Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, cho vay tiêu dùng đang tăng mạnh tới 65% trong năm 2017, cao hơn 3 lần so với tăng trưởng tín dụng chung.
Theo phân tích của các chuyên gia, vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong năm qua nhờ có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho phép không chỉ ngân hàng mà cả các công ty tài chính cũng được cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt, đáp ứng nhiều nhu cầu chi tiêu của người dân.
Ước tính, cứ 100 đồng vốn cho vay sẽ có 18 đồng dành cho mua sắm tiêu dùng. Các chuyên gia nhận định, vay tiêu dùng tăng cũng sẽ kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ trong tương lai.
Càng về cuối năm, nhu cầu vay mua sắm đồ dùng của người dân càng nhiều hơn. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn |
Trong khi đó, ở thị trường TP. HCM, mức dư nợ tín dụng hiện ở mức trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ cả nước. Dư nợ tín dụng của thành phố tăng bình quân 22% một năm trong giai đoạn 2012-2016. Tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ vào năm 2012 chỉ ở mức 4% thì năm 2016 là 8% và dự kiến trong năm nay sẽ là 12,2%.
Thực tế, khách hàng thường lo lắng về số tiền lãi phải trả khi đi vay tiêu dùng ở các ngân hàng, vốn được cho là áp mức lãi suất cao. Tuy nhiên, những khoản vay này có đặc thù là tài sản thế chấp nên ngân hàng phải duy trì lãi suất thấp để cạnh tranh trên thị trường.
Bản thân các ngân hàng cũng thích những khoản vay mua xe hay nhà vì đây là những khoản vay thế chấp với tài sản rõ ràng, người vay cũng thuộc đối tượng mục tiêu có thu nhập tốt, lại có thể bán chéo sản phẩm.
Đây cũng là thời điểm phù hợp để đi vay vì lãi suất tiết kiệm và cho vay sẽ khó giảm sâu hơn.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất cho vay giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, còn với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biển ở mức 9,3-11% với những khoản vay có kỳ hạn từ 6 tháng.
Vũ Đậu (T/h)