đen, hơn 20.000 sản phẩm bánh kẹo, chai nước ép hoa quả nhập lậu và hơn 1.000 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ay-manh-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-nhung-thang-cuoi-nam-a474125.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.