Dù đã chuyển đổi nhiều giải pháp, tuy nhiên, việc đấu giá quảng cáo xe buýt tại TP.HCM vẫn tiếp tục thất bại.
Đấu giá quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM tiếp tục thất bại lần thứ 5. Ảnh minh họa |
Theo báo Lao Động, tại lần đấu giá quảng cáo trên xe buýt lần thứ 5, trong tổng số 71 gói thầu, gói thấp nhất gồm 4 xe thuộc tuyến 96. Giá khởi điểm cho gói này thời gian thuê thấp nhất là 6 tháng với hơn 410 triệu đồng, cao nhất 3 năm là 1,2 tỉ đồng.
Gói cao nhất của phiên đấu giá phụ thuộc tuyến số 8, với 53 xe loại B80, giá khởi điểm cho thời gian thuê thấp nhất 6 tháng là gần 3,5 tỉ đồng, thuê cao nhất 3 năm là 21 tỉ đồng ở mức khởi điểm khi tham gia đấu giá. Với khoảng 1.200 xe buýt tham gia đấu giá dự kiến thu về 135 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, lần đấu giá thứ 5 này tiếp tục thất bại do không có hồ sơ nào đăng ký tham gia mặc dù so với những lần đấu giá trước thì lần này có nhiều thay đổi.
Liên quan đến sự việc, trước đó, báo Người Đưa Tin cho hay, hồ sơ đề án quảng cáo trên xe buýt được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2017, các đơn vị vận tải có hợp đồng ủy quyền cho trung tâm Quản lý giao thông công cộng sử dụng xe buýt có trợ giá có quyền tham gia đấu giá quảng cáo trên các xe buýt này.
Nguồn thu từ những phiên đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách, sau đó quay lại phục vụ công tác phát triển vận tải hành khách công cộng. Riêng đối với tuyến xe buýt không trợ giá thì các đơn vị tự quyết định hình thức cho tổ chức quảng cáo và tự xử lý nguồn thu này.
Ông Hà Lên Ân, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho hay, xu hướng quảng cáo tại thời điểm hiện tại có nhiều sự thay đổi. Cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, nhiều hình thức quảng cáo khác đã tăng cao sức cạnh tranh so với quảng cáo ngoài trời.
Vì thế, quảng cáo trên xe buýt dần dần kém thu hút, không còn là kênh ưu tiên cho các đơn vị quảng cáo như trước đây.
Thủy Tiên (T/h)