Phim truyền hình “Đất phương Nam” phát sóng năm 1997 được xem là “bộ phim quốc dân” gắn liền với tuổi thơ của đông đảo khán giả. Sau 25 năm, tác phẩm được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể lên màn ảnh rộng, thu hút sự chú ý của công chúng. Phim được đầu tư 40 tỷ, có sự tham gia của Trấn Thành, Tuấn Trần, Tiến Luật, Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Kiều Trinh...
Khi ê-kíp công bố Trấn Thành vào vai bác Ba Phi đã gây ra nhiều tranh cãi. Vai diễn này vốn được nghệ sĩ Mạc Can thể hiện thành công trong bản phim truyền hình. Bác Ba Phi là người dân miền sông nước, có khiếu kể chuyện hài hước. Nhiều khán giả nhận xét rằng, Trấn Thành chưa phù hợp để thủ vai này vì ngoại hình của anh không có nét chân chất, mộc mạc của người nông dân. Hơn thế, nam MC quá trẻ, khó khắc họa nhân vật. Cái bóng quá lớn của Mạc Can cũng là điều Trấn Thành cần vượt qua.
“Có Trần Thành là không muốn xem, đây là ý kiến cá nhân”; “Rồi lại phá nát tác phẩm thôi. Bác Ba Phi là nhân vật huyền thoại cần diễn viên được đào tạo bài bản để hiện thân. Các fan Trấn Thành đừng huyễn hoặc vượt quá giới hạn”; Trấn Thành không đủ tuổi để đóng bác Ba Phi, phải là người lớn tuổi lên chức ông rồi thì hợp hơn”… các ý kiến của khán giả.
Nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ: "So với nguyên mẫu nhân vật, tuổi đời của Trấn Thành còn trẻ. Tuy nhiên, nếu không thử sao biết cậu ấy thể hiện tốt hay không".
Trấn Thành cho biết hi vọng qua phần diễn xuất của anh, khán giả sẽ thấy một bác Ba Phi khác biệt, có màu sắc riêng, đồng thời không so sánh anh với nghệ sĩ gạo cội. Diễn viên còn đồng đầu tư phim vì muốn ủng hộ một tác phẩm giàu giá trị lịch sử. Trấn Thành cũng tham gia trực tiếp vào khâu nội dung, góp ý ở bản dựng cuối.
Võ Tòng - nhân vật có nhiều cảnh hành động, đánh võ được giao cho diễn viên Mai Tài Phến. Theo đạo diễn Quang Dũng, anh từng tuyển nhiều gương mặt cho vai Võ Tòng nhưng không phù hợp. Vô tình thấy một bức ảnh của Mai Tài Phến, anh mời lên casting, sau đó quyết định chọn.
Nhiều khán giả cho rằng Mai Tài Phến vào vai Võ Tòng không phù hợp vì vẻ ngoài trắng trẻo, quá lãng tử.
"Bạn này da trắng môi hồng như con gái mà đóng Võ Tòng không hợp, phải vạm vỡ, nam tính, cơ bắp thì hợp hơn"; "Mai Tài Phến trông quá lãng tử, vào vai Võ Tòng của phim này tôi nghĩ không hợp. Võ Tòng tôi nghĩ phải mạnh mẽ, chân phương, mang khí chất của anh hùng. Nhưng phải mộc mạc, hơi cục mịch chút càng tốt"; "Tôi nghĩ Vinh Râu phù hợp với vai Võ Tòng hơn"... là những ý kiến của khán giả.
Hạo Khang, 13 tuổi, vượt hàng trăm ứng viên để đóng bé An - vai chính phim "Đất rừng phương Nam".
Kỳ Phong - 13 tuổi, con diễn viên Kiều Trinh - đóng Cò, bạn thân của An. Cò trải đời sớm, thông minh, giỏi bắn ná, đồng hành với An trên hành trình tìm cha.
Tuấn Trần vào vai Út Lục Lâm, là một trong những vai phụ được đạo diễn Quang Dũng kỳ vọng góp vào thành công tác phẩm. Nhân vật đồng hành cùng An (Hạo Khang) trên đường cậu bé đi tìm cha. Xuất thân là trẻ bụi đời, sau đó trở thành kẻ móc túi để sinh tồn, anh hướng dẫn An những bài học kinh nghiệm đầu đời.
Hồng Ánh vào vai mẹ An, có nhiều "đất" diễn hơn so với bản truyền hình. Nghệ sĩ cho biết một trong những phân đoạn chị tâm đắc nhất trong tác phẩm là khi mẹ con An lạc mất nhau giữa dòng người trong lúc chạy giặc.
Diễn viên Hứa Vĩ Văn vào vai Bảy - thầy giáo dạy bé An (Hạo Khang) ở trường.
Nghệ sĩ Công Ninh đóng ông Ba bắt rắn. ông Ba là cha của Cò, tính hào sảng, phóng khoáng. Ông Ba bao bọc An, giúp cậu bé đi tìm cha trong thời loạn lạc đầu thế kỷ 20.
Khi “Đất rừng phương Nam” công bố trailer cũng gây ra nhiều tranh cãi về bối cảnh, trang phục… Theo đó, tạo hình nhân vật trong phim được nhiều khán giả đánh giá là không giống người Nam bộ xưa, hay nhân vật chính của phim mặc áo vá được nhận xét là “phi thực tế”.
“Phim này chắc dành cho những cháu chưa biết "Đất phương Nam 1997 " xem thôi, chứ làm sao đủ sức vượt qua được cái bóng quá lớn của phiên bản 1997”, khán giả M.A chia sẻ.
Trước những ý kiến trái chiều, đại diện đoàn làm phim “Đất rừng phương Nam” nói với chúng tôi rằng: "Phía ê-kíp không chia sẻ gì thêm. Khán giả hãy chờ đợi ngày phim ra mắt, thưởng thức và có nhận định riêng cho mình".
Không ít khán giả cho rằng phim chưa công chiếu thì không thể đánh giá được điều gì. Việc dùng bản phim truyền hình đã quá thành công áp đặt, so sánh với bản điện ảnh là không hợp lý vì cách truyền tải, thời thế khác nhau.
“Vai Võ Tòng có hợp hay không phải đợi phim ra rạp mới đánh giá được, còn phụ thuộc hóa trang và cách diễn nữa. Cứ đem vai Võ Tòng ngày xưa áp vào thì đâu có được”; “Tôi thấy có Trấn Thành tham gia phim là ổn chứ. Đây là một diễn viên tài năng, đa sở trường, có kiến thức rộng, diễn xuất hay, tôi hi vọng phim ra mắt sẽ thành công”… các bình luận tích cực của cư dân mạng.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, anh cùng với các cộng sự mong muốn “Đất rừng phương Nam” bản điện ảnh sẽ kế thừa và phát triển trên nền tảng vững chắc của tiểu thuyết nguyên tác và bản phim truyền hình. Sự khác biệt đầu tiên khán giả có thể nhận thấy được ở bản điện ảnh đến từ chính tựa truyện “Đất rừng phương Nam”, so với tựa “Đất phương Nam” của bản truyền hình năm 1997.
Theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, vì điều kiện vào thời điểm 25 năm trước còn nhiều hạn chế nên đoàn phim phải “liệu cơm gắp mắm”, bỏ đi yếu tố “rừng” trong tác phẩm gốc. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng tiết lộ, ê-kíp của anh đã nắm bản quyền chuyển thể phim từ 5 năm trước nhưng lúc đó bản thân anh và ê-kíp chưa đủ tự tin về kinh phí và kĩ thuật để tiến hành sản xuất. Chỉ cho đến hiện tại, khi nền điện ảnh nước nhà phát triển, anh mới tin rằng mình có thể thực hiện một “Đất rừng phương Nam” đúng với tinh thần của tiểu thuyết. Do đó, tựa phim của bản điện ảnh được đưa về tựa gốc với tham vọng có thể làm được những gì bản truyền hình đã từng tiếc nuối bỏ lỡ.
“Với tôi, Đất rừng phương Nam là một phép thử để mở ra các phim cùng thể loại, chẳng hạn như "Chiếc lược ngà" - chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ba tôi, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.
“Đất rừng phương Nam” dự kiến ra mắt ngày 20/10. Bối cảnh phim trải dài nhiều tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh…
Phan Đăng Nguyên