Đồ chơi bày khắp nhà, nước trong bồn rửa bát chảy lênh láng ra khắp bếp, tiếng kêu la khóc lóc của 2 đứa con cùng với tiếng quát tháo, giảng hòa nhưng không ăn thua của bà ngoại. Tôi điên tiết, mở rầm cửa, tét cho mỗi đứa mấy cái vào mông. Tiếng kêu khóc lóc càng trở nên inh ỏi.
Những đứa con của tôi, sao lại hư như vậy? Rất nhiều lần đi về nhìn thấy tình trạng này. Đứa lớn dành đồ chơi với đứa bé. Nghịch ngợm như tăng động, không ai kiểm soát được.
Chúng còn thường xuyên nói với nhau những câu khiến tôi vừa buồn cười, vừa tức. Tôi thực sự không biết làm gì để cải thiện tình trạng này. Nhìn con người ta ngoan ngoãn, bảo không nghịch, không làm ồn là nghe ngay. Con mình bảo một lần không bao giờ nghe, cứ phải đòn roi mới chịu.
Chị hàng xóm sau khi nghe tôi kể xong chuyện cả 2 cùng cười ra nước mắt, bàng hoàng vì những câu nói của các con tôi. Chị bảo trước hai đứa nhà chị ấy cũng thế, nó nghịch ngợm ương bướng không thể chịu nổi. Tối hôm đó chị mách tôi tìm hiểu về một phương pháp dạy con (Montessori). Tôi cũng lên mạng tìm kiếm thông tin và thấy rằng đây là phương pháp rất hay. Bọn trẻ nhà tôi cần kỷ luật và ngăn nắp.
Dùng đòn roi để dạy các con là không đúng cách (Ảnh minh họa).
Nhưng thường phương pháp này mới được áp dụng tại các trường mầm non với chi phí khá cao, dụng cụ nhập từ nước ngoài cũng đắt. Tôi hỏi chị, chị nói có thể áp dụng Mon ở nhà.
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thứ, tôi liền dọn dẹp lại phòng cho con, mua thêm một số giá và khay. Ví dụ trò chơi xúc hạt để giúp các con luyện đếm, luyện sự linh hoạt bàn tay, tôi chọn 2 chiếc bát và 1 chiếc thìa đẹp nhất, đổ những viên bi nhiều màu vào một bát để bé nhỏ xúc từ bát này sang bát kia.
Tôi mua thêm màu, bút để con vẽ, đựng riêng trong hoạt động tô màu. Tôi dùng một mảnh khăn trải bàn quy định con chỉ hoạt động trong vùng chiếc khăn, sau khi làm xong con sẽ tự cất đồ về giá đúng thứ tự.
Cái khó nhất là duy trì đúng và theo nguyên tắc. Ban đầu các bé rất khó bảo vì tôi đã để bé tự do khá lâu rồi, nhưng dần dần, thấy các đồ đạc xếp ngăn nắp, bé tự giác xếp lại theo đúng vị trí cũ. Thời gian đó cần nhất là kiên trì và phải kiềm chế bản thân để không la mắng bé.
Sau 4 tháng 2 bé nhà tôi đã không giành giật nhau đồ chơi. Mỗi lần con nói bậy, tôi không nhắc đến, bỏ qua ngay, chỉ kể cho con nghe những câu chuyện về bé ngoan.
Tôi cũng nhắc mọi người trong nhà không kể về việc nói bậy của con với niềm vui thích hay buồn cười để bé nghĩ việc đó hay. Hai bé nhà tôi đã bớt dần và đi vào khuôn khổ hơn.
Lan Anh (Hà Nội)/Nguoiduatin