(ĐS&PL) Là Doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, nhưng năm 2016 Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (TCT Bình Dương), tiền thân là Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, đã tự đem bán cho đối tác liên doanh hơn 43 ha đất của DNNN tại phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Một khu đất được đánh giá là đất “vàng”, nhưng không thông qua đấu giá và việc định giá cũng không thông qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Thực tế, TCT Bình Dương đã cho mình cái quyền tự định giá lô đất rộng 43 ha này với giá 250 tỷ đồng, tương đương hơn 581 nghìn đồng/m2.
Dự án nằm ngay vị trí “vàng” trên mặt đường Phạm Ngọc Thạch
Trong năm 2016, TCT Bình Dương và Công ty Tân Thành đã ký Biên bản thỏa thuận thống nhất tổng khu đất của Tổng Công ty bàn giao là hơn 1.450.101 m2, mỗi m2 của khu đất này sẽ có giá là 16 USD. Trong đó, 6 USD là giá trị quyền sử dụng đất, 10 USD còn lại là giá trị hạ tầng Tổng công ty đã đầu tư trên khu đất. Theo đó, tổng giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 8,7 triệu USD, tương đương hơn 139,2 tỷ đồng sẽ được Tổng Công ty góp vốn vào Công ty Tân Thành, phần giá trị còn lại thiếu so với cam kết sẽ được Tổng công ty góp bằng tiền mặt; Giá trị đã đầu tư trên khu đất là hơn 14,5 triệu USD tương đương hơn 275,5 tỷ đồng được cấn trừ với khoản Công ty Tân Thành đã ứng trước cho Tổng Công ty.
Tổng công ty đã xuất hóa đơn phần giá trị hạ tầng cho Công ty Tân Thành, doanh thu và giá vốn có liên quan được ghi trên kết quả kinh doanh của năm 2016. Cùng trong năm 2016, TCT Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất với tổng diện tích 430.000,3 m2 tại Khu liên hợp Bình Dương, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho Công ty Tân Phú.
Theo Hợp đồng chuyển nhượng ngày 08/12/2016, tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 250,1 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 581 nghìn đồng/m2 đất). Ngày 12/12/2016, Tổng Công ty đã lập Biên bản bàn giao cọc mốc, ranh địa chính cho Công ty Tân Phú, doanh thu và giá vốn có liên quan đến việc chuyển nhượng được ghi nhận trên kết quả kinh doanh của năm 2016.
Theo quan sát của phóng viên, khu đất 43 ha nói trên tọa lạc tại góc đường Võ Văn Kiệt và Phạm Ngọc Thạch, thuộc TP Thủ Dầu Một, ngay đường rẽ vào Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Mặt tiền của khu đất này chạy dài khoảng gần 2 km dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch rộng 60 m.
Theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn, thì bảng giá đất ở đô thị khu vực TP Thủ Dầu Một (các phường Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Định Hòa, Hiệp An, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Cường, Phú Hòa, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Lợi, Phú Thọ, Tân An, Tương Bình Hiệp) mức giá chuẩn tại vị trí 1 thời điểm đó là 24,570 triệu đồng/m2. Với diện tích chạy dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Kiệt sẽ được áp dụng giá trị đất thuộc vào vị trí 1, mức giá này cao gấp hơn 42 lần so với giá đất đã được TCT Bình Dương chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú (!)
“Hợp thức hóa” cho việc bán đất “chui” ?
Liên quan đến khu đất 43 ha do TCT Bình Dương đã chuyển nhượng cho liên doanh là Công ty Tân Phú, ngày 29/07/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã có Văn bản số 407-CV/TU về việc phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng Công ty thì đây là khu đất nằm trong danh mục chuyển giao từ TCT Bình Dương sang Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Như vậy, có thể khẳng định, khu đất 43 ha này không nằm trong danh sách tài sản thành lý trước khi cổ phần hóa hay quản lý của TCT Bình Dương (?). Điều này đồng nghĩa với việc TCT Bình Dương đã tự động ký hợp đồng “bán chui” 43 ha đất thuộc diện tài sản của DNNN theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”?
Bởi, phải đến ngày 13/03/2017, TCT Bình Dương mới có Văn bản số 39/TCTY gửi Thường trực Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương về việc xin chủ trương chuyển nhượng 30% phần vốn góp của Tổng Công ty tại Công ty Tân Phú. Theo Văn bản này, Công ty Tân Phú được thành lập theo thỏa thuận ngày 01/07/2010 giữa TCT Bình Dương và Công ty CP Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc), theo chủ trương tại Công văn số 1830-CV/TU ngày 17/10/2010 của Tỉnh ủy Bình Dương. Tỷ lệ vốn góp trong liên doanh, Công ty Âu Lạc 70% và TCT Bình Dương 30%, để thực hiện đầu tư kinh doanh trên diện tích 43 ha với DA Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú).
Khu Đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú hiện nay được đổi tên thành Dự án Mega City 3 Kiim Oanh, do Kim Oanh Group làm chủ đầu tư
Sau thời gian hoạt động, KĐT Tân Phú đã hoàn thành các thủ tục đầu tư để phát triển dự án và tháng 11/2012 được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch 1/500. Nhưng vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan do thị trường, dự án chưa được tiếp tục triển khai theo tiến độ đã định. Để đảm bảo việc tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của DA thuận lợi cho đầu tư cũng như sử dụng quỹ đất hiệu quả, chủ động đầu tư, kinh doanh…Căn cứ điều 11.1 về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Hợp đồng thỏa thuận Thành lập liên doanh giữa hai bên, Công ty Âu Lạc đã có Văn bản số 21/AL/2017 ngày 0703/2017 đề nghị Tổng Công ty xem xét chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú cho Cty Âu Lạc chủ động tiếp tục tiến hành các giai đoạn tiếp theo của DA.
Tại Văn bản số 39/TCTY cũng nêu rõ, theo chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương về phương án 43 ha để thực hiện DA KĐT Tân Phú được chuyển giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương và Công ty này sẽ kế thừa phần vốn góp của TCT Bình Dương tại Công ty Tân Phú sau khi TCT Bình Dương cổ phần hóa. Tuy nhiên, để thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản chuyển giao khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú và quyết toán nghĩa vụ thuế thu nhập đối với hợp đồng đang thực hiện dở dang, Tổng Công ty đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao khu đất trực tiếp cho Công ty Tân Phú và quyết toán thuế vào niên độ 2016.
Theo TCT Bình Dương, do đang có nhu cầu đầu tư nhiều dự án khác, nên việc thoái 30% vốn đầu tư vào Công ty Tân Phú là cần thiết. Đồng thời, Công ty Âu Lạc là chủ sở hữu 100% dự án thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh mạng lại hiệu quả. Do đó, TCT Bình Dương kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương cho phép Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc theo phương thức thỏa thuận dựa trên cơ sở giá thẩm định của các đơn vị thẩm định giá có chức năng.
Sau đó, ngày 20/04/2017 Tỉnh ủy Bình Dương đã có Thông báo số 287-TB/TU về kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, Tổng Công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký hợp đồng, thu tiền đúng theo quy định.
Theo đó, đến ngày 02/08/2017, TCT Bình Dương và Công ty Âu Lạc đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú với giá 161,1 tỷ đồng. Như vậy, nhờ vào chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương TCT Bình Dương đã “hợp thức hóa” thành công việc bán “chui” 43 ha đất “vàng” ?
Thanh traVietNam sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin thêm về vụ việc…
Theo thanhtravietnam.vn