+Aa-
    Zalo

    Đấu sĩ thiếu niên ở Thái Lan: Đánh đổi cả tuổi thơ để lo cho gia đình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Rất nhiều đấu sĩ quyền anh trẻ tuổi ở Thái Lan đang nỗ lực tập luyện, chấp nhận đổ máu để kiếm tiền lo cho toàn bộ gia đình.

    Rất nhiều đấu sĩ quyền anh trẻ tuổi ở Thái Lan đang nỗ lực tập luyện, chấp nhận đổ máu để kiếm tiền lo cho toàn bộ gia đình.

    Những "đấu sĩ nhí" chỉ khoảng 12, 13 tuổi ở Thái Lan. Ảnh: NYTimes

    Nằm dài trên một chiếc chiếu tre, Supattra Inthirat mắt nhắm nghiền để bố xoa dầu và bạc hà lên hai cánh tay "cứng như đá" vì khổ luyện và nói những lời cầu nguyện. Cô gái 12 tuổi chuẩn bị cho lần thượng đài thứ 15.

    Khi Supattra, một chiến binh 12 tuổi được gọi là Pancake (Bánh kếp) đối mặt với đối thủ của mình và 400 người hâm mộ dưới ánh đèn halogen, cô sẽ chiến đấu vì một mục đích: kiếm được 60 USD - gần một nửa tháng thu nhập của một gia đình ở khu vực nông thôn nghèo khó này.

    Bố của Supattra nói rằng con gái anh ta sẽ trở thành một nhà vô địch nên cần phải tập luyện sớm để bộ xương được chắc khoẻ, vững chãi.

    Muay Thái trở thành "động lực Thần Thánh" đối với mọi thành phần xã hội, bất kể giàu nghèo, được cho là sẽ giúp người ta leo lên những bậc thang cao hơn của xã hội. Hàng ngàn đấu sĩ nhí đánh đổi tuổi trẻ và sức khỏe mỗi ngày, đổ mồ hôi và máu trên võ đài chỉ vì ước mơ đưa gia đình mình vào tầng lớp trung lưu để có cuộc sống khấm khá hơn.

    Đối với người giàu, muay Thái là một hình thức đánh bạc tàn bạo, trong đó họ có khả năng thắng hoặc thua mất hàng chục ngàn USD mỗi đêm.

    Vào tháng 11 vừa qua, “hai thế giới” đó đã va chạm ngay phía Nam thủ đô Bangkok khi đấu sĩ Anucha Tasako, 13 tuổi tử vong vì xuất huyết não sau khi bị đánh gục trong một cuộc chiến muay Thái. Video về trận đấu loại trực tiếp cho thấy đấu sĩ này phải nhận tới 5 cú đánh dữ dội vào đầu, sau đó Anucha khập khiễng xuống đất khi trọng tài cố gắng ngăn chặn hành động này. Hai ngày sau, Anucha qua đời trong bệnh viện. Cậu đã chiến đấu 174 lần kể từ năm 8 tuổi.

    Chính phủ Thái Lan đứng trước câu hỏi rằng liệu họ nên cấm các trận đấu muay Thái với đấu sĩ là trẻ em chưa đủ tuổi lao động và cùng với đó là "nền kinh tế cờ bạc" đã tồn tại ngầm hàng chục năm qua hay không?.

    Những đứa trẻ hi sinh cả sức khoẻ, trí lực, tuổi thơ cho việc luyện tập và thi đấu kiếm tiền lo cho gia đình. Ảnh: NYTimes

    Tiến sĩ Jiraporn Laothamatas, bác sĩ thần kinh học dẫn đầu chiến dịch kêu gọi cấm tổ chức thi đấu kickboxing trẻ em đã có những chia sẻ về vấn đề này. Hồi tháng 11, bà đã công bố một nghiên cứu  kéo dài 7 năm về tác động của muay Thai đối với não trẻ em, cho thấy sự suy giảm ổn định về IQ và chức năng não đối với những người chiến đấu. Những đứa trẻ này kiếm được tiền, nuôi sống gia đình và những người quảng bá bằng chiến thắng nhưng chúng lại bị huỷ hoại cả cuộc đời.

    Cái chết của Anucha đã gây sốc và khuấy động làn sóng phản đối trên toàn quốc, khiến các nhà lập pháp Thái Lan phải đề xuất một biện pháp là đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với các trận đánh và cấm trẻ em dưới 12 tuổi thi đấu.

    Tuy nhiên, quy định cũng vấp phải những quan điểm trái chiều. "Điều này có thể hủy diệt muay Thái. Chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa (tổn thương) thay vì đẩy trẻ em ra khỏi môi trường luyện tập. Chúng đang thi đấu cho chính cuộc đời của mình", ông Sudhichai Chokekijchai, một bác sĩ chuyên điều trị cho các đấu sĩ ở Bangkok và ủng hộ thi đấu cho hay.

    Các quy định của chính phủ buộc những đấu sĩ trên 15 tuổi phải đăng ký trước khi chiến đấu chính thức. Đối với các đối thủ dưới độ tuổi đó, các quy tắc rất mơ hồ, chỉ cần có sự cho phép của cha mẹ và cung cấp ít hướng dẫn về cờ bạc cũng như biện pháp an toàn.

    Một trung tâm báo chí điều tra Thái Lan cho biết chỉ có 10.373 chiến binh trẻ em đã đăng ký từ năm 2010 đến 2017, trong khi theo nguồn tin chính thức, gần 200.000 trẻ em dưới 15 tuổi thường xuyên thi đấu.

    Muay Thai được biết đến như một nghệ thuật sử dụng 8 chi, pha trộn đá, đấm, đầu gối và khuỷu tay để đánh bại đối thủ. Các trận đánh thường là 5 vòng, mỗi vòng 3 phút, chiến đấu mà không có mũ bảo hộ và đối thủ đeo găng tay 0,3kg. Trong hơn 400 năm qua, nó đã phát triển từ một hình thức thể thao địa phương thành một hiện tượng trên toàn thế giới, phổ biến bởi các bộ phim, trò chơi video và những người đam mê thể dục thể thao.

    Tại Thái Lan, các cuộc thi muay Thái cố gắng lách luật bảo vệ trẻ em và luật lao động, trong đó chỉ định rằng chỉ có trẻ em được trả lương mới được coi là công nhân. Tiền thắng trong các trận đánh muay Thái được coi là một giải thưởng và là hợp pháp.

    Ở các vùng nghèo khó và nhiều vùng nông thôn ở Thái Lan, nơi kickboxing trẻ em có sức mạnh nhất, khoản “tiền thưởng” đó có thể trở thành một chiếc phao cứu sinh. Trong một các gia đình mà tổng thu nhập trung bình chỉ khoảng 200 USD mỗi tháng cho dù vất vả làm việc ở trang trại hay những cánh đồng lúa, một chiến binh nhí vừa chớm nở có thể mang lại 60 đến 600 USD cho mỗi chiến thắng, thậm chí nhiều hơn nếu là trận đấu loại trực tiếp.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo NYTimes)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-si-thieu-nien-o-thai-lan-danh-doi-ca-tuoi-tho-de-lo-cho-gia-dinh-a257057.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan