+Aa-
    Zalo

    Đâu là sự thật: Hiến tạng phải nộp 17 triệu đồng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia vừa lên tiếng về việc hiến tạng có mất tiền hay không?

    Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia vừa lên tiếng về việc hiến tạng có mất tiền hay không?

    Thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho hay: “Muốn tự nguyện hiến tạng, 17 triệu đồng xùy ra” là thông tin làm rất nhiều người hiểu nhầm về toàn bộ hoạt động liên quan đến việc đăng ký hiến và hiến mô /tạng.

    Thời gian này, Trung tâm thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi về việc đăng ký hiến tạng có mất phí hay không. Khi được hỏi, Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó GĐ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia khẳng định: “Việc đăng ký hiến và hiến sau khi người đó ra đi: người đăng ký chỉ cần điền theo mẫu đơn có sẵn, ký vào đơn, kèm bản photo chứng minh, 1 ảnh thẻ… và nhận thẻ đăng ký hiến. Hoạt động này hoàn miễn phí.

     Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc

    Việc hiến tạng: Hiến tạng/ xác khi chết và chết não, hoạt động này là chính và các công tác truyền thông của chúng tôi cũng đều hướng đến đối tượng này là chính.

    Với người hiến tặng mô/ tạng/ xác khi chết/ chết não: toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm. Thông tư 104 của Bộ Tài chính về vấn đề này cũng đã quy định người hiến sẽ được chi trả tiền mai táng sau đó.

    Hiến tạng khi đang sống: Việc này ngành y tế không khuyến khích và đây chính là mấu chốt để dẫn tới sự ầm ĩ liên quan đến câu chuyện phải đóng 17 triệu tiền xét nghiệm dù tình nguyện hiến.

    Câu chuyện trả tiền xét nghiệm chỉ xảy ra khi việc hiến tạng là của 1 người đang còn sống cho người khác. Ngành y tế không khuyến khích việc hiến tạng từ người sống. Trên thực tế, việc hiến tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi…của 1 người khi còn sống thường là dành cho người ruột thịt trong gia đình. Chúng tôi chưa gặp một trường hợp nào là cha, mẹ hay con cái cho người ruột thịt của mình 1 phần tạng mà lại kêu ca phàn nàn là “vì sao tôi lại phải bỏ tiền ra để xét nghiệm cho mình để cứu mẹ tôi, bố tôi, con tôi…”.

    “Tất nhiên, trên thực tế, sẽ vẫn có những trường hợp tình nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Theo quy định của Luật hiện hành, những người hiến sẽ phải tự bỏ tiền ra làm các xét nghiệm. Vì sao có quy định này? Vì khi làm luật, những người xây dựng Luật cũng dự đoán về các tình huống và đề cập tới việc hạn chế thấp nhất việc trục lợi sự nhân văn của chính sách. Rất có thể, có người sẽ đăng ký hiến để được làm các xét nghiệm sức khỏe chuyên sâu và sau đó thay đổi không hiến tạng nữa. Nhưng chúng tôi vẫn cho rằng đây là một điểm chưa thực sự ổn của Luật bảo hiểm y tế liên quan đến vấn đề này”, ông Phúc nói.

    Mẹ con cô Thảo (Bắc Ninh), mỗi người hiến sống 1 quả thận cho người không quen biết. Ảnh: Báo Bắc Ninh

    Trong 5 năm qua, trung tâm đã tiến hành điều phối cho 5 trường hợp tự nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền ra làm hàng loạt các xét nghiệm chuyên sâu rồi mới hiến được thận.

    Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia băn khoăn với phóng viên Đời sống & Pháp luật: “Quả thật, chúng tôi cũng rất e ngại và đành tìm mọi cách để có nguồn chi trả cho họ. Như vậy, số tiền 17 triệu chúng ta đang nói tới liên quan chính đến nhóm đối tượng này – 1 con số rất nhỏ nhưng theo quan điểm của chúng tôi vẫn là một nhóm đối tượng cần bàn.

    MC- BTV Minh Hà, VTV3 vừa đăng ký hoàn toàn mô tạng sau khi ra đi. Việc đăng ký hoàn toàn không mất phí.

    Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều tranh luận về việc đề nghị sửa đổi các chính sách liên quan. Một phương án có vẻ tối ưu nhất được đưa ra để tránh việc trục lợi chính sách đó là BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống. Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, vô vụ lợi cho bất kỳ ai, bởi như vậy cũng sẽ vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được. Đây thực sự đang là vấn đề chúng tôi cũng thấy “vướng”. Chúng tôi cũng mong chờ những ý kiến đa chiều hơn về vấn đề này để có những đề xuất chính thức đối với phía BHYT và các đơn vị hữu quan”.

    Tất nhiên, phải nói rõ là theo Luật hiện hành và đặc biệt là thông tư 104 của Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ, người hiến tạng khi còn sống được sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời, được nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”, được khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn, nếu nhà ở xa sẽ được hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn, tiền khách sạn… khi đi khám sức khỏe định kỳ.

    Hiện nay, nhiều người dân hiểu được ý nghĩa của việc đăng ký hiến mô tạng sau khi ra đi. Do nhu cầu đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não tăng cao trong thời gian gần đây nhưng nhiều cá nhân khó khăn trong việc bố trí thời gian tại cơ quan nên chưa đến đăng ký được.

    Nếu cơ quan, đoàn thể, đơn vị nào có nhu cầu tổ chức đăng ký với số lượng lớn xin liên hệ với Trung tâm. Trung tâm sẽ cử cán bộ tới chia sẻ về lĩnh vực hiến/ghép tạng và bố trí đăng ký tại Quý cơ quan. Trước mắt, Trung tâm xin nhận đăng ký tập thể cho các cơ quan trên địa bàn Hà Nội. Điện thoại liên hệ dành cho khối cơ quan, đoàn thể: 0986671310”.

    Bạn có thể gọi điện, hoặc tải mẫu đơn tại đây in ra điền theo mẫu và ký vào đơn. Gửi đơn cùng bản photo chứng minh thư + 1 ảnh thẻ về Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia. Trung tâm sẽ làm thẻ và gửi về cho bạn theo địa chỉ đăng ký.

    Nam Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-la-su-that-hien-tang-phai-nop-17-trieu-dong-a223370.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan