+Aa-
    Zalo

    Dấu ấn của đại gia Nguyễn Cao Trí tại siêu dự án 25.000 tỷ thuộc diện kiến nghị thu hồi của TTCP

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự xuất hiện của đại gia Nguyễn Cao Trí- ông chủ Tập đoàn Capella Holdings tại siêu dự án thuộc diện kiến nghị thu hồi của Thanh tra Chính phủ thu hút sự chú ý không nhỏ

    Sự xuất hiện của đại gia Nguyễn Cao Trí- ông chủ Tập đoàn Capella Holdings tại siêu dự án thuộc diện kiến nghị thu hồi của Thanh tra Chính phủ thu hút sự chú ý không nhỏ từ dư luận.

    Đại gia Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Capella Holdings

    Siêu dự án thuộc diện kiến nghị thu hồi

    Theo kết luận thanh tra Kết luật Thanh tra số 1103/TB-TTCP tháng 7/2020 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (thời kỳ thanh tra từ 1/1/2013 - 30/6/2018), đơn vị này kiến nghị thu hồi một số dự án trên địa bàn do có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư.

    Trong đó có Dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư.

    Khu đô thị du lịch Đại Ninh với tổng vốn 25.243 tỷ đồng được đầu tư trên diện tích đất 3.595 ha, trong đó 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp (thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia -huyện Đức Trọng) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010.

    Nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh (Sài Gòn Đại Ninh Corp), được thành lập vào đầu năm 2010, có trụ sở tại phường 10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

    Khi mới thành lập, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, với 8 cổ đông cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group giữ 85% cổ phần và 7 cổ đông cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại.

    Tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp.

    Tháng 10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, thành phần cổ đông cũng thay đổi khi phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa đứng tên/

    Tuy nhiên, về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 là chủ sở hữu của Phương Nam Group.

    Cuối tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa khiến không ít người bất ngờ khi không còn là người đại diện theo pháp luật tại Sài Gòn - Đại Ninh mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí với vai trò Tổng Giám đốc.

    Vị đại gia "đứng sau" thương vụ nghìn tỷ liên quan đến 2 tòa lâu đài của Khaisilk

    Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay. Hệ sinh thái Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, kinh doanh F&B cho đến giáo dục...

    Đại gia Sài Thành từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group) với vị trí Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (từ năm 1999 - 2005) hay Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).

    Năm 2015, Bến Thành Land đổi tên thành CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality) dưới sự "chèo lái" của ông Nguyễn Cao Trí trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

    Capella Holdings còn được biết đến là pháp nhân này đứng đằng sau thương vụ Công ty TNHH Chloe Hospitality "thâu tóm" 2 toà lâu đài của Khaisilk, gồm: Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Charm Charm (toạ lạc tại số 2 – 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM).

    Capella Holdings là pháp nhân đứng đằng sau thương vụ chuyển nhượng 2 toà lâu đài của Khaisilk. Ảnh minh họa

    Mặc dù giá trị chuyển nhượng không được công bố tuy nhiên hai công trình trên từng được Tập đoàn Khaisilk đầu tư hơn 30 triệu USD.

    Đây là hai bất động sản khá lộng lẫy, được xem như toà lâu đài, nằm ở vị trí đắc địa khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

    Việc một doanh nghiệp còn "non trẻ" như Chloe Hospitality của nữ đại gia 9x chi "khủng" để sở hữu 2 bất động sản nói trên khiến nhiều người khá ngỡ ngàng, đồng thời cũng tạo tiếng vang không nhỏ cho Chloe Hospitality.

    Được biết, Công ty TNHH Chloe Hospitality thành lập vào tháng 9/2018, vốn điều lệ 36 tỷ đồng, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM.

    Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của công ty này là Đào Ngọc Bảo Phương.

    Tuy nhiên, chủ sở hữu của doanh nghiệp này là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land, sau đổi tên là Capella Holdings). Tên thương hiệu Chloe Hospitality được cho là có liên quan tới con gái của đại gia Nguyễn Cao Trí - Chloe Nguyễn (tên thật là Nguyễn Cao Quỳnh Anh), một beauty blogger nổi tiếng.

    Ngoài Chloe Hospitality, bà Phương hiện là người đại diện pháp luật cho 16 doanh nghiệp khác liên quan đến nhiều ngành nghề từ giáo dục, Spa - thẩm mỹ cho đến bất động sản.

    Các doanh nghiệp này có thể kể đến như Công ty Cổ phần Bến Thành Investment Group, Công ty Cổ phần Chợ Lớn Capital, Công ty Cổ phần Tập đoàn VNA, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Lang Bình Thuận, Bến Thành Holdings...

    Nhiều doanh nghiệp trong số này có liên quan với doanh nhân Nguyễn Cao Trí. Một số công ty nói trên đặt trụ sở ở Bến Thành Tower và The One Saigon, hai tòa nhà thuộc các công ty của ông Trí.

    "Hệ sinh thái" đa dạng của đại gia Nguyễn Cao Trí

    Theo tìm hiểu, Capella Holdings hiện đang sở hữu loạt thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace Corp, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall

    Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, TP.HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, quận 1, TP.HCM) đều là những tụ điểm vui chơi có tiếng.

    Mặc dù là "ông lớn" đứng sau những doanh nghiệp đình đám nhưng doanh thu của Capella Holdings lại là con số khá "khiêm tốn".

    Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo kinh doanh hợp nhất năm 2017 của Capella Holdings, doanh thu của Capella Holdings đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với năm 2016 nhưng chỉ mới hoàn thành 55% kế hoạch.

    Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 55 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch và cao hơn 26% so với năm 2016.

    Lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings 34 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch.

    Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings trong hai năm 2018 và 2019 có sự sụt giảm rõ rệt.

    Năm 2018, Capella Holdings ghi nhận doanh thu đạt 71 tỷ đồng, giảm tới 81,6% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 14,6 tỷ đồng.

    Sang đến năm 2019, doanh thu của Capella Holdings có sự cải thiện, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 400 triệu đồng.

    Mức lợi nhuận kể trên có thể nói là không đáng kể nếu so với quy mô tài sản, nguồn vốn của Capella Holdings.

    Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Capella Holdings đạt 1.166 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với năm trước; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 408 tỷ đồng.

    Ngoài Capella Holdings, ông Nguyễn Cao Trí hiện còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như: CTCP Thái Bình Dương Đà Lạt, CTCP Thương mại Dịch vụ ô tô Bến Thành, CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Công ty TNHH US Talent International – Uti, CTCP Salla, CTCP Dịch vụ và Nhân lực Quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang HealthCare.

    Ngoài ra, vị đại gia đất Sài thành còn nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Ban quản lý dự án tại trường Đại học Văn Lang.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-an-cua-dai-gia-nguyen-cao-tri-tai-sieu-du-an-25000-ty-thuoc-dien-kien-nghi-thu-hoi-cua-ttcp-a357255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan