Sau một thời gian được sếp nhờ dạy lái xe ô tô giúp vợ, chàng nhân viên cấp dưới không chỉ “hoàn thành nhiệm vụ” mà còn tiến xa hơn: “cua” luôn vợ của sếp mình.
Dù câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng bà Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội) vẫn nhớ đến từng chi tiết. Với bà, câu chuyện cũng là “bài học kinh nghiệm xương máu” cho những ông chồng đã và đang quá tin vào bạn và đồng nghiệp mà đến nỗi tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Bà Nga kể: Cách đây mấy năm, có một người chồng trẻ tên H đến trung tâm chúng tôi và yêu cầu được xét nghiệm ADN của anh ta và đứa con, bởi H nghi ngờ đứa con mà vợ mình vừa sinh ra không phải là con của mình. Kết quả xét nghiệm ADN sau đó đã chứng minh rằng mối nghi ngờ của H đã đúng: đứa trẻ không phải là con ruột của anh ta. H rất buồn, nhưng khi đó anh ấy vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Anh ấy nói với tôi: “Cháu cảm ơn cô. Để cháu về xử lý vụ này”.
Rồi mấy hôm sau đó, bỗng thấy H gọi điện cho tôi, H bảo rất buồn, đang bị khủng hoảng tâm lý, anh ta không biết phải xử lý thế nào trong tình huống này và nhờ tôi cho những lời khuyên. Tôi bảo với H rằng cứ đến trung tâm đi, tôi sẵn sàng dành thời gian để nghe anh ta nói và sẽ tư vấn cho anh ta những gì có thể. H nhận lời và hôm sau thì đến trung tâm.
Trong buổi trò chuyện, H kể nhiều về mình và chuyện gia đình. H cho biết sau khi cầm kết quả xét nghiệm ADN về nhà, anh đã hỏi vợ. Vợ anh biết không thể giấu được chồng nữa nên đã kể hết toàn bộ sự thực với chồng và anh ta đã biết cha ruột của đứa trẻ là ai.
Anh ta kể xong bèn nói với tôi: “Cháu không ngờ cô ạ, người xưa bảo ‘tin bạn thì mất vợ’ quả không sai, nhưng đúng là lỗi cũng một phần do cháu. Vợ cháu đã khóc rất nhiều, cô ấy bảo nếu anh tha thứ được cho em thì tha thứ còn nếu không thì đó là quyền của anh, em có lỗi, em không dám đòi hỏi… Cháu thương vợ lắm, bỏ cô ấy cũng tội, lại còn con cháu nữa, đứa con gái đầu nó thấy mẹ khóc thì nó cũng khóc theo”.
Qua câu chuyện của H kể tôi mới được biết ngọn ngành câu chuyện: H là giám đốc của một công ty về xuất nhập khẩu, anh lập gia đình cách đây gần chục năm và hai vợ chồng đã có với nhau một đứa con gái đầu lòng. Do công việc bận rộn nên anh ta cũng ít khi có điều kiện gần gũi gia đình.
Vợ H nói muốn học lái xe ô tô, nhưng anh lại không có thời gian để hướng dẫn vợ. Biết chuyện, cậu lái xe riêng cho anh ta bèn bảo: “Em rảnh, có gì anh để em giúp chị cho”. H đồng ý. Vậy là cứ vào cuối buổi chiều hoặc ngày nghỉ, anh chàng lái xe lại đến nhà đón vợ H đi ra ngoại thành dạy lái xe vì nội thành đường phố đông, không tập được. Vì tin vợ và cũng tin vào người lái xe riêng của mình nên H cũng không để tâm mỗi khi vợ về nhà muộn.
Sau này, khi vợ H mang thai và sinh con thì H mới nghe hàng xóm và đồng nghiệp xì xào bàn tán rằng đó không phải là con mình. Nghi ngờ nên H mới tìm đến trung tâm của tôi để xét nghiệm ADN và kết quả thì như chúng ta đã biết.
H bảo rất khó xử đối với cả hai người là anh chàng lái xe lẫn vợ. H nói anh rất thương vợ và vợ thì cũng biết lỗi. Còn anh chàng lái xe kia thì cũng không thể sa thải ngay lúc này, bởi theo lời H thì đuổi việc anh ta lúc này thì dư luận sẽ càng bàn tán nhiều hơn và bảo H là bị “cắm sừng”. H là giám đốc, anh rất coi trọng danh dự và uy tín của cá nhân mình nên với anh chàng lái xe, H vẫn phải cố tỏ ra bằng mặt dù… không bằng lòng.
“Tôi cũng chẳng biết nên bảo H quyết định thế nào cho phải, tôi chỉ bày tỏ sự cảm thông và khuyên H nên bình tĩnh và đưa ra các hướng giải quyết để cho H tham khảo. H nghe xong cũng vơi đi ít nhiều tâm trạng buồn chán và có phần bình tĩnh hơn. H cảm ơn tôi rồi chào ra về. Sau đó cũng không thấy H liên hệ lại nên tôi cũng không rõ chuyện gia đình anh ta sẽ giải quyết theo hướng nào. Nhưng theo tôi câu chuyện của H là một bài học kinh nghiệm cho các gia đình và nhất là các ông chồng trẻ: cần dành thời gian quan tâm chăm sóc cho vợ con, cho tổ ấm của mình nhiều hơn. Đừng bao giờ tạo những cơ hội gần gũi thái quá trên mức cho phép giữa vợ mình và bạn bè, đồng nghiệp, bởi nó có thể dẫn đến những hậu quả không ai mong muốn cả”, bà Nga nói.