+Aa-
    Zalo

    Dấu ấn của bầu Trường và Vissai Group tại dự án tỷ USD ở Ninh Bình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông qua pháp nhân Công ty CP Bán đảo Kênh Gà, Vissai của bầu Trường đã được tỉnh Ninh Bình giao lập quy hoạch cho dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình.

    Thông qua pháp nhân Công ty CP Bán đảo Kênh Gà, Vissai của bầu Trường đã được tỉnh Ninh Bình giao lập quy hoạch cho dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình với tổng vốn đầu tư khoảng 1- 1,5 tỷ USD.

    Doanh nhân Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường).

    UBND tỉnh Ninh Bình vừa có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình tại các xã Gia Lạc, Gia Thịnh của huyện Gia Viễn và các xã Lạc Vân, Đức Long, Thượng Hòa, Gia Tường thuộc huyện Nho Quan.

    Theo quy hoạch, tổng quy mô diện tích đất tự nhiên khu vực lập quy hoạch là 1.984ha, trong đó đất tổ hợp dịch vụ thể thao – nghỉ dưỡng – bất động sản định hướng phát triển sân thể thao 315 ha, đất nông trại công nghệ cao gần 360ha, đất ở hơn 138 ha… Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1 – 1,5 tỷ USD.

    Trong đó phía Bắc tiếp giáp đất nông nghiệp, khu dân cư xã Gia Tường hiện có và ĐT 477; phía Nam giáp đê hữu sông Hoàng Long, đất nông nghiệp, khu dân cư các xã Gia Lạc, Gia Minh và Thượng Hòa; phía Đông giáp sông Hoàng Long, sông Bôi và xã Gia Thịnh; phía Tây giáp sông Hoàng Long, khu dân cư và đất nông nghiệp xã Lạc Vân.

    Đây là khu du lịch tổng hợp gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, tâm linh, khám phá trải nghiệm, chữa bệnh, sự kiện, nghiên cứu, học tập,... gắn với cảnh quan thiên nhiên và hệ thống công trình di tích.

    Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình được cơ cấu thành 6 khu, bao gồm khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng phía Nam giáp đê sông Hoàng Long; khu công viên, mua sắm, nhà hàng và các thắng cảnh phía Tây Nam; khu công viên nước phía Bắc sông Hoàng Long; khu lòng hồ được tạo bởi sông Hoàng Long và hệ thống núi, các khu nghỉ dưỡng ven hồ nằm tại khu vực chân núi phía Đông và Đông Nam; khu nông trại phía Đông Bắc và khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng phía Tây giáp sông Hoàng Long.

    Khu trung tâm dịch vụ thương mại của dự án có mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao tối đa 15 tầng. Khu khách sạn chiều cao tối đa 20 tầng, gồm hệ thống khách sạn trung đến cao cấp, khu nghỉ dưỡng dọc bờ hồ.

    UBND tỉnh Ninh Bình giao sở Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư lập quy hoạch chung là Công ty CP Bán đảo Kênh Gà hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quyết định được duyệt, công bố công khai nội dung quy hoạch theo quy định.

    Công ty CP Bán đảo Kênh Gà được thành lập từ tháng 2/2003, có trụ sở tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

    Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Minh Tuấn (SN 1990).

    Tháng 8/2017, Công ty Bán đảo Kênh Gà tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

    Theo tìm hiểu, doanh nhân 9X này còn là đại diện pháp luật tại một loạt doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của Công ty CP Vissai Ninh Bình (Vissai Group)- doanh nghiệp của doanh nhân Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường).

    Tháng 3/2017, vốn điều lệ của Vissai Ninh Bình ở mức 1.200 tỷ đồng, trong đó ông Hoàng Mạnh Trường nắm gần 82,5% vốn doanh nghiệp này.

    Tháng 1/2019, quy mô vốn điều lệ của Vissai Ninh Bình ở mức 1.504,45 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của "bầu" Trường giảm xuống còn 77,85% song song đó, tỷ lệ sở hữu của bà Đỗ Thị Phượng (vợ ông Trường) tăng lên 22,14%.

    Hệ sinh thái của "bầu" Trường bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong nhiều lĩnh vực. Các đơn vị thành viên hoạt động ở lĩnh vực xi măng của Vissai gồm: Công ty CP Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình); Công ty CP Vissai Hà Nam (vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng); Công ty CP Xi măng Đồng Bành; Công ty CP Xi măng Sông Lam 2 và Công ty CP Xi măng Sông Lam.

    Trong đó, Xi măng Sông Lam liên tục đóng góp doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả hệ sinh thái.

    Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và củng cố cho tham vọng xây dựng Vissai, bầu Trường đã xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng nghìn tỷ đồng gồm: Nhà máy Xi măng The Vissai Ninh Bình tại Khu CN Gián Khẩu Huyện Gia Viễn Tỉnh Ninh Bình; Nhà máy sản xuất xi măng tại Hà Nam; Nhà máy sản xuất Xi măng tại Lạng Sơn; Nhà máy xi măng Sông Lam tại Huyện Đô Lương.

    Không những vậy, đại gia Ninh Bình còn mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh khách sạn, thủy điện và cả vận tải như: Khách sạn 5 sao THE VISSAI HOTEL tại Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng, Vissai Saigon Hotel, CTCP Dịch vụ và Vận tải Vissai, CTCP Cảng Việt Nhật, CTCP Dịch vụ Cảng Bích Đào; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai; CTCP Tài chính và Phát triển năng lượng...

    Về kết quả kinh doanh của Vissai Ninh Bình (công ty mẹ), năm 2019, doanh thu thuần của công ty này là 5.303 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

    Tuy nhiên, lợi nhuận lại rất mỏng, chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chưa tới 1%. 

    Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Vissai Ninh Bình ở mức 9.479 tỷ đồng.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-an-cua-bau-truong-va-vissai-group-tai-du-an-ty-usd-o-ninh-binh-a356885.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan